Cơ hội và Giải pháp đào tạo Kế toán công ở các trường Đại học tại Việt Nam

Kết nối - Ngày đăng : 17:54, 20/12/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA) và Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) vừa đồng tổ chức Hội thảo trực tuyến "Cơ hội và Giải pháp đào tạo Kế toán công ở các trường Đại học tại Việt Nam".

Các đại biểu tham dự hội thảo theo hình thức trực tuyến

Hội thảo thu hút sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia trong ngành, những người làm việc trong lĩnh vực kế toán công và khoảng 150 giảng viên. Nội dung hội thảo xoay quanh chủ đề cơ hội và giải pháp đào tạo kế toán công ở Đại học với những định hướng từ cơ quan quản lý Nhà nước, công cụ từ các tổ chức quốc tế Ngân hàng Thế giới (WB), Liên đoàn kế toán châu Á - Thái Bình Dương (CAPA), ACCA và kinh nghiệm từ các trường Đại học có chuyên ngành đào tạo kế toán công.

Tại hội thảo, TS. Vũ Đức Chính – Cục trưởng, Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính, chia sẻ, những bước tiến đáng kể của Việt Nam trong việc ban hành các quy định kế toán công hướng đến chuẩn quốc tế, ví như: Bộ Tài chính đã công bố lộ trình áp dụng Chuẩn mực Kế toán công quốc tế đến năm 2023 (IPSAS) vào tháng 6/2019; ban hành 5 chuẩn mực kế toán công đợt 1 vào tháng 9/2021… Việc công bố và thông qua Chuẩn mực Kế toán công mang lại lợi ích cho hội nhập kinh tế quốc tế cũng như củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Dưới góc nhìn của ngành giáo dục, TS. Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng, các trường Đại học cần thiết đánh giá lại, đề ra các chiến lược mới phù hợp với sự phát triển về khuôn khổ pháp lý kế toán công và công tác xây dựng chuẩn đào tạo khối ngành tại Việt Nam hiện nay. “Những vấn đề quan tâm như thực trạng nhu cầu đào tạo, khẳng định tầm quan trọng của đào tạo, chương trình đào tạo khu vực công riêng hay tích hợp, cũng như vấn đề ứng dụng thông tin rất quan trọng với chất lượng nguồn nhân sự tài chính – kế toán khu vực công tương lai”, TS. Phạm Như Nghệ nhấn mạnh.

Dựa trên tinh thần đó, đại diện Học viện Tài Chính (AOF) và Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã trình bày thực trạng đào tạo kế toán công tại Việt Nam, cũng như các vấn đề liên quan. Cụ thể, đại diện Học viện Tài Chính chia sẻ kinh nghiệm trong việc đào tạo kế toán công, bao gồm những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thử thách; đồng thời đưa ra một số kiến nghị nhằm cải thiện chất lượng đào tạo.

Trong khi đó, tham luận của Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tập trung vào chương trình kế toán hiện hành tại UEH và các trường đại học khác; trao đổi các vấn đề liên quan đến kế hoạch áp dụng hoặc tích hợp kiến thức công nghệ thông tin vào chương trình đào tạo kế toán trong tương lai gần, đặc biệt là lĩnh vực công.

Dựa trên những vấn đề chính nêu trên, các diễn giả từ WB - CAPA – ACCA đã cung cấp các giải pháp đào tạo kế toán công cho Việt Nam. Bên cạnh việc chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và triển khai IPSAS tại Việt Nam, WB đã giới thiệu PULSAR - bộ công cụ hỗ trợ các quốc gia trong việc tích hợp kế toán công vào chương trình giáo dục.

Tại hội thảo, ACCA cũng chia sẻ kinh nghiệm đào tạo kế toán công và giới thiệu Chứng chỉ IPSAS giúp học viên đáp ứng được các thách thức khi thực hiện các Chuẩn mực Kế toán công Quốc tế.

Được biết, hội thảo thuộc Diễn đàn thường xuyên do VACPA và ACCA đồng tổ chức nhằm hỗ trợ các trường đại học cải thiện chất lượng chương trình đào tạo kế toán, mang lại phương pháp thực tiễn cho việc đào tạo kế toán công tại các trường đại học ở Việt Nam.

T.H