Thực tế triển khai tín dụng tiêu dùng tại FE Credit: Kết quả đạt được - Khó khăn và đề xuất
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 07:30, 08/12/2021
Thông tin trên được bà Hồ Thị Như Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính FE Credit chia sẻ tại Hội thảo "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn" tổ chức sáng ngày 2/12. Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài tham luận của bà Hồ Thị Như Hà tại hội thảo.
Bà Hồ Thị Như Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính FE Credit |
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, theo hướng dẫn, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các Tổ chức Tín dụng đã tích cực hỗ trợ người dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng an toàn, đồng thời giảm lãi, giãn nợ để khách hàng vượt qua khó khăn, tạo động lực sớm hồi phục đời sống - kinh tế, đặc biệt là những khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, FE Credit cũng tiếp tục nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu; ….
I - Thực tế triển khai cho vay tiêu dùng tại FE Credit
Nắm bắt tình hình thực tế, FE Credit đã liên tục triển khai các giải pháp nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức giúp người dân tiếp cận vốn vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng chính đáng, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, cụ thể:
Chủ động cân đối khả năng tài chính, tiết giảm chi phí hoạt động để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay và xây dựng lãi suất ưu đãi góp phần hỗ trợ và đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn.
Thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ theo các quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN.
Trong những tháng đầu năm 2021, FE Credit đã có tới 400.000 khoản vay, dư nợ cho vay đạt khoảng 2.000 tỷ đồng được hưởng lãi suất ưu đãi. Lũy kế từ đầu năm 2020 đến cuối tháng 10/2021, tổng số tiền lãi FE Credit đã miễn, giảm cho khách hàng khoảng 223 tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 150.000 khách hàng.
Bên cạnh việc khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, FE Credit cũng chú trọng triển khai các giải pháp đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, nhằm giúp người dân tiếp cận gần hơn với nguồn tín dụng chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, cụ thể:
Phát triển mạng lưới, tiếp cận sâu rộng đến người dân: Với mong muốn tín dụng tiêu dùng trở nên gần gũi hơn với người dân, FE Credit đã nỗ lực mở rộng mạng lưới khi có hơn 21.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc và phục vụ hơn 12 triệu khách hàng trên toàn quốc, đặc biệt là khu vực nông thôn.
Để gia tăng thêm các kênh tiếp cận tới khách hàng, công ty cũng đồng thời mở rộng liên kết với rất nhiều đối tác lớn nhỏ. Với uy tín về thương hiệu, trong vòng 11 năm, số lượng các đối tác hợp tác với FE Credit cũng tăng từ 2.700 lên tới 16.000.
Hiện tại chúng tôi liên tục mở rộng mạng lưới các điểm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ để khách hàng có thể tiếp cận dễ dàng, đội ngũ nhân viên luôn sẵn sàng tư vấn theo nhu cầu của khách hàng.
Bên cạnh đó, FE Credit đã nhanh chóng mở rộng dịch vụ cho vay tiêu dùng của mình thông qua hệ thống hơn 10.000 Bưu cục/Điểm bưu điện Văn hóa xã của Tổng Công Ty Bưu Điện Việt Nam (VNPost) trên cả nước, nhằm giúp người dân ở các khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng chính thức.
Đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tài chính giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn: Bên cạnh việc gia tăng độ hiện diện, FE Credit cũng liên tục đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tài chính giúp tín dụng tiêu dùng trở nên gần gũi hơn với người dân, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Danh mục sản phẩm của công ty có cả nhóm sản phẩm hiện đại như gói vay mua sản phẩm sản phẩm y tế, gói vay học phí, tập thể dục... Bên cạnh việc tiếp cận khách hàng mới, công ty cũng chú trọng duy trì mối quan hệ với các khách hàng hiện hữu, thông qua các sản phẩm bán chéo, lãi suất ưu đãi hơn, thủ tục đơn giản hơn, để giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn vay phù hợp và thiết thực.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, nâng cao chất lượng bảo mật thông tin: Nhằm hỗ trợ khách hàng, gia tăng các kênh tiếp cận vốn vay, giảm thiểu các thủ tục, hồ sơ cũng như thời gian xử lý khoản vay, FE Credit đã triển khai các sản phẩm tài chính tiêu dùng trên nền tảng số. Hiện nay, ứng dụng duyệt vay trực tuyến $NAP của chúng tôi có thể cung ứng dịch vụ cho vay trực tuyến cho hơn 230.000 khoản vay, tương ứng trung bình 350 khoản vay/ngày thông qua ứng dụng.
Công ty cũng phát triển nhiều nền tảng mới mà cốt lõi của các nền tảng này chính là kết nối các dịch vụ ngân hàng, cho vay, thanh toán không tiền mặt và quản lý tài sản cũng như giải pháp bảo hiểm, giải quyết toàn diện các vấn đề tài chính của một khách hàng.
Hiện nay, hơn 2 triệu khách hàng tại Việt Nam đã và đang sử dụng ứng dụng FE Credit Mobile để quản lý khoản vay và tra cứu thông tin thanh toán... Nếu cần tư vấn, khách hàng có thể trao đổi trực tiếp với nhân viên công ty thông qua rất nhiều kênh trò chuyện trực tuyến mà không cần mất thời gian chờ tổng đài.
Đồng thời, công ty cũng từng bước hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính trên các nền tảng số, thông qua các sổ tay, video hướng dẫn, thậm chí, nhân viên chăm sóc khách hàng sẽ gọi điện hướng dẫn khách hàng làm quen với ứng dụng, tạo thói quen cho khách hàng, dần thay thế các giao dịch tiếp xúc, đồng thời, đảm bảo an toàn trong thời gian giãn cách vừa qua.
Chúng tôi cũng liên tục áp dụng các công nghệ tiên tiến vào quy trình thẩm định và giải ngân để đảm bảo tính chính xác và minh bạch thông tin. Đồng thời, nhằm giảm thiểu rủi ro khách hàng bị đánh cắp OTP trong quá trình giải ngân, mới đây công ty đã triển khai thành công quy trình “Giải ngân bằng xác thực khuôn mặt” cho các khách hàng.
Nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên: Công ty liên tục triển khai các khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, thẩm định khách hàng trước cho vay đối với đội ngũ nhân viên kinh doanh. Đội ngũ chăm sóc khách hàng cũng tương tác thường xuyên với khách hàng, sẵn sàng ghi nhận những khó khăn của khách hàng và đảm bảo hỗ trợ khách hàng một cách nhanh nhất. Tất cả các cuộc gọi giữa khách hàng và nhân viên đều được ghi âm nhằm mục đích đảm bảo việc thông tin tới khách hàng được kịp thời, chính xác.
Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng và khó lường như các tháng vừa qua, FE Credit đã đẩy mạnh hạ tầng công nghệ, ứng dụng những phần mềm quản lý nhân sự vào vận hành và quản trị tổ chức, tạo điều kiện cho hầu hết nhân viên có thể công tác và làm việc tại nhà. Các hoạt động đào tạo trực tuyến cũng được tăng cường thực hiện trong mùa dịch này giúp nhân viên nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Với hơn 350 khóa học đã được triển khai trên cả nền tảng web lẫn ứng dụng di động, thu hút hơn 37.000 lượt tham gia từ nhân viên.
Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân: FE Credit luôn tích cực nâng cao hiểu biết của người dân về tín dụng tiêu dùng. Công ty thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông, tổ chức các hội thảo, hoạt động, nhằm lan tỏa giá trị và kiến thức tiêu dùng một cách đúng đắn nhất đến người dân. Đồng thời liên tục cảnh báo khách hàng trên website, kênh thông tin truyền thông, tin nhắn về các thủ đoạn lừa đảo, giả mạo thương hiệu FE Credit trong cho vay tiêu dùng…
Tăng cường, kiểm soát chất lượng tín dụng: Để nâng cao chất lượng tín dụng đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, FE Credit luôn liên tục, tăng cường kiểm soát hoạt động cho vay cũng như phân loại phân khúc khách hàng để phân tán rủi ro, giảm thiểu nguy cơ phát sinh nợ xấu hàng loạt, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và hiệu quả kinh doanh.
Đồng thời, công ty tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng, hạn chế cho vay đối với khách hàng tiềm ẩn rủi ro cao. Tăng cường kiểm tra giám sát khi cho vay và sau cho vay để kịp thời phát hiện các dấu hiệu gây ảnh hưởng đến khả năng trả nợ từ đó đưa ra những định hướng, kiến nghị về việc xử lý nợ hoặc cơ cấu khoản vay phù hợp với tình hình thực tế của khách hàng.
II - Khó khăn, vướng mắc
Thứ nhất, sự ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, khách hàng phải hạn chế đi lại, các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ bị đóng cửa, dẫn đến khó khăn hơn trong việc tiếp cận khách hàng để giới thiệu sản phẩm dịch vụ.
Thứ hai, tội phạm công nghệ ngày càng tăng cao với những hành vi lừa đảo tinh vi khiến khách hàng và các công ty tài chính, ngân hàng cũng trở thành nạn nhân của loại tội phạm này.
Cuối cùng, các quy định về chỉ tiêu an toàn, tỷ lệ nợ xấu, nguồn trả nợ của khách hàng… chưa phù hợp với đặc thù và tính chất hoạt động của công ty tài chính có mức độ rủi ro khách hàng cao hơn so với các loại hình tổ chức tín dụng khác.
III - Một số kiến nghị, đề xuất
Để ngày càng có nhiều người dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng an toàn, hiệu quả, bên cạnh các giải pháp đã triển khai tích cự trong thời gian qua, FE Credit đề xuất các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ các nội dung, cụ thể:
Thứ nhất, đề nghị NHNN phối hợp cùng các Bộ/Ngành hỗ trợ, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản, hành lang pháp lý Tăng cường, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận tiếp cận tín dụng chính thức của người dân thông qua công nghệ.
Thứ hai, các cơ quan đoàn thể, truyền thông đại chúng, tích cực vận động tuyên truyền về các cơ chế, chính sách tín dụng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về tín dụng từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức. Đẩy mạnh giáo dục kiến thức tài chính cho người tiêu dùng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự, hỗ trợ và đồng hành cùng người dân hồi phục đời sống kinh tế.
Thứ ba, Chính phủ và các Bộ/ngành liên quan xem xét tạo điều cho các công ty tài chính được kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để giúp công ty tài chính định vị khách hàng mục tiêu dễ dàng hơn đồng thời giúp việc thẩm định, đánh giá khách hàng được chính xác, tiết kiệm nguồn lực cho các TCTD cũng như cả xã hội.
Thứ tư, đề xuất phân loại tỷ lệ nợ xấu theo định hướng riêng của từng nhóm công ty tài chính với mục tiêu hỗ trợ công tác cung ứng vốn cho người dân sau hậu COVID-19. Đồng thời xem xét để xuất áp dụng cơ chế tăng trưởng linh động, không áp trần tăng trưởng tín dụng (hoặc nới lỏng room tín dụng) của Hiệp hội Ngân hàng. Bên cạnh đó có cơ chế hỗ trợ vốn cho để các công ty tài chính có thể giảm lãi suất hỗ trợ cho người dân.
Thứ năm, đề xuất cần phối hợp rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh đối với hoạt động cho vay qua ứng dụng di động.