Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Tạo điều kiện để nhiều tổ chức tham gia vào tín dụng tiêu dùng
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 18:00, 02/12/2021
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng - Dũng |
Ngày 2/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội tổ chức Hội thảo "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn".
Đánh giá cao đề xuất, nội dung tổ chức Hội thảo của Hiệp hội Ngân hàng, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, trong những năm qua, các cơ quan chức năng và ngành Ngân hàng đã nhận diện "tín dụng đen" một cách tương đối đầy đủ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị 12 là căn cứ pháp lý để các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền mạnh tay với "tín dụng đen", trấn áp đẩy lùi "tín dụng đen". Tuy nhiên, hiện nay tín dụng đen vẫn còn tồn tại ở một số địa phương, vẫn xảy ra những câu chuyện đau lòng về "tín dụng đen".
Theo Phó Thống đốc, ngành Ngân hàng đã phối hợp cùng công an, các cấp chính quyền tăng cường công tác truyền thông, nhận diện tín dụng đen để cung cấp thông tin, từ đó người dân có thể cảnh giác, tránh bẫy tín dụng đen. Các ngành chức năng đã tăng cường trấn áp tội phạm, mạnh tay với tín dụng đen để răn đe.
Trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã luôn tạo điều kiện thuận lợi, ban hành văn bản pháp lý rõ ràng để các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính tiêu dùng, ngân hàng thương mại tăng cường cho vay tiêu dùng với người dân, nhất là với những khoản vay nhỏ lẻ, với những người dân có nhu cầu vay ngắn hạn, phục vụ cho cuộc sống hằng ngày.
Kết quả cho vay trực tiếp phục vụ đời sống đến nay là khoảng 2 triệu tỷ đồng trên dư nợ 10 triệu tỷ đồng của nền kinh tế và đây là con số không nhỏ, tỷ trọng khá lớn. Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc, nhu cầu tín dụng phục vụ cho đời sống trực tiếp, thậm chí nhỏ lẻ đối với khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa và những người yếu thế vẫn cần tập trung hơn nữa. Để làm được điều này, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho nhiều tổ chức tham gia vào tín dụng tiêu dùng, trước hết là các ngân hàng thương mại, đặc biệt là vai trò chủ lực của các NHTM có vốn nhà nước, hệ thống tài chính vi mô, Quỹ Tín dụng Nhân dân có thể vào cuộc đồng bộ một cách tích cực hơn với cơ chế thông thoáng hơn, sử dụng những công nghệ hiện đại, đưa tín dụng những món nhỏ, không lớn nhưng người dân có thể dễ dàng tiếp cận được.
Phó Thống đốc cho biết, ngành Ngân hàng sẽ phối kết hợp với Bộ Công an về việc sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để phục vụ trong việc xác định danh tính, định danh khách hàng chính xác, đánh giá nhân thân người vay, để các tổ chức tín dụng (TCTD) có thể đẩy mạnh, dễ dàng, chủ động hơn trong việc cho vay.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục coi đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng, hướng TCTD tập trung tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này, bằng nguồn vốn, sự thuận lợi, mạng lưới, sản phẩm dịch vụ hiện nay như vay lưu động, vay kết nối giữa người mua người bán hàng… để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thuận lợi với chính sách nhà nước, ngân hàng thương mại thể hiện trách nhiệm xã hội, người nghèo, người khó khăn tiếp cận được nguồn vốn và vẫn đảm bảo sự an toàn, lành mạnh trong hoạt động của các TCTD, tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại.
Chia sẻ thêm về những kết quả đạt được được trong điều hành chính sách tiền tệ của ngành Ngân hàng trong thời gian qua, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết thêm, việc giảm lãi suất không chỉ năm 2021, 2022 mà là xu hướng trong nhiều năm qua theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ để tạo điều kiện cung ứng vốn đầy đủ hơn với lãi suất hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân trong phục vụ đời sống và kinh doanh. Thời gian qua mặt bằng lãi suất đã có mức giảm đáng kể. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, COVID-19, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất chia sẻ với doanh nghiệp là một chỉ đạo tích cực, quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Trong năm 2021, 16 ngân hàng thương mại có quy mô lớn đã thực hiện cam kết giảm lãi suất đã đạt được 75%. Trong năm tiếp theo, chủ trương giảm lãi suất vẫn được đặt ra, dựa vào nội lực của chính các ngân hàng thương mại, từ việc tiết kiệm chi phí hoạt động, chia sẻ lợi nhuận trong điều kiện khó khăn với các doanh nghiệp.
Phó Thống đốc cho biết thêm, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng chương trình hành động gắn với chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ, trên cơ sở đó, chính sách tiền tệ sẽ triển khai đồng bộ trên tất cả các mặt, về tiền tệ, thanh toán, lãi suất…
Để giải quyết được căn cơ vấn đề tín dụng đen theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, đời sống và dân trí của nhân dân cần được nâng cao. Đây sẽ là điều kiện để giải quyết tín dụng đen. Cùng với đó, hành lang pháp lý cần đồng bộ, rõ ràng, thể hiện sự thống nhất trong việc trấn áp, xử lý tội phạm, liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Đồng thời, xây dựng hệ thống tài chính toàn diện sẽ được triển khai một cách tích cực, rộng khắp và người dân là đối tượng thụ hưởng tích cực.
Còn về trước mắt, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng cần 3 giải pháp. Đó là, làm cho người dân hiểu về tác hại, hậu quả của tín dụng đen để cảnh giác và đấu tranh… thông qua công tác truyền thông, giáo dục tài chính toàn diện; tiếp tục trấn áp, xử lý nghiêm những người tổ chức, bảo kê cho tín dụng đen, kể cả các tổ chức chính thức và phi chính thức; tăng cường các kênh tiếp cận vốn chính thức cho người dân, đây vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của chính các tổ chức tín dụng.