Ngân hàng và trí tuệ nhân tạo: Thích ứng nhanh để tạo lợi thế cạnh tranh khác biệt
Công nghệ - Ngày đăng : 12:00, 05/12/2021
|
Là một đơn vị chuyển đổi số từ sớm, thời gian qua, Ngân hàng TMCP Tiên Phong đã có sự đầu tư công nghệ bài bản với trên 80% ứng dụng công nghệ mới sử dụng trí tuệ nhân tạo. Chia sẻ kinh nghiệm, ông Tống Văn Tiến cho rằng, tương lai của trí tuệ nhân tạo, máy học sẽ thay đổi cách ngân hàng tạo ra sản phẩm và quyết định cho vay, cũng như ngăn chặn từ sớm các rủi ro gian lận, gia tăng trải nghiệm và gắn kết khách hàng. Để trí tuệ nhân tạo làm việc hiệu quả đòi hỏi phải có một kho dữ liệu đủ lớn, chính xác, đồng nghĩa với việc ngân hàng phải chuyển đổi số đồng bộ từ trong ra ngoài, đảm bảo kết nối và liên thông, xây dựng hệ thống dữ liệu lớn không ngừng được làm giàu từ mọi mặt hoạt động của ngân hàng.
Năm 2022 được xác định là năm bản lề, ứng dụng trí tuệ nhân tạo một cách toàn diện trên toàn hàng, nhằm mục tiêu phát triển kinh doanh trên nền tảng số, gia tăng sức mạnh cạnh tranh của TPBank.
Ông Karthiikeyan Rajaekharan, Giám đốc cao cấp về Phân tích dữ liệu và AI châu Á - Thái Bình Dương của Microsoft cho biết ngành Ngân hàng hiện nay có 2 thách thức chính đó là sự thay đổi nhanh chóng trên thị trường và sự kỳ vọng của khách hàng về trải nghiệm, tốc độ phục vụ và tương tác ngày càng tăng đã đặt áp lực lên các ngân hàng và công ty tài chính. Trong bối cảnh đó, trí tuệ nhân tạo đã trở thành một chiến lược có thể thay đổi cục diện ngành Ngân hàng, nhất là ở những khía cạnh liên quan đến tương tác với khách hàng, quản trị rủi ro. Tiềm năng ứng dụng của AI trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng có thể lên tới 1,3 nghìn tỷ đồng, với tốc độ ứng dụng ngày càng tăng.
Đại diện của Microsoft cũng nhận định, trong tương lai 10 năm nữa, các công ty sẽ không còn lấy nền tảng là công nghệ nữa, mà thay vào đó là lấy nền tảng là trí tuệ nhân tạo. “Trí tuệ nhân tạo có thể ứng dụng trong việc chăm sóc khách hàng, phát triển sản phẩm, công nghệ vận hành và hỗ trợ nhân viên” – ông Karthiikeyan Rajaekharan cho biết.
Theo ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc Công ty FPT Smart Cloud, Trí tuệ nhân tạo giúp khách hàng được phục vụ tức thì với trải nghiệm liền mạch và cá nhân hóa bởi các Trợ lý Ảo Tổng đài, giao dịch nhanh chóng dựa trên công nghệ sinh trắc học (nhận diện khuôn mặt, giọng nói). Nhân viên Ngân hàng sẽ được giải phóng bởi các tác vụ lặp thường ngày, tập trung chuyên môn vào các nhiệm vụ quan trọng và phức tạp hơn. Đối với quy trình vận hành của ngân hàng, trí tuệ nhân tạo “gánh vác” giúp nhân viên ngân hàng nhiệm vụ lưu trữ, trích xuất và quản lý dữ liệu, đồng thời xây dựng các trợ lý ảo hỗ trợ chia sẻ thông tin nội bộ như IT helpdesk, đào tạo…
Theo ông Lê Hồng Việt, với vai trò là đơn vị đi đầu trong các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, FPT.AI đã xây dựng thành công các hệ thống tích hợp trí tuệ nhân tạo cho hơn 80 doanh nghiệp lớn, phục vụ khoảng 120 triệu lượt giao dịch trong 1 tháng trong đó có các Ngân hàng hàng đầu như TPBank, SeaBank cùng các công ty tài chính lớn như Home Credit, FECredit. Hệ thống tổng đài thông minh tích hợp Trợ lý ảo FPT.AI đã phục vụ hàng chục triệu người dùng cuối mỗi năm, giải quyết thành công hơn 90% số yêu cầu từ khách hàng.
“Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo đã giúp các khách hàng trong đó có nhiều đơn vị trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tiết kiệm ít nhất là 20% chi phí, nhiều nhất lên tới 60%” – ông Lê Hồng Việt nhấn mạnh.
Được biết, FPT.AI đã kết hợp cùng Microsoft trong việc triển khai trí tuệ nhân tạo trên nền tảng điện toán đám mây, nhằm đem lại các giải pháp cho các Ngân hàng ứng dụng trí tuệ nhân tạo một cách hiệu quả, toàn diện và linh hoạt.