Ngân hàng và rủi ro đạo đức nghề nghiệp nhân viên
Pháp luật - Nghiệp vụ - Ngày đăng : 11:37, 22/12/2021
Chẳng hạn như vụ việc vi phạm quy định hoạt động tại một chi nhánh ngân hàng đã bị Tòa án đưa ra xét xử. Bị cáo là nguyên Giám đốc chi nhánh một ngân hàng, bị xét xử về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Theo cáo buộc, bị cáo được bổ nhiệm Giám đốc chi nhánh ngân hàng từ ngày 11/6/2013 - 20/7/2015. Trong thời gian quản lý, điều hành, bị cáo đã nhận hồ sơ đề nghị vay vốn của khách hàng, chỉ đạo nhân viên lập 68 hồ sơ đề nghị vay vốn của khách hàng là cá nhân vay vốn dưới hình thức vay tiêu dùng, thế chấp bằng quyền sử dụng đất. Ngân hàng đã giải ngân cho 68 khách hàng hơn 30 tỷ đồng.
Sau khi nhận đủ số tiền giải ngân, toàn bộ 68 khách hàng này đều chỉ thực hiện thanh toán tiền gốc và tiền lãi cho ngân hàng trong thời gian ngắn, sau đó không trả nợ gốc và lãi theo kỳ hạn quy định, gây thiệt hại cho ngân hàng.
Phát hiện nhiều khoản vay chuyển thành nợ quá hạn ở chi nhánh này, cơ quan thanh tra nội bộ của ngân hàng đã kiểm tra 27/68 hồ sơ cấp tín dụng, phát hiện có một số vi phạm.
Cụ thể, định giá tài sản có dấu hiệu được nâng khống cao gấp nhiều lần giá trị của tài sản bảo đảm trên thực tế. Phần lớn các khách hàng ký hợp đồng vay vốn và được nhận tiền giải ngân của ngân hàng chỉ là người đứng tên để vay hộ. Thậm chí, các tài sản thế chấp do khách hàng vay vốn đứng tên, nhưng trên thực tế không phải là tài sản của họ. Khách hàng vay vốn không biết tài sản bảo đảm ở đâu, giá trị bao nhiêu. Các thông tin cá nhân về khách hàng như chứng minh nghề nghiệp, thu nhập của khách hàng vay vốn không có trên thực tế.
Sau khi phát hiện các hồ sơ vay vốn nói trên có dấu hiệu vi phạm về quy định về hoạt động cho vay, ngân hàng đã gửi đơn tố giác đến Cơ quan điều tra. Quá trình điều tra, dù bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội và khẳng định đã trực tiếp cùng cán bộ quản lý khách hàng xuống khảo sát thực tế, thu thập thông tin thị trường khu vực có tài sản bảo đảm, thông tin từ sàn giao dịch bất động sản theo đúng quy trình và phương pháp thẩm định giá của ngân hàng. Tuy nhiên, bị cáo không cung cấp được thông tin, tài liệu chứng minh đã thực hiện đúng quy trình định giá.
Cáo buộc cho rằng căn cứ vào lời khai của các nhân viên ngân hàng, khách hàng đứng tên vay vốn, chứng thư thẩm định giá và kết quả định giá tài sản đảm bảo, có đủ căn cứ xác định bị cáo đã nâng khống giá trị tài sản đảm bảo lên nhiều lần, để có thể giải ngân ở mức cao nhất.
Theo kết quả định giá của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự, tổng giá trị 59 tài sản đảm bảo trong 59 hợp đồng tín dụng tại thời điểm cho vay là hơn 7 tỷ đồng. Bị cáo đã nâng khống giá trị lên thành hơn 43 tỷ đồng để cho vay hơn 25 tỷ. Các khách hàng sau khi được giải ngân chỉ trả được lãi, gốc trong thời gian rất ngắn sau đó không thực hiện việc trả nợ theo hợp đồng, giá trị tài sản đảm bảo không đủ phần vốn vay, gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 13 tỷ đồng.