Góc nhìn của thẩm phán về "tín dụng đen"
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 19:30, 02/12/2021
Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ xin trân trọng giới thiệu tòa văn bài tham luận của ông Nguyễn Đình Tiến tại hội thảo.
Ông Nguyễn Đình Tiến, Phó Chánh Tòa hình sự, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội phát biểu tham luận tại hội thảo |
“Tín dụng đen” – một loại hình kinh doanh tiền tệ bất hợp pháp hoạt động từ các mô hình nhỏ lẻ, đơn giản như cầm cố, cho vay của các cá nhân đến mô hình có tổ chức với nhiều người tham gia, nhiều chi nhánh, phạm vi nhiều địa bàn với nhiều tên gọi khác nhau mà chủ yếu tập trung các chức năng kinh doanh như: cho vay, mua bán nợ, đầu tư tài chính… Hình thức giải ngân từ trực tiếp đến thông qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử, mạng máy tính viễn thông.
Đối tượng mà “tín dụng đen” thường nhắm đến chủ yếu là người dân lao động nghèo, học sinh sinh viên ở các địa bàn từ nông thôn đến các đô thị… những tầng lớp yếu thế nhất nhưng lại chiếm số lượng đông đảo nhất trong xã hội.
Chính vì vậy những hậu quả xấu mà “tín dụng đen” đem lại là rất lớn trong đời sống nhân dân, gây hoảng loạn, hoang mang lo ngại và ảnh hưởng nhiều đến niềm tin của người dân đối với sự nghiêm minh của pháp luật.
Đặc điểm nhận diện “tín dụng đen”
Trong những năm gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, tình hình tội phạm vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, đặc biệt các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm và liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Đây là mầm mống phát sinh các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng... Các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông, Internet, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, dịch vụ cầm đồ, tạo vỏ bọc, đối phó với cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất rất cao (từ 100% đến 300%, thậm chí lên đến 700%/năm đối với khoản tiền ở thời điểm vay) nhằm thu lợi bất chính.
Về bị hại trong “tín dụng đen” thường là các tiểu thương, công nhân, nông dân hoặc dân nghèo và sinh viên có nhu cầu về tài chính cấp thiết; những người này có trình độ hiểu biết và suy nghĩ không thấu đáo nên khi vướng vào “tín dụng đen” họ trở thành nạn nhân của việc buôn tiền ngoài pháp luật này. Ngoài ra, trong tình trạng thắt chặt tín dụng hiện nay khi phải đáo nợ ngân hàng, các doanh nghiệp không có khả năng gặp khó khăn về tài chính cũng phải tìm đến “tín dụng đen” để thực hiện “gói dịch vụ” đáo nợ.
Đối với những đối tượng lợi dụng “tín dụng đen” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường huy động vốn với lãi suất cao, trả lãi đều, uy tín trong thời gian đầu, đủ để người cho vay tin tưởng. Nhiều trường hợp các đối tượng còn phô trương thanh thế bằng những chiêu khuyến mãi, từ thiện… khiến người cho vay choáng ngợp trước tiền của, tài năng cùng uy tín của đối tượng. Sau khi lấy được lòng tin và được bị hại giao tiền thì đối tượng sẽ chiếm đoạt lấy số tiền rồi bỏ trốn.
Một số đối tượng, bằng nhiều lời lẽ giảo hoạt, hứa hẹn về sự giàu có để huy động vốn với lãi suất rất cao, đánh vào lòng ham muốn thu được lợi cao nhất và vì thế lôi kéo các bị hại là cả những người thân trong gia đình, họ hàng, làng xóm.
Đối với các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi: Thường sử dụng danh nghĩa công ty, ngân hàng để huy động tiền, dùng lãi suất cao để huy động tiền, trả trước lãi, dễ dàng, thuận lợi, nhanh chóng trong việc cho vay (lãi nặng), sẵn sàng cho vay tiếp khi người vay chưa trả được nợ, khi người vay không còn khả năng trả nợ sẽ bị xiết tài sản, thậm chí không còn nhằm cả đến tài sản của những người thân của người vay như: bố, mẹ, anh chị em, con cái... Đa số đều không thế chấp bằng tài sản hoặc chỉ có một tài sản nhưng thế chấp cho nhiều người với số tiền vay vượt quá nhiều lần trị giá tài sản thế chấp; thủ tục thế chấp không bảo đảm theo quy định.
Trước tình trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Ngày 3/7/2019, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 148/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 25/7/2019, Tòa án nhân dân tối cao cũng đã ban hành Kế hoạch số 87/KH-TANDTC về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi các Chỉ thị, Quyết định, Kế hoạch được ban hành, công tác quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề kinh doanh liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” được siết chặt; công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm được đẩy mạnh; nhận thức của người dân liên quan đến tác hại, thủ đoạn phạm tội của loại tội phạm “tín dụng đen” được nâng lên. Qua đó đã góp phần kiềm chế hoạt động “tín dụng đen”. Song để loại trừ hẳn loại tội phạm này cũng là thách thức không nhỏ đối các ban, ngành.
Thực trạng xét xử các loại tội phạm có nguồn gốc, liên quan đến “tín dụng đen”
Tòa án nhân dân TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến việc phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội tội phạm và vi phạm pháp luật, đặc biệt là các tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và đã triển khai đồng bộ các biện pháp để đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này.
Số liệu xét xử các vụ việc, vụ án có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trong 2 năm từ 5/2019 đến 5/2021.
Tổng số vụ án hình sự đã thụ lý: 31 vụ án/89 bị cáo về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015. Đã giải quyết: 28vụ/ 75bị cáo, trong đó xét xử: 22vụ/ 52 bị cáo; trả hồ sơ điều tra bổ sung: 2 vụ/ 9 bị cáo; còn tồn lại chưa giải quyết: 3 vụ/ 14 bị cáo. So với cùng thời điểm năm ngoái, số vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” thụ lý tăng khoảng 37,5% (năm trước thụ lý 16 vụ/49 bị cáo); kết quả giải quyết tăng 80% (năm trước giải quyết 10 vụ/25 bị cáo) nên số vụ tồn còn rất ít, chỉ chiếm khoảng 14 %.
Như vậy có thể thấy rằng, loại tội phạm liên quan đến tín dụng đen được định hình trong loại tội phạm “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt khoản 1: “phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm”; khoản 2: “phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm” dường như chưa tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả xấu của các hành vi tín dụng đen gây ra cho xã hội và chưa đủ sức răn đe, giáo dục chung.
Quá trình xử lý các vụ việc liên quan đến "tín dụng đen" rất khó khăn trong việc phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ, bởi các đối tượng thường cất giấu hợp đồng ở những nơi kín đáo, dễ tiêu hủy, sử dụng mạng xã hội để chốt hợp đồng. Hơn nữa, các đối tượng còn sử dụng nhiều “chiêu trò” lách luật như: thu tiền gốc trước, nếu người vay trả hết gốc thì chuyển lãi thành gốc nên khi bị phát hiện không thể kết luận các đối tượng thu lời từ lãi; hoặc sử dụng thủ đoạn trong lập hợp đồng vay: không thể hiện lãi suất, thế chấp bằng giấy tờ tùy thân; lợi dụng công nghệ thông tin, phần mềm, ứng dụng điện thoại để cho vay. Khi đã bị đưa ra truy tố, xét xử thì các bị cáo thường không thừa nhận phạm tội, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.
Ngoài các hành vi thực hiện tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” trực tiếp như đã nêu ở trên, thời gian gần đây các đối tượng còn thay đổi hình thức hoạt động như thông qua các phần mềm điện tử, hoạt động trên môi trường mạng thông qua các app cho vay mà người bị hại chỉ cần có điện thoại thông minh là có thể dễ dàng truy cập, kí kết các hợp đồng vay nợ với các thủ đoạn hết sức tinh vi khiến cho bị hại khó có thể nhận diện các điều khoản cam kết bất lợi trái pháp luật đặc biệt là mức lãi suất rất cao.
Các thủ đoạn này khá đa dạng và mới mẻ khiến cho người dân có nhu cầu vay vốn không hình dung và lường trước hậu quả, trong khi các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã phản ánh, cảnh báo kịp thời. Hơn nữa, các tội phạm tín dụng thông qua không gian mạng thường được tổ chức công ty điều hành các Website tài chính với mô hình tội phạm có tổ chức và được điều hành hết sức tinh vi và chuyên nghiệp.
Liên quan đến các đường dây tín dụng đen thường có các tổ chức, băng nhóm xã hội đen, đâm thuê chém mướn và để thu hồi nợ các đối tượng sẵn sàng thực hiện các hành vi hết sức trắng trợn, manh động tấn công hoặc khủng bố tinh thần, đời sống của bị hại, gây hoang mang, hoảng loạn trong đời sống khu dân cư. Thậm chí tội phạm không từ các thủ đoạn bắt giữ người, đánh, chém, gây thương tích, cướp tài sản của không chỉ người vay mà còn của cả thân nhân của họ và lý do cho các hành động này dựa vào các hợp đồng đòi nợ, mua bán nợ...
Nhận xét, kiến nghị và đề xuất
Hệ thống tín dụng phát triển nhanh và mạnh trong những năm qua, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, các tổ chức tín dụng đã tạo động lực cho nền kinh tế đất nước phát triển ổn định và bền vững; hình thành hệ thống tín dụng đủ mạnh và uy tín của nền tài chính quốc gia. Tuy nhiên, do quy trình cho vay và thủ tục của các tổ chứ tín dụng hết sức chặt chẽ nên đông đảo bà con lao động nghèo, buôn bán nhỏ lẻ, các tổ sản xuất gia đình, học sinh sinh viên... chưa tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.
Trong khi đó, môi trường mà “tín dụng đen” hoạt động và tồn tại chính là khả năng tiếp cận nguồn vốn của các đối tượng lao động nghèo, học sinh sinh viên, người lao động. Những người có nhu cầu cấp bách cần nguồn vốn để buôn bán, sản xuất, đóng học phí... nhưng không có khả năng tự lực hoặc không nhận được sự hỗ trợ của người thân quen. Lý do túng quẫn đã khiến họ tìm đến và chấp nhận hoặc không có kiến thức để hiểu các mánh khóe của các tổ chức “tín dụng đen”.
Có thể thấy các loại tín dụng đen luôn có thủ tục đơn giản, việc thế chấp thậm chí chỉ là giấy chứng minh thư, căn cước công dân, bằng lái xe... tốc độ giải ngân nhanh. Nhưng bù lại, loại tín dụng đen sử dụng công cụ lãi suất để bóc lột, trói buộc, khống chế người vay. Đâu đó nhan nhản các biển quảng cáo cho vay lãi suất 5.000 đồng/1triệu/ngày, khiến người vay lầm tưởng lãi suất thấp nhưng thực tế đó là mức lãi suất là 180%/năm, song người vay bị cắt lãi số lãi ngay từ đầu nên số tiền thực nhận khi vay không phải là 1.000.000 đồng (ví dụ vay 1.000.000 đồng lãi suất 5.000 đồng/ngày trong hai tháng lãi suất là 300.000 đồng sẽ bị trừ đi và người vay chỉ nhận về 700.000 đồng thời gian 2 tháng phải trả đủ gốc 1.000.000 đồng nghĩa là mức lãi 150.000 đồng/700.000 đồng/tháng 21,42% x12 tháng = 257%).
Ngoài ra, hiện nay thực trạng biến tướng từ các dịch vụ cầm đồ rất nở rộ, chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “app vay tiền online” sẽ cho ra rất nhiều ứng dụng điển hình như Snap, Doctor Đồng, Tima, Senmo…. hỗ trợ điền biễu mẫu thông tin để được vay nhanh với thủ tục hồ sơ đơn giản. Chỉ cần CMND, hộ khẩu, bằng lái xe, bảng lương… thì bạn sẽ có thể vay hoặc cầm cố và nhận tiền nhanh.
Tuy nhiên, nếu lỡ tìm đến các website/ứng dụng vay núp bóng tín dụng đen, “dịch vụ bốc họ” thì mức lãi suất cầm tín chấp luôn “cao nhất ngưởng” có thể đạt tới 20% – 50%/tháng. Đặc biệt các app vay tiền núp bóng tín dụng đen không chỉ tính lãi suất cắt cổ mà người vay còn phải chịu các khoản tính phí hết sức vô lý theo cách tính bậc thang như phí vay ban đầu, phí nhắc nợ, phí tính lãi suất… với số tiền ngang với khoản tiền lãi phát sinh. Mức lãi suất này khiến nhiều người vay gặp phải hệ lụy sau này khi không còn khả năng thanh toán thì bị khủng bố điện thoại, tạt mắm tôm, kể cả đe dọa đánh đập…
Kiến nghị: Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong tổ chức xét xử công khai các vụ án trọng điểm và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng một số vụ án có liên quan đến “tín dụng đen”, nhất là vụ án gây bức xúc trong dư luận nhân dân, các vụ án phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, côn đồ, dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc dùng phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; các vụ án gây hậu quả nghiêm trọng như thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, thiệt hại lớn về tài sản nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung. Tăng cường sơ kết, tổng kết thực tiễn để đánh giá, rút kinh nghiệm theo chuyên đề đối với loại tội phạm này, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu về giải quyết các vụ án liên quan đến loại tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Các cơ quan, ban ngành, các tổ chức xã hội cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, nhằm nâng cao nhận thức và sự cảnh giác của người dân. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan khác trong công tác thanh, kiểm tra đối với các chủ thể kinh doanh dịch vụ cầm đồ các công ty tín dụng núp danh công ty tài chính, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các chủ cơ sở cầm đồ và xử lý nghiêm các chủ kinh doanh vi phạm, những chủ thể này thường có hoạt động cho vay lãi nặng. Các lực lượng chức năng cần tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường phối hợp giữa các lực lượng, các cơ quan trong việc quản lý, giám sát và trao đổi thông tin nhằm kịp thời nắm tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử nghiêm các vụ vi phạm về cho vay lãi nặng, các vụ đòi nợ, siết nợ thuê trái pháp luật nhằm răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Đề nghị giải pháp phòng chống “tín dụng đen”
Giải pháp đầu tiên chính là, đẩy mạnh phát huy mạng lưới tín dụng do Nhà nước thành lập hoặc cho phép thành lập, thông qua sự kiểm tra giám sát của hệ thống Ngân hàng Nhà Nước. Thống nhất một hệ thống công ty tài chính được hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu các hình thức vay thích hợp phục vụ các đối tượng nghèo, người dân lao động, học sinh sinh viên với phương thức linh hoạt, ứng dụng các phần mềm cho vay tiên tiến để kiểm soát thị trường cho vay, đề cao tiêu chí hỗ trợ hơn lợi nhuận. Làm được và chỉ có làm tốt được điều này và căn cơ nhất cơ bản nhất đẩy lùi nạn tín dụng đen trong xã hội.
Thứ hai, các cơ quan pháp luật tăng cường phối hợp hành động, có văn bản hướng dẫn pháp luật để áp dụng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử nên đề nghị liên ngành tư pháp trung ương cần sớm có văn bản hướng dẫn Điều 201 Bộ Luật hình sự năm 2015 theo hướng: Tiền thu lợi bất chính cần phải tính như sau: Toàn bộ số tiền lãi thu được của tất cả các hợp đồng cho vay trừ đi số tiền lãi suất theo quy định của Điều 468 Bộ Luật dân sự năm 2015, tức là mức lãi suất 20%/năm: 12 tháng = 1,666%/ (1,666%/tháng là lãi hợp pháp) còn 1,666%/tháng x 5 lần = 8,33% (từ 1,667%/tháng đến 8,33%/tháng là lãi suất vay vi phạm về pháp luật dân sự), còn lại số tiền lãi cao hơn 8,33%/tháng, cộng với tiền thu phí dịch vụ là số tiền thu lợi bất chính nếu đủ 30.000.000 đồng là đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Về Pháp luật: do tính chất nguy hiểm của loại tội phạm có thể gây bất ổn cho đời sống người dân, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tư an toàn xã hội nên cần nghiên cứu sửa đổi quy định Điều 201 Bộ Luật hình sự năm 2015 theo hướng: bỏ hình phạt tiền và tăng hình phạt tù theo khoản 1 hình phạt từ 1 đến 5 năm tù; khoản 2 từ 5 năm đến 15 năm tù.
Có sự phối hợp thường xuyên giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thanh tra ngân hàng, cơ quan quản lý thông tin truyền thông, cơ quan quản lý doanh nghiệp để xử lý kịp thời, xử phạt nặng các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng các hình thức kinh doanh tín dụng đen qua App, yêu cầu các nhà mạng không cung cấp dịch vụ cho các App vay tiền núp bóng tín dụng đen.