Xây dựng hệ sinh thái tài chính sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

Tin tức - Ngày đăng : 18:00, 17/12/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 17/12, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Đại sứ quán Anh tổ chức Hội thảo Lộ trình xây dựng Hệ sinh thái Tài chính Sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Việt Nam. Tại Hội thảo, các nhà quản lý, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến các vấn đề cho vay, cấp vốn, định giá, chuyển nhượng lại quyền SHTT…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ đánh giá việc xây dựng khung thể chế chính sách cho hệ sinh thái tài chính SHTT, tài sản trí tuệ để phục vụ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam là vấn đề rất quan trọng hiện nay. Những nhóm đối tượng hiện đang có cơ hội nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển tài sản trí tuệ, tạo những nguồn vốn để khai thác giá trị tài chính và tài sản liên quan đến SHTT. Kinh nghiệm của một số nước rất quan trọng cho Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoạch định các chính sách và đặc biệt là lộ trình để đưa ra những quy định cụ thể có tính khả thi. “Chúng tôi đánh giá rất cao các báo cáo tổng quan đến từ các chuyên gia quốc tế, các chuyên gia Việt Nam cũng đã có những nghiên cứu rất kỹ và đưa ra được nhiều vấn đề, cách thức và có định hướng cụ thể. Tại Hội thảo này, có sự tham dự của đại diện các cơ quan xây dựng chính sách, các doanh nghiệp, đại diện thể chế tài chính của Việt Nam, các tổ chức tín dụng… sẽ cùng lắng nghe và lựa chọn kinh nghiệm quốc tế để nghiên cứu áp dụng tại Việt Nam”, ông Quất nói.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Vũ Hồng Yến - luật sư điều hành và Giám đốc Công ty Luật Rousse Việt Nam cho biết, nghiên cứu tại Úc cho thấy đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có hoạt động SHTT, ví dụ việc sử dụng sáng chế, nhãn hiệu và kiểu dáng có thể dự đoán được những khác biệt trong tiềm năng phát triển. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng các dữ liệu về SHTT có thể được sử dụng để quyết định việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm năng mở rộng kinh doanh cũng như đảm bảo rằng tiềm năng của các doanh nghiệp này được nhìn nhận. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đăng ký bảo hộ quyền SHTT có khả năng tăng trưởng cao hơn 12% về doanh thu hoặc 14% trong phát triển nhân sự sau 4 năm so với các doanh nghiệp khác không đăng ký. Các kết quả cũng cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ đăng ký cho cả 3 loại tài sản trí tuệ (sáng chế, nhãn hiệu và kiểu dáng) có nhiều khả năng tăng trưởng cao nhất. Các kế hoạch kinh doanh dựa trên quyền SHTT cần đầu tư để phát triển và việc tìm ra phương án tốt nhất để có được lợi nhuận từ quyền SHTT cần nhiều thời gian. Nhưng các kế hoạch có thể phát triển nhanh chóng và đem lại nhiều lợi nhuận, bởi lẽ quyền SHTT có khả năng gia tăng quy mô lớn.

 

Theo bà Yến, tại Việt Nam, có khoảng 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa xem khả năng tiếp cận nguồn tài chính là một khó khăn. Đầu tư theo hình thức góp vốn là lựa chọn khả thi để các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng phát triển trong khu vực, tuy nhiên chỉ có dưới 100 thương vụ mỗi năm, và nhiều doanh nghiệp nhận vốn góp từ nước ngoài. Có tới 38% các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị giới hạn về mặt tín dụng, phần lớn vì không đủ tài sản thế chấp, ngân hàng thường yêu cầu tài sản thế chấp lớn hơn giá trị khoản vay. Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (hoạt động từ tháng 4/2016) nhằm đổi mới, tăng trưởng bền vững các doanh nghiệp nhưng chỉ những dự án dựa trên tài sản mới đủ điều kiện; bên cho vay yêu cầu tài sản thế chấp lên đến 100% giá trị khoản vay, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc đáp ứng điều kiện nếu không có bảo lãnh bổ sung; tỷ lệ được chấp thuận thấp. Tài sản thế chấp giúp đảm bảo những rủi ro hiện tại và tương lai liên quan đến khả năng phát triển và trả nợ của doanh nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên các công ty “giàu” tài sản trí tuệ và phát triển nhanh hiếm khi sở hữu hoặc sử dụng các loại tài sản cố định hữu hình mà các ngân hàng biết cách định giá.

Theo ông Martin Brasell, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Tập đoàn Inngot Limited cho rằng, các biện pháp đảm bảo tín dụng là một giải pháp nhưng chỉ giải quyết được phần ngọn thay vì tận gốc vấn đề. Bên cho vay phải thay đổi, và tận dụng các tài sản tạo nên giá trị của doanh nghiệp – tài sản trí tuệ và tài sản vô hình. Tuy nhiên vì những tài sản này còn khá xa lạ với bên cho vay, và chưa được luật pháp công nhận, nên họ cần sự giúp đỡ để thay đổi. Khi tài sản trí tuệ được khuyến khích, tài chính sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ hơn cân nhắc các tài sản trí tuệ và việc bảo vệ tài sản trí tuệ một cách nghiêm túc hơn, và đầu tư nhiều hơn vào tài sản trí tuệ, tạo lợi thế cạnh tranh của quốc gia. "Vốn cổ phần có sẵn trên thị trường cho doanh nghiệp để có thể đem lại tiềm năng lợi nhuận bù đắp rủi ro gia tăng, tuy nhiên số lượng này rất ít. Các khoản tài trợ cũng luôn phổ biến và rất phù hợp để kích thích các công ty khởi nghiệp, nhưng cần nỗ lực đáng kể và khó chọn được mục tiêu một cách hiệu quả. Vì thế, vay ít tốn kém hơn vốn chủ sở hữu và có thể tự duy trì. Doanh nghiệp có thể bắt đầu vay với các quỹ chuyên dụng, có tiềm năng được cung cấp (hoặc hợp tác) bởi các tổ chức cho vay thương mại, để nâng cao phạm vi tiếp cận và quy mô. Cần phải thực hiện các bước ngay từ đầu để đánh giá các đặc điểm trên nhằm xây dựng sự hỗ trợ lâu dài cho việc tiếp cận tài chính dựa trên tài sản trí tuệ", ông Brasell nhấn mạnh.

Để thay thế tài sản thế chấp, các khoản vay yêu cầu phải có  "lưới đỡ an toàn". Ông Brasell gợi ý, các khoản vay dựa trên tài sản trí tuệ đủ điều kiện được nhà nước hậu thuẫn bảo lãnh thì có thể do Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Ngoài ra, "lưới đỡ an toàn" có thể là một khoản phí bảo hiểm từ người vay, hay dư nợ chỉ tối đa 70-80% số dư chưa thanh toán, một phạm vi cần thiết để khuyến khích người cho vay nhưng tránh "rủi ro đạo đức" của việc phụ thuộc quá nhiều bảo lãnh. Để có đủ điều kiện tham gia chương trình, các bài kiểm tra/điều kiện đề xuất cần được các doanh nghiệp hoàn thành bao gồm: công ty đã tồn tại và kinh doanh hơn 1 năm; đáp ứng các ngưỡng tối thiểu (ví dụ: doanh thu tối thiểu/lịch sử giao dịch...); có kế hoạch rõ ràng và cơ hội phát triển; có thể giải quyết được các rào cản đối với tăng trưởng nhờ vốn; có sở hữu danh mục đầu tư sở hữu trí tuệ.

Tại hội thảo, thông tin về quy trình kỹ thuật số bốn bước sẽ được Anh áp dụng vào năm 2022 cũng được chia sẻ. Theo đó, 4 bước bao gồm: 1/Sơ tuyển: sàng lọc để xác định xem một công ty có đủ điều kiện nhận bảo hiểm bảo vệ tài sản thế chấp hay không; 2/Kiểm tra tính phù hợp của tài sản bảo đảm: 18 môđun đánh giá mức độ phân tách, khả năng bán được và độ bền của các tài sản đã xác định, sau đó chuyển điểm cho giai đoạn định giá; 3/Định giá tài sản trí tuệ: thực hiện phương pháp tiếp cận tam giác, trong đó sử dụng cả 3 phương pháp định giá đã được công nhận (chi phí, thị trường và thu nhập); xác định giá trị có thể bảo hiểm và "mức dư thừa" cần thiết; 4/Thiết lập và giám sát: 4 yếu tố được theo dõi trong suốt vòng đời khoản vay để phát hiện bất kỳ sự suy giảm nào (tình trạng tài sản bảo đảm, cách xử lý tài sản, bảo trì tài sản và rủi ro doanh nghiệp).

T.Dũng