Kết quả triển khai hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và các giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen
Tin Hiệp hội Ngân hàng - Ngày đăng : 07:30, 09/12/2021
Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài tham luận "Kết quả triển khai hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và các giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen" của bà Trần Thị Lan Phương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội gửi tới Hội thảo "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn”, do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) và Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội, tổ chức ngày 2/12.
Cùng với nhiều chính sách, giải pháp của Chính phủ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã được Chính phủ giao thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các chương trình tín dụng chính sách xã hội đang được NHCSXH triển khai cho vay đã đạt được những hiệu quả nhất định, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị tại các địa phương, đặc biệt là đảm bảo an sinh xã hội ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, giúp nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cùng chung sức xây dựng, phát triển đất nước.
Trần Thị Lan Phương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội phát biểu tại hội thảo |
I. Đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen
1. Các giải pháp NHCSXH đã triển khai thực hiện
Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, NHCSXH đã triển khai một số giải pháp để thực hiện phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen, cụ thể như sau:
Tham mưu Hội đồng quản trị NHCSXH kịp thời ban hành Quyết định số 12/QĐ-HĐQT về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, cụ thể: Nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ không phải bảo đảm tiền vay; nâng thời hạn cho vay tối đa đến 120 tháng đối với đối tượng đầu tư có thời gian sinh trưởng, phát triển dài ngày của chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trên cơ sở đó, một số chương trình tín dụng được Thủ tướng Chính phủ quy định mức cho vay tối đa không vượt quá mức cho vay tối đa áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ được nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ không phải bảo đảm tiền vay, như: cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg.
Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các Bộ ban ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện chương trình cho vay đối với hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Tham mưu nâng mức cho vay chương trình học sinh sinh viên theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg lên mức 2,5 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên để phù hợp với mức tăng học phí và biến động giá cả thị trường; Nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, thương nhân vùng khó khăn lên 100 triệu đồng/hộ vay, chương trình cho vay giải quyết việc làm lên 100 triệu đồng/lao động và thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư hiệu quả các dự án sản xuất kinh doanh quy mô lớn với đối tượng đầu tư có chu kỳ sinh trưởng (kỳ luân chuyển vốn) dài hạn; Điều chỉnh tăng lãi suất chương trình cho vay giải quyết việc làm bằng lãi suất chương trình cho vay hộ cận nghèo để tạo sự công bằng, giảm áp lực cấp bù ngân sách nhà nước.
Tham mưu, ban hành chính sách cho vay hỗ trợ người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo các Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các Bộ ngành trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại NHCSXH. Sau khi có Quyết định, NHCSXH tham mưu Hội đồng quản trị NHCSXH kịp thời ban hành Quyết định số 62/QĐ-HĐQT về việc ban hành Quy định xử lý nợ bị rủi ro trong NHCSXH nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững.
NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến 100% các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng và Chính phủ. Trong đó, vốn tín dụng chính sách xã hội được tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hồ sơ, thủ tục cho vay vốn của NHCSXH đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với trình độ của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
NHCSXH đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác xây dựng Phương án mở rộng thí điểm tín dụng tiêu dùng.
Đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, thiên tai, dịch bệnh hoặc khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn như xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen.
NHCSXH đang quản lý hơn 170.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đến 100% thôn, ấp, bản, làng, phum, sóc, tổ dân phố,... trên toàn quốc và hơn 10.000 điểm giao dịch về tận cơ sở xã, phường đã tạo điều kiện cho người dân nghèo được tiếp cận thuận lợi, trực tiếp với nguồn vốn vay. Thông qua Tổ TK&VV và các điểm giao dịch xã, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với nguồn vốn, được hướng dẫn cách thức vay và cách sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Nhiều hộ đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm, vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Xây dựng và phát triển các ứng dụng quản lý tín dụng chính sách để nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động tín dụng chính sách xã hội một cách đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương, giữa các cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội với NHCSXH. Ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng để mọi người dân có thể dễ dàng sử dụng, thuận tiện, dễ tiếp cận đặc biệt là những người ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
NHCSXH đang tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, chuyển đổi hệ thống công nghệ để phát triển các kênh giao dịch điện tử Mobile Banking, các dịch vụ, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Từ đó, từng bước hiện đại hóa nghiệp vụ ngân hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như chất lượng phục vụ các đối tượng khách hàng vay vốn, góp phần thực hiện hiệu quả đề án ngân hàng xanh, tín dụng xanh. Ngoài ra, NHCSXH đã phối hợp với Tổ chức Oxfam nghiên cứu xây dựng ứng dụng trên điện thoại di động về giáo dục tài chính toàn diện cho khách hàng để trang bị thêm kiến thức, nâng cao hiểu biết tài chính và phát huy hiệu quả sử dụng vốn, từng bước làm quen với công nghệ số, đặc biệt là nhóm người nghèo và yếu thế ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi để tất cả các đối tượng được biết đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số,...
2. Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội
Từ 03 chương trình tín dụng nhận bàn giao (chương trình hộ nghèo, học sinh sinh viên và giải quyết việc làm), đến nay NHCSXH đang triển khai trên 20 chương trình tín dụng chính sách xã hội theo chỉ định của Chính phủ và một số dự án cho vay. Đến ngày 31/10/2021, tổng dư nợ các chương trình đạt 243.191 tỷ đồng với gần 6,4 triệu khách hàng đang còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn tín dụng chính sách để tạo sinh kế, tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống.
Nhóm các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế, tạo việc làm tại NHCSXH (chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, đối tượng chính sách đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, thương nhân vùng khó khăn, hộ dân tộc thiểu số, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm,…): Dư nợ đạt 176.942 tỷ đồng, chiếm 72,8% tổng dư nợ, với trên 4,4 triệu khách hàng còn dư nợ; tổng doanh số cho vay đạt 539.850 tỷ đồng, với trên 27,1 triệu lượt khách hàng vay vốn.
Nhóm các chương trình tín dụng dành cho tiêu dùng (nhà ở cho hộ nghèo, nhà ở xã hội, học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn): Dư nợ đạt 64.455 tỷ đồng, chiếm 27,2% tổng dư nợ, với trên 3,4 triệu khách hàng còn dư nợ; tổng doanh số cho vay đạt 182.634 tỷ đồng, với trên 13,2 triệu lượt khách hàng vay vốn.
Trong tổng dư nợ của NHCSXH, có trên 94% dư nợ cho vay phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; 96% dư nợ tập trung vào một số chương trình tín dụng chính sách trọng tâm của Chính phủ: Chương trình cho vay hộ nghèo 27.841 tỷ đồng, chiếm 11,4% tổng dư nợ của NHCSXH; Chương trình cho vay hộ cận nghèo 35.766 tỷ đồng, chiếm 14,7% tổng dư nợ; Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo 42.959 tỷ đồng, chiếm 17,7% tổng dư nợ; Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 27.864 tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng dư nợ; Chương trình cho vay giải quyết việc làm 38.152 tỷ đồng, chiếm 15,7% tổng dư nợ; Chương trình cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 9.699 tỷ đồng, chiếm 4% tổng dư nợ; Chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn 43.998 tỷ đồng, chiếm 18,1% tổng dư nợ; Chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở 3.794 tỷ đồng, chiếm 1,6% tổng dư nợ.
Trong 19 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp hơn 6,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 4,9 triệu lao động; gần 134 ngàn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; hơn 3,7 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 15,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; gần 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long, hơn 606 nghìn căn nhà cho hộ nghèo, trên 14 nghìn căn nhà phòng tránh bão, lụt khu vực miền Trung.
Bên cạnh việc làm tốt nhiệm vụ truyền tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến những hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thì NHCSXH luôn coi trọng và tập trung vào việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, làm tốt công tác thu nợ để tiếp tục tạo lập nguồn vốn cho vay mới đồng thời bảo tồn và duy trì nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội phát huy được hiệu quả ngày càng cao hơn. Đến ngày 31/10/2021, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh của NHCSXH là 1.740 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng dư nợ. Trong đó: Nợ quá hạn 664 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng dư nợ; Nợ khoanh 1.076 tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng dư nợ.
3. Đánh giá kết quả đạt được
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giúp cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác dần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội. Cùng với đó, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ để thực tập làm ăn, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn. Đặc biệt, thông qua sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động đến nhận thức, giúp hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số thêm tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.
Thông qua vốn tín dụng chính sách xã hội, người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện để mua sắm tư liệu sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; có kinh phí để trang trải các chi phí đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như chi phí học tập cho con em, xây nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường. Từ đó, góp phần hạn chế tình trạng vay lãi suất cao bên ngoài, bán sản phẩm non như lúa non, mía non...; trực tiếp làm giảm tệ nạn cho vay nặng lãi, nhất là ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên mọi miền đất nước; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được tăng cao; góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng; phát triển nguồn nhân lực, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Với những kết quả trên, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Ủy ban về các Vấn đề xã hội Quốc hội đã đánh giá: “Hoạt động tín dụng chính sách tiếp tục khẳng định hiệu quả thiết thực và là điểm nhấn trong công tác giảm nghèo, nguồn vốn tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được tăng cường từ nhiều nguồn đa dạng”.
II. Một số khó khăn
Qua thực tế triển khai, hoạt động tín dụng chính sách xã hội còn gặp một số khó khăn, hạn chế sau:
Thứ nhất, việc bố trí vốn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của các chương trình tín dụng chính sách xã hội được Chính phủ giao cho NHCSXH thực hiện; nhất là tại một số chương trình tín dụng có nhu cầu vốn lớn như chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn,… dẫn đến còn nhiều đối tượng thuộc diện được vay vốn nhưng chưa được thụ hưởng nguồn vốn tín dụng chính sách.
Thứ hai, đối tượng thụ hưởng tại một số chương trình tín dụng như cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi mới chỉ giới hạn trong phạm vi nhất định, các hộ gia đình có mức sống trung bình chưa được tiếp cận, mặc dù đây là những đối tượng rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lực để trang trải chi phí học tập của con em mình, cũng như để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh thuộc các địa bàn khó khăn.
Thứ ba, Tại một số nơi, công tác phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách xã hội chưa được gắn kết, dẫn đến một bộ phận người nghèo và đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, chưa thoát nghèo bền vững.
III. Một số đề xuất, kiến nghị
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng góp phần cải thiện đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen, NHCSXH đề xuất Chính phủ và các ngành chức năng xem xét một số nội dung sau:
Thứ nhất, tập trung nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội và thống nhất chức năng tín dụng chính sách từ các tổ chức vào một đầu mối NHCSXH; Bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước theo kế hoạch đầu tư trung hạn cho NHCSXH và kịp thời bố trí nguồn vốn để cho vay đối với các chương trình tín dụng chính sách mới được ban hành; Mở rộng hạn mức phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh tạo điều kiện cho NHCSXH huy động nguồn vốn có kỳ hạn dài, ổn định, đáp ứng nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách.
Thứ hai, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Tập trung ưu tiên bố trí vốn cho vay phát triển sản xuất kinh doanh đối với các đối tượng, chính sách cho vay đặc thù của địa phương.
Thứ ba, đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng theo hướng tăng định mức, xây dựng các mô hình cho vay theo chuỗi giá trị, mở rộng đối tượng được vay vốn đến các dự án sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế, việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ tư, chủ động xây dựng chương trình, dự án, gắn kết giữa đầu tư các mô hình kinh tế gắn với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; Đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Thứ năm, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội, đặc biệt tại cấp xã và Tổ TK&VV trong việc thực hiện một số nội dung công việc được NHCSXH ủy thác trong quy trình cho vay; chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền tín dụng chính sách, việc bình xét cho vay, quản lý và hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả.
(*) Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội