Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 07:35, 01/12/2021
Hình ảnh buổi tọa đàm |
Thách thức còn rất lớn
Chia sẻ tại Tọa đàm “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế” do Báo Đầu tư tổ chức, ngày 30/11, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhận định, đại dịch COVID-19 khả năng còn kéo dài một vài năm trước khi trở thành bệnh đặc hữu, vì vậy, năm 2022 có tính chất bản lề và trong quá trình chuyển trạng thái như vậy có thể có những rủi ro bất ngờ như: bùng phát dịch trở lại, thêm các chủng mới, vắc xin giảm hiệu lực, các thuốc điều trị giảm dần khả năng chống đỡ bệnh tật.
“Xét về tổng thể nền kinh tế, các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi nhưng cần lưu ý đó là phục hồi trong bối cảnh biến động”, ông Lê Xuân Nghĩa chia sẻ và cho biết thêm: “Nguy cơ với hoạt động sản xuất kinh doanh còn hiện hữu mà đáng lo ngại nhất là lạm phát đình đốn trên toàn cầu dẫn đến giá vật liệu đầu vào tăng lên như xăng dầu, kim loại, bông sợi, nhựa, thức ăn gia súc, phân bón… Điều này khiến cho chi phí sản xuất tăng, đẩy doanh nghiệp vào tình trạng có thể có đầu ra nhưng lợi nhuận thấp”.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng dẫn số liệu từ Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện về tình hình “sức khỏe” tài chính của trên 21.500 doanh nghiệp, cho thấy, có tới 69% phải tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh do dịch COVID-19. Số doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh mặc dù không thể hoạt động toàn công suất chiếm 16%.
Thống kê đến ngày 25/10/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho trên 330.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ 250.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,8 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 3,5 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đạt trên 7 triệu tỷ đồng cho hơn 1 triệu khách hàng.
Với thực tế hiện nay và dự báo đại dịch kéo dài, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa dự báo, nợ xấu ngân hàng sẽ tăng lên, khả năng thu hồi nợ sẽ khó khăn hơn. “Nợ xấu của các khoản vay mới sẽ tăng lên, cộng thêm nợ xấu cũ được giãn hoãn theo Thông tư 01, 03, 14 của Ngân hàng Nhà nước, có thể làm cho chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại giảm sút. Dự báo, có khoảng 3 triệu tỷ đồng tín dụng (trong tổng số trên 10 triệu tỷ đồng, khoảng trên 30%) nằm trong tình trạng có rủi ro cao”, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cảnh báo.
Ngoài ra, những khó khăn từ kinh tế vĩ mô như lạm phát chi phí đẩy và sự biến động của tỷ giá hối đoái, về dịch chuyển nguồn nhân lực, lợi tức trái phiếu chính phủ và lãi suất cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh nói chung của ngân hàng cũng như hoạt động kinh doanh nguồn vốn… có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế trong năm 2022.
Cần tăng cường sử dụng các công cụ của chính sách tài khóa
Để “dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế”, các diễn giả kiến nghị, cần một giải pháp đồng bộ từ Chính phủ và các cơ quan ban ngành để có thể tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người lao động trong quá trình khôi phục sản xuất kinh doanh, cụ thể: đưa ra các gói kích thích kinh tế kịp thời, thực hiện công tác phòng, chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế; hỗ trợ hoãn, giảm, miễn các loại thuế, phí, chi phí cho cá nhân doanh nghiệp… Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước xem xét việc cơ chế tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng, tránh việc nguồn vốn hiện nay đang dồn vào chứng khoán và bất động sản. Nguồn vốn đi không đúng địa chỉ có thể gây bong bóng tài sản, tác hại lâu dài cho nền kinh tế.
Đặc biệt, với áp lực lạm phát tại Việt Nam và mặt bằng lãi suất trên thế giới được dự báo tăng lên trong các năm tiếp theo sẽ khiến mặt bằng lãi suất tại Việt Nam tăng lên và thu hẹp dư địa hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vì vậy, các đại biểu cũng kiến nghị cần thiết phải có các kịch bản chính sách vĩ mô từ Ngân hàng Nhà nước để tạo sự ổn định cho thị trường tiền tệ, đồng thời có những định hướng cụ thể để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cũng như các ngân hàng, hỗ trợ giảm lãi suất cho vay/giảm lãi suất chậm trả cho các doanh nghiệp/cá nhân thông qua hệ thống ngân hàng.
Cụ thể hơn, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị, trong điều kiện hiện nay, Chính phủ cần phải cân nhắc có giải pháp hạn chế việc tham gia của các ngân hàng vào những chính sách có tính chất kích thích nền kinh tế như: giảm phí, giảm lãi suất, giãn hoãn nợ… bởi điều này sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho các ngân hàng thương mại trong cả ngắn, trung và dài hạn. “Có những lựa chọn khác để kích thích kinh tế, chẳng hạn thông qua chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ như Chính phủ phát hành khối lượng trái phiếu đủ lớn để có được nguồn lực nhằm giải quyết dứt điểm những vấn đề tài chính của các tập đoàn lớn”, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa gợi mở.
Cũng theo ông Lê Xuân Nghĩa, một giải pháp cần cân nhắc khác đó là: “nên có một lộ trình giảm dần giãn hoãn nợ (rút củi đáy nồi), trên cơ sở đó cho phép các ngân hàng thương mại tăng trích lập dự phòng rủi ro, phục hồi lãi suất và phí theo thị trường một cách rõ ràng để các ngân hàng thương mại cân đối dòng tiền, đảm bảo ổn định thanh khoản. Đồng thời, áp dụng quy chế quản lý ngoại bảng linh hoạt (tái cơ cấu nợ, chuyển nợ thành vốn, xóa nợ….) để từng bước làm sạch bảng cân đối tài sản chuẩn bị cho một chu kỳ hoạt động mới”.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, các quốc gia trên thế giới có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ đồng thời tăng cường hợp tác trong ứng phó với dịch COVID-19. Đó là, cho phép Ngân hàng Trung ương mua trái phiếu Chính phủ từ thị trường sơ cấp/thứ cấp; hay như thông qua Ngân hàng Trung ương hỗ trợ nguồn tài chính với lãi suất ưu đãi cho các tổ chức tín dụng để thực hiện công cụ tài chính chuyển nhượng và thoả thuận mua lại tài sản.
Thông qua cơ chế bảo lãnh của chính phủ hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tiếp cận dòng vốn tín dụng. Đặc biệt, vai trò của chính sách tài khóa được tăng cường khi dư địa chính sách tiền tệ dần thu hẹp.
Tại Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường cho rằng, chính sách tài khoá cần đóng vai trò lớn hơn, phối hợp với chính sách tiền tệ để tạo ra nguồn lực hỗ trợ lớn nhất cho nền kinh tế. Thậm chí, Việt Nam cần chấp nhận tăng nợ công và bội chi trong ngắn hạn để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng cần có biện pháp thiết lập kỷ luật tài khóa trong trung và dài hạn. Bên cạnh đó, phân loại và xác định các mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn.
“Cho dù Việt Nam có thể có dư địa tài khóa nhưng liệu Việt Nam còn dư địa thời gian và năng lực để thực hiện các biện pháp ngắn hạn không là dấu hỏi đặt ra”, ông Nguyễn Minh Cường nói.
Tại buổi tọa đàm, chia sẻ về điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch, hỗ trợ phục hồi kinh tế, đồng thời sẽ theo dõi sát diễn biến vĩ mô, giá cả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đặt ra.
Về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và đặc biệt kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; cân đối hài hòa giữa hỗ trợ nền kinh tế với mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.