Chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng 5G

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 13:54, 14/12/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng ngày 14/12, Diễn đàn “Chuyển đổi số - Thúc đẩy Tăng trưởng và Đổi mới sáng tạo với 5G” do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra với nhiều ý kiến thảo luận về xu hướng chuyển đổi số, vai trò của 5G đối với tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, những cơ chế chính sách nhằm “dọn đường” cho thương mại hóa 5G…

5G là cơ sở hạ tầng vật chất vô cùng quan trọng giúp các quốc gia phát triển thịnh vượng trong tương lai

Trên thế giới, kinh tế số đang tăng trưởng rất nhanh, trở thành chìa khoá cho không ít nền kinh tế vươn ra toàn cầu. Tại Việt Nam, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh nhưng nền kinh tế số năm 2021 dự kiến đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020, tương đương Malaysia và chỉ đứng sau Indonesia, Thái Lan. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định, đến năm 2025 kinh tế số đạt tỷ trọng 20% GDP, đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang sở hữu những điều kiện tốt để xây dựng kinh tế số. Bên cạnh đó, Việt Nam là điểm đến của nhiều công ty công nghệ thông tin và công nghệ thông minh hàng đầu thế giới như Apple, Samsung, Ericsson, ABB, Qualcomm…

Ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng chuyển đổi số càng trở nên cấp bách khi dịch COVID-19 đã tác động, thay đổi cuộc sống, thói quen của con người; gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các tổ chức, cá nhân và cả cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải thay đổi và thích ứng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc cùng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và triển khai các giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam.

Trong đó, 3 chương trình hành động chính đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra từ rất sớm, bao gồm: (1) tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cho nền kinh tế đổi mới sáng tạo, kinh tế số; (2) xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam nhằm hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và (3) hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn Thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Việt Nam đặt luôn hướng tới  phát triển viễn thông cùng nhịp với các quốc gia trên thế giới trong việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến nhất là hạ tầng băng rộng trong đó có mạng di động 5G. Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2021/NĐ-CP về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai đấu giá và cấp phép các băng tần cho di động 4G và 5G; tháo gỡ "nút thắt" về cơ sở pháp lý của việc triển khai đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Theo ước tính của Ericsson Việt Nam, Myanmar, Lào, Campuchia về thị trường di động, tới năm 2027, 5G sẽ trở thành công nghệ truy cập di động chủ đạo. Dự báo, đến cuối năm 2027 sẽ có 4,4 tỷ thuê bao 5G, chiếm 49% tổng số thuê bao di động tại thời điểm đó. Ước tính, mạng 5G sẽ bao phủ 75% thế giới dân số vào năm 2027 và chuyển mang 62% tổng lưu lượng dữ liệu di động. Ở Đông Nam Á và Châu Đại Dương, vào năm 2021, thuê bao 5G dự kiến sẽ chiếm 45% tổng số thuê bao di động.

Trong bối cảnh Việt Nam đang có hoài bão số hóa xã hội, 5G sẽ đóng vai trò nền tảng thông qua tăng cường kết nối băng rộng, cải thiện vùng phủ sóng nông thôn. Mạng 5G sẽ hỗ trợ các ứng dụng quan trọng nhờ có độ trễ thấp và khả năng hỗ trợ kết nối giữa máy móc và máy móc, đồng thời nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng cuối và hỗ trợ sự tăng trưởng nhanh chóng của lưu lượng dữ liệu.

“Trước đây, cảng, cảng biển, sân bay, đường hầm, đường xá và cầu cống đều là cơ sở hạ tầng vật chất vô cùng quan trọng giúp các quốc gia phát triển thịnh vượng, nhưng trong tương lai, 5G cũng sẽ có tầm quan trọng không thua kém” - Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar nhấn mạnh.

Ông Christophe POISSON, đại diện cho các thành viên Tiểu ban Kỹ thuật số EuroCham cho biết không giống như các thế hệ mạng di động trước đây, 5G được thiết kế để giải quyết vấn đề hao tốn năng lượng tiêu thụ. Người ta ước tính rằng 5G sẽ sử dụng một nửa năng lượng của 4G đời đầu để mang 1 Giga dữ liệu và ít hơn 10 lần năng lượng vào năm 2025. Khả năng kết nối nhiều đối tượng cùng lúc sẽ cho phép phát triển các hệ thống thông minh sẽ góp phần các mục tiêu môi trường mà xã hội hiện đại đang đặt ra, cụ thể là tiêu thụ năng lượng và nước tốt hơn và kiểm soát lượng khí thải CO2. Do đó, 5G và sự đóng góp của công nghệ kỹ thuật số trong những năm tới sẽ hỗ trợ con người đáng kể trong việc giảm thiểu lượng khí thải carbon.

Theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc áp dụng công nghệ thông tin, mà thực chất đó là việc thay đổi hoàn toàn tư duy, nhận thức và cách thức mà một doanh nghiệp, hay một bộ máy vận hành. Do vậy, nhiều cơ quan quản lý cũng cần thay đổi nhận thức này để có những cơ chế, chính sách phù hợp hơn, thay vì tập trung vào việc dùng công nghệ, ứng dụng gì thì nên hướng đến việc thay đổi quy trình như thế nào để áp dụng công nghệ được hiệu quả trong dài hạn.

Đối với doanh nghiệp, cũng cần có tầm nhìn dài hạn trong việc thực hiện chuyển đổi số. Dự án Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp USAID cũng đang triển khai tư vấn, định hướng cho 100 doanh nghiệp cách thức chuyển đổi số một cách hiệu quả, không chỉ dừng ở việc số hóa thông tin mà quan trọng hơn là xây dựng lại các quy trình vận hành để quản lý doanh nghiệp dựa trên việc khai thác, phân tích cơ sở dữ liệu.

Bùi Trang