Agribank An Giang tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên
Tin hội viên - Ngày đăng : 07:03, 27/11/2021
Chính sách tín dụng ưu đãi đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao. Theo quy định hiện hành, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên tối đa chỉ là 4,5%/năm.
Chính sách cho vay đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên là một định hướng đúng để hướng dòng tín dụng tập trung vào sản xuất – kinh doanh, đặc biệt là những lĩnh vực cần khuyến khích theo chỉ đạo của Chính phủ. Không chỉ tập trung tín dụng mà các lĩnh vực này còn được hưởng mức lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn so với các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thông thường khác.
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang đều hướng dòng tín dụng tập trung đầu tư cho các lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, dư nợ tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên thường có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức tăng tín dụng chung.
Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung đối với lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đến cuối tháng 9/2021, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng hơn 79 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ thóc, gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến thóc, gạo xuất khẩu…Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá cao 7,53% so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 3,24%).
Là ngân hàng hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh, để thực hiện tốt vai trò chủ đạo trong việc cung cấp nguồn vốn phát triển kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank An Giang đã xây dựng được một mạng lưới hoạt động mạnh mẽ gồm: 1 trụ sở chi nhánh; 14 chi nhánh loại II; 10 phòng giao dịch trải dài khắp huyện/thị/thành phố trong tỉnh và một điểm giao dịch lưu động bằng ô-tô chuyên dùng thuộc chi nhánh huyện Châu Phú. với tổng số gần 400 cán bộ công nhân viên; đồng thời bám sát các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Ðảng, Chính phủ, chấp hành nghiêm túc các cơ chế chính sách, chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước, của Agribank Việt Nam trong hoạt động ngân hàng, đẩy mạnh công tác huy động vốn trong dân cư, xây dựng và giao chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh cụ thể đến từng chi nhánh trực thuộc, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn của các thành phần kinh tế, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả phát triển sản xuất kinh doanh của địa phương.
Chỉ tính riêng Agribank An Giang, tổng dư nợ cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên đạt gần 14 nghìn tỷ đồng. Đây là những khoản vay ngắn hạn và áp dụng lãi suất thấp, với vòng quay tín dụng khoảng 2 vòng/năm, thì thực tế quy mô hỗ trợ cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp lớn hơn nhiều và hiệu quả mang lại của chính sách tín dụng ưu tiên là rất lớn.
Thống kê dư nợ cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên từ báo cáo thống kê của NHNN CNAG |
Trong nỗ lực chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, An Giang chú trọng phát triển các ngành hàng sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm có lợi thế theo chuỗi giá trị gắn với phát triển kinh tế hợp tác. Tiếp tục hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa lớn và quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ nhu cầu sản xuất. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xem doanh nghiệp là động lực quan trọng để có nền sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Ngoài ra, tiếp tục quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nhu cầu của doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm gia tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, gia tăng hàm lượng chế biến sản phẩm nông sản, sản phẩm chủ lực để từng bước tạo ra giá trị gia tăng cao. Sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng an toàn, sạch, hữu cơ kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và phục vụ xuất khẩu. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại. Kinh tế nông nghiệp của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngân hàng Agribank An Giang trên địa bàn. Và thực tế minh chứng, đồng vốn ngân hàng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đầu tư và an sinh xã hội của tỉnh rất hiệu quả.