Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Những thành tích của ngành nông nghiệp có dấu ấn rất lớn của ngân hàng

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 21:00, 29/12/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đại diện các Bộ, ngành phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức chiều ngày 29/12/2021, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: Những thành tích của ngành nông nghiệp có dấu ấn rất lớn của ngân hàng, đặc biệt kể từ đầu năm 2020 đến nay.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, trong một năm đầy khó khăn thách thức của đại dịch COVID-19, thành tích của ngành Ngân hàng đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nguồn lực về tài chính luôn là giải pháp quan trọng nhất đối với ngành nông nghiệp và đối với bà con nông dân.

Trong giai đoạn vừa qua thực hiện chủ trương của Chính phủ, nông nghiệp là 1 trong 5 lĩnh vực được ngân hàng chọn cho vay ưu tiên. Theo báo cáo của NHNN, tín dụng cho vay nông nghiệp nông thôn… giai đoạn 5 năm vừa qua, tăng trưởng đạt 18,2%, cao hơn mức tăng 15,2% tín dụng chung của nền kinh tế. Tính đến cuối năm 2020, đã đạt trên 2,27 triệu tỷ đồng, tăng 11,5% so với cuối năm 20219, cao gấp 2,7 lần so với đầu năm 2016. Tín dụng đối với nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có tỷ lệ tăng dần trong các năm.

"Nguồn lực trên đã góp phần quan trọng vào kết quả phát triển nông nghiệp nông thôn trong 5 năm vừa qua, đặc biệt trong năm 2021. Những thành tích của ngành nông nghiệp có dấu ấn rất lớn của NHNN", Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định và cho biết: "đặc biệt, kể từ năm 2020 đến nay, với sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, các tổ chức tín dụng đã thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và bà con nông dân gặp khó khăn theo chính sách của NHNN".

Một số TCTD đã xây dựng chính sách hỗ trợ riêng, có hiệu quả cao, như chương trình cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, khuyến khích phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, nhiều chương trình cho vay được ưu tiên lãi suất như vay phục vụ hoạt động kinh doanh, mua sắm máy móc phục vụ nông nghiệp theo cá nhân, hộ gia đình theo tổ vay vốn…

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, dòng vốn tín dụng đã khơi dậy tiềm năng phát triển của một đất nước có lợi thế phát triển về nông nghiệp, nông thôn, NHNN đã và đang thúc đẩy các TCTD quay về khu vực này trong những năm gần đây.

Từ năm 2021 đến nay, NHNN tiếp tục có nhiều biện pháp để khơi thông nguồn vốn tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho các khu vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu và chuyển dịch mô hình tăng trưởng. Trước khó khăn của người dân, doanh nghiệp, NHNN đã có chính sách cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm, lãi phí và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng. Nhiều TCTD cũng đã có chương trình hỗ trợ riêng, được doanh nghiệp, người dân đánh giá cao.

"Chúng ta cho con cá thì phải cho cần câu, cho cách câu, kiến thức sử dụng đồng vốn cho người dân, tránh “tiền mất tật mang”. Người nông dân cần được trang bị kiến thức về thị trường, kinh doanh để giữ được đồng vốn vay", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Đồng thời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng khẳng định sẽ hợp tác với NHNN, để hỗ trợ hợp tác xã, người nông dân sử dụng đồng vốn hiệu quả, từ kiến thức, phương án kinh doanh, xây dựng bảng cân đối tài chính minh bạch chính sách. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm tới.

"Trong thời gian tới, chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tiếp tục đến năm 2030, tầm nhìn 2050, với sự hỗ trợ của NHNN, chúng tôi sẽ xem đó là giải pháp quan trọng để hướng tới nông nghiệp sinh thái, thông minh, nông dân hiện đại, nông nghiệp xanh. Mong sự hỗ trợ kịp thời từ NHNN để hoàn thành nhiệm vụ được giao", Bô trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Phương Chi