Việt Nam có đủ điều kiện thực hiện nền tảng định danh số, hạ tầng số

Công nghệ - Ngày đăng : 10:24, 13/12/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho rằng, Việt Nam có đầy đủ điều kiện để thực hiện nền tảng định danh số quốc gia phục vụ phát triển kinh tế.

Tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số ngày 11/12, ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, định danh danh tính số là nền tảng tối quan trọng trong chuyển đổi số quốc gia, là cơ sở của giao dịch số.

Dẫn nghiên cứu của McKinsey năm 2019, ông Ngô Diên Hy cho hay, trong một xã hội đời thực, mỗi người dân cần có một định danh đó là chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, để thực hiện việc xác thực trong các giao dịch xã hội. Trong một xã hội số cũng như vậy, các thực thể (bao gồm người hoặc máy) trong một xã hội số cũng cần phải được định danh và xác thực để thực hiện các giao dịch số một cách an toàn. Hạ tầng định danh số cũng là một hạ tầng tối quan trọng và yêu cầu bắt buộc trong một xã hội số. Việc phổ cập danh tính số cho công dân có thể tạo ra mức độ tăng trưởng GDP từ 4.1-13% với các quốc gia đang phát triển (thu nhập thấp và trung bình) và từ 2.7-3% đối với các quốc gia đã phát triển (thu nhập cao).

Ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng giám đốc tập đoàn VNPT.

Nếu chưa có nền tảng định danh quốc gia, người dân cũng như cơ quan chức năng phải nhập liệu thủ công thông tin định danh CD vào phần mềm; phát sinh các thủ tục, dịch vụ công liên quan đến điều chỉnh thông tin công dân; chưa được tiếp cận với nguồn dữ liệu đáng tin cậy để đối chiếu, cập nhật...

Chính vì thế, lợi ích khi triển khai nền tảng định danh danh tính số, người dân sẽ hưởng lợi ở rất nhiều lĩnh vực như chính phủ điện tử, y tế, đô thị thông minh, dịch vụ tài chính, thương mại điện tử, du lịch...

Ông Ngô Diên Hy cũng cho rằng nhu cầu định danh danh tính số trên môi trường mạng sẽ bùng nổ, bởi trong năm 2023-2025 dự báo sẽ tăng tỉ lệ số hóa giấy tờ, kết quả đầu ra giải quyết thủ tục hành chính, gắn với từng cá nhân/ tổ chức mỗi năm 20% đến khi đạt 100%; Tối thiểu 80% người dân khi thực hiện thủ tục hành chính không cần nộp lại giấy tờ đã được chấp nhận khi thực hiện thủ tục hành chính trước đó; 100% thủ̉ tục hành chính giải quyết thành công, giấy tờ được số hóa và được định danh, phục vụ tái sử dụng; Tỷ lệ người dân thực hiện DVCTT tối thiểu 50%. Từ đó đặt ra vấn đề mới đó là tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo hướng phi địa giới hành chính, phi thẩm quyền giải quyết.

Ngoài ra, theo ông Ngô Diên Hy, còn bùng nổ nhu cầu ký số để triển khai hợp đồng điện tử. Việc triển khai hợp đồng điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 và Thông tư 78/2021/TT-BTC ngày 17/09/2021 về hóa đơn điện tử, theo tính toán của VNPT thì số lượng hóa đơn điện tử có thể đáp ứng lên đến 6,4 tỷ hóa đơn/năm.

Cùng với việc xây dựng hạ tầng số quốc gia, đại diện Tập đoàn Viettel cho biết hiện đang tự chủ trong nghiên cứu sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông, trong đó đã làm chủ toàn bộ hệ sinh thái công nghệ viễn thông mạng 4G trên cả 3 lớp mạng và đang thử nghiệm trên mạng lưới thiết bị mạng lõi và thiết bị thu phát 8T8R ổ mạng 5G. Đối với nền tảng dịch vụ số, Viettel cũng đang cung cấp các nền tảng trong hệ sinh thái cho Chính phủ điện tử, y tế, giáo dục, giao thông. Hiện Viettel đã được cấp 51 bằng bảo hộ sáng chế tại Việt Nam và 09 bằng bảo hộ sáng chế tại Mỹ.

Đại diện Tập đoàn Viettel cũng kiến nghị Nhà nước cần sớm điều chỉnh quy định về việc sử dụng Quỹ phát triển KH&CN theo hướng trao quyền tự chủ hơn cho doanh nghiệp. Đồng thời Nhà nước xác định các đối tác chiến lược về KH&CN cấp quốc gia để định hướng hợp tác về KH&CN cho các doanh nghiệp.

Minh Minh