Lãi suất ngân hàng sẽ duy trì ở mức thấp

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 10:21, 13/12/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Với Chỉ số lạm phát CPI của Việt Nam đạt 1,84% trong 11 tháng đầu năm 2021 - thấp nhất kể từ năm 2016 tới nay, giới chuyên môn dự báo lãi suất ngân hàng sẽ duy trì ở mức thấp trong các tháng tới.

Lãi suất duy trì mặt bằng thấp

Số liệu thống kê thị trường tiền tệ đầu tháng 12/2021 cho thấy, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục ổn định và duy trì mặt bằng thấp so với cùng kỳ tháng trước. Tính đến ngày 10/12, lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giao dịch quanh mức 0,68%; 1 tuần là 0,79%; 2 tuần là 0,89%; 1 tháng là 1,20%.

Với các mức trên, hiện tại, lãi suất liên ngân hàng vẫn đang ở mặt bằng thấp, thấp hơn mức trung bình của cả năm 2020 và năm 2021.

Về lãi suất huy động, theo tổng hợp của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động (LSHĐ) trung bình đã có diễn biến tăng nhẹ trở lại trong tháng 11/2021 đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Theo đó, trung bình LSHĐ 6 tháng và 12 tháng (theo mẫu thống kê của BVSC) cùng tăng nhẹ 0,01 điểm phần trăm, lần lượt lên mức 4,71%/năm và 5,51%/năm vào cuối tháng 11/2021. Mặc dù vậy, so với cùng kỳ, lãi suất trung bình 6 tháng và 12 tháng tới cuối tháng 11/2021 đang giảm lần lượt 0,33 điểm phần trăm và 0,49 điểm phần trăm.

Tổng hợp của BVSC cho thấy, nhóm Ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng) là nhóm ngân hàng duy nhất có sự điều chỉnh về lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng và 12 trong tháng 11 vừa qua, với lãi suất huy động lần lượt ở mức 5,42%/năm và 6,02%/năm, lần lượt tăng 0,03 và 0,02 điểm phần trăm.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng TMCP quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) và nhóm ngân hàng có gốc quốc doanh không thay đổi lãi suất tiết kiệm đối với cả 2 loại kỳ hạn 6 và 12 tháng trong tháng 11 này. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng của 2 nhóm ngân hàng này lần lượt ở mức 4,41%/năm và 3,78%/năm; trong khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng duy trì ở mức 5,25%/năm và 4,95%/năm.

Chỉ số lạm phát CPI của Việt Nam đạt 1,84% trong 11 tháng đầu năm 2021 - thấp nhất kể từ năm 2016 tới nay, BVSC dự báo lạm phát sẽ chỉ ở khoảng 2% cho năm 2021. Theo các chuyên gia của BVSC, đây là một yếu tố tích cực, cho phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích nền kinh tế hồi phục trong những tháng cuối cùng của năm, đặc biệt khi nhiều tỉnh thành phố mới chỉ bắt đầu nới lỏng lệnh giãn cách từ đầu tháng 10/2021. Trên cơ sở đó, BVSC đánh giá: “lãi suất ngân hàng sẽ duy trì ở mức thấp trong các tháng tới”.

 

Tín dụng sẽ tăng 13%?

Tại hội thảo với chủ đề "Xử lý nợ xấu trong đại dịch COVID - 19 và hoàn thiện chính sách pháp luật" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức mới đây, đại diện NHNN cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu và xem xét khả năng sẽ tiếp tục lùi lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Trước đó, trong năm 2020, lộ trình này đã được NHNN lùi lại một năm, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm xuống còn 37% trong giai đoạn từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022 và sẽ giảm xuống còn 34% từ ngày 1/10/2022 tới ngày 30/9/2023 và xuống 30% từ ngày 1/10/2023.

Trước những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, đại diện NHNN cho biết, nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục lùi thời điểm áp dụng Thông tư trên 1 năm nữa để các TCTD có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng.

Về tăng trưởng tín dụng, với sự phục hồi gần đây, các dự báo trên thị trường đều có dự báo tín dụng năm 2021 sẽ đạt khoảng 13%. Theo cập nhật mới nhất, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 25/11 đạt 10,1% so với cuối năm ngoái (cùng kỳ tăng 8,4%). Như vậy, chỉ trong tháng 11/2021, các ngân hàng thương mại đã cung cấp khoảng 126,6 nghìn tỷ đồng tín dụng ra thị trường – gần gấp đôi so với tháng 10/2021 và gấp 3 lần so với thời điểm giữa năm (tháng 8 và 9/2021).

Tín dụng tăng trưởng tốt là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang đi đúng hướng cho việc phục hồi sau đại dịch, cùng với sự cải thiện của số liệu vĩ mô tháng 11/2021. Bên cạnh đó, góp phần cho dư nợ tín dụng tăng mạnh là gói hỗ trợ lãi suất tại TP. Hồ Chí Minh được đẩy mạnh từ tháng 10/2021 để hỗ trợ nền kinh tế.

Trong tháng 11 vừa qua, hàng loạt ngân hàng thương mại đã được nâng hạn mức tín dụng, qua đó giúp tín dụng tăng trưởng mạnh. NHNN cũng cho biết có thể tiếp tục điều chỉnh linh hoạt các chỉ tiêu để giúp tín dụng tăng trưởng trong tháng cuối năm. Do đó, khi nền kinh tế hoạt động trở lại, nhu cầu tín dụng tăng lên, dư nợ tín dụng trong thời gian tới sẽ tăng mạnh hơn. Dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 13% cho cả năm 2021 là hoàn toàn khả thi.

Lan Nguyễn