Việt Nam có tiềm năng phát triển tài sản số

Công nghệ - Ngày đăng : 12:21, 11/12/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo ông Nguyễn Thành Trung - CEO & Founder Sky Mavis, thị trường tài sản số đặc biệt (NFT) tăng trưởng nhanh trong mấy năm trở lại đây và Việt Nam có vị thế để đuổi kịp các nước về công nghệ.

Sáng nay, 11/12, Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2021 diễn ra do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, thu hút nhiều lãnh đạo, CEO doanh nghiệp công nghệ 'Make In Vietnam".

Với chủ đề "Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế", các diễn giả sẽ tập trung bàn về giải pháp chuyển đổi số đột phá giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi, phát triển bền vững sau đại dịch. Bài toán chuyển đối số được thảo luận trong từng ngành từ du lịch, logistic, nông nghiệp, y tế đến năng lượng cũng như thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số để đẩy mạnh giao thương.

Trình bày về chủ đề tài sản số, ông Nguyễn Thành Trung - CEO & Founder Sky Mavis cho biết, trong bối cảnh thế giới hiện nay, NFT (hình thức tài sản số đặc biệt) đang đang trở thành xu hướng.

Ông Nguyễn Thành Trung - CEO & Founder Sky Mavis và Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng tại phiên thảo luận.

Trong 2 năm qua dưới tác động của COVID-19, có sự chuyển dịch lớn về vốn, các loại ngành nghề, tập trung vào các lĩnh vực ít bị ảnh hưởng như công nghệ. Trong những xu hướng công nghệ mới nổi lên, bên cạnh AI là Blockchain đang tăng trưởng mạnh. Việt Nam nổi lên như một hiện tượng mới của thế giới Blockchain công nghệ. "Người Việt nhanh nhạy trong việc xử lý thông tin, nắm bắt thời điểm, số người sở hữu ví điện tử ở Việt Nam thuộc hàng lớn nhất thế giới", ông Nguyễn Thành Trung nói.

Theo ông Trung, NFT (hình thức tài sản số đặc biệt) giống như định danh sự vật, hiện tượng trong thế giới Blockchain. Thị tường NFT tăng trưởng nhanh trong 2 năm qua. Từ xuất phát điểm ít người biết, NFT hiện nay bắt đầu phổ biến với cả những người ngoài thế giới công nghệ.

Xung quanh câu hỏi nếu NFT là xu hướng, liệu có phù hợp để phát triển ở Việt Nam hay không?. Theo ông Trung, Việt Nam cần chuẩn bị về mặt tư duy, kiến thức để thích nghi với sự thay đổi của thế giới. Người tham gia vào thế giới Blockchain cần chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt. Cơ sở hạ tầng công nghệ quan trọng, ngoài ra cần chuẩn bị về nhân lực, nguồn vốn.

Việt Nam có vị thế để đuổi kịp các nước về công nghệ. Về khung pháp lý, việc chuyển dịch từ tài sản hiện hữu sang tài sản số, điện tử khiến trao đổi dễ dàng hơn nhiều. Tuy nhiên, làm sao có thể quản lý các loại hình kinh tế mới là vấn đề cần được lưu tâm đối với cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp số.

Ông Trung cho rằng, cần có chính sách rõ ràng với lĩnh vực công nghệ mới, hình thành các tổ chức có vai trò hỗ trợ, phát triển; đào tạo kiến thức công nghệ vào các chương trình đào tạo nhân lực, tuyên truyền đúng đắn về tài sản số. Ngoài ra, ông Trung đề xuất cần có cái nhìn mới về game trong bối cảnh Việt Nam có nhiều công ty làm game, đang hoạt động mạnh mẽ. Theo CEO Sky Mavis, game là loại hình có yếu tố sáng tạo cao, có tiềm năng phát triển trong tương lai.

Toàn cảnh phiên thảo luận sáng nay

Liên quan vấn đề liên kết và hình thành hệ sinh thái bền vững, ông Hà Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ G-Group cho rằng hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đang dùng nền tảng số nước ngoài, trong khi theo ông Kiên, các nền tảng trong nước có thể đáp ứng nhu cầu của họ. Do đó, các doanh nghiệp số cần làm thế nào để tập đoàn trong nước hiểu và tin dùng sản phẩm "Make in Vietnam".

Về chủ đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đặt ra vấn đề các nền tảng số của Việt Nam nên giải quyết nội dung đặc thù của Việt Nam. Ông đưa ra ví dụ về căn nhà cổ 100 năm tuổi của mình. Hiện đã xuống cấp và có kế hoạch xây mới nhưng ông muốn lưu giữ hình ảnh để thế hệ sau biết ngôi nhà của cha ông. Thứ trưởng đề xuất các công ty có thể cung cấp bản đồ số như IOT Link có thể cung cấp Map4D cho người dùng cá nhân.

Tiếp lời của Thứ trưởng, ông Vũ Minh Trí, Phó Chủ tịch Công ty IOT Link khẳng định, Map4D có thể đáp ứng nhu cầu này, sẵn sàng cung cấp và có giải pháp sử dụng cho người dùng cá nhân. 4D có 4 lớp, bao gồm: nền, 2D, 3D và lớp kiến trúc thứ 4 diễn tả những gì có bên trong các lớp trước.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng kết luận, mỗi công nghệ cần phù hợp với nhiều đối tượng cả về nền tảng và chi phí.

Chia sẻ thêm về các sản phẩm của Make in Việt Nam, ông Hà Trung Kiên cho biết, trong quá trình tiếp xúc với khách hàng, doanh nghiệp, ông Kiên nhận thấy người Việt e ngại với các sản phẩm Make in Việt Nam. Cá nhân ông Kiên thấy rằng, cần có chính sách, truyền thông hỗ trợ về các sản phẩm của người Việt.

Cho ý kiến bổ sung chủ đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, công nghệ tạo và trao cơ hội cho sự thay đổi, bài toán cho sự thay đổi của loài người. Mối quan hệ công nghệ và thể chế, chúng ta thường nói tắt, chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ vì công nghệ xuất hiện trước rồi.

Thế Dương