Sắp diễn ra ''kỳ họp bất thường'' đầu tiên trong lịch sử Quốc hội

Tin tức - Ngày đăng : 11:04, 31/12/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sau khi xem xét Báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV theo hình thức trực tuyến cả kỳ và dự kiến khai mạc vào ngày 4/1/2022.

Hình ảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Trước bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại ở nhiều tỉnh, thành phố ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân cũng như việc khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường đầu tiên trong lịch sử của Quốc hội, nhằm giải quyết kịp thời với những vấn đề cấp bách trong thực tiễn, đáp ứng mong mỏi của cử tri và Nhân dân.

Khoản 2 Điều 83 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam quy định: “Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường. Ủy ban thường vụ Quốc hội triệu tập kỳ họp Quốc hội”.

Cụ thể hóa quy định này, chương V của Luật Tổ chức Quốc hội quy định rõ về kỳ họp Quốc hội, trong đó có nội dung về việc Quốc hội họp bất thường. Như vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đầy đủ cơ sở pháp lý, đủ thẩm quyền trong việc tổ chức kỳ họp bất thường.

Quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể được coi là quyết định lịch sử khi chưa từng có kỳ họp bất thường nào trong suốt 75 năm lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam. Đưa ra quyết định này cho thấy bản lĩnh, quyết tâm chính trị rất lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hơn hết là đặt người dân ở vị trí trung tâm của mọi quyết sách của Quốc hội. Bởi đại dịch COVID-19 chưa từng có tiền lệ, khó dự báo, tạo thách thức chưa từng có đối với hệ thống y tế của các nước, tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt kinh tế - xã hội, an ninh trật tự an toàn xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người dân vô cùng lớn.

Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách. Ngay sau khi Nghị quyết số 30/2021/QH15 được ban hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực vào cuộc để xử lý các yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch theo yêu cầu tại Nghị quyết này. 9 ngày sau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp bất thường, ban hành Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu cần củng cố nhận thức về bối cảnh “bình thường mới”, cân bằng mục tiêu chống dịch và phục hồi kinh tế, đảm bảo nguồn lực phòng chống dịch một cách bền vững; cụ thể hóa trên thực tế bước chuyển về chiến lược sang mô hình thích ứng, sống chung an toàn với dịch bệnh COVID-19, tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, thích ứng an toàn, linh hoạt, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội với các giải pháp, cơ chế đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, hiệu quả, chú trọng việc tạo động lực tăng trưởng mới phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thế giới hiện nay. Sử dụng linh hoạt, phối hợp chặt chẽ các công cụ tiền tệ, tài khóa để giữ vững kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng gói chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Đồng hành với Chính phủ trong quá trình này, thời gian qua, lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã thường xuyên có các buổi làm việc, xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện đề nghị của các cơ quan hữu quan và việc bảo đảm chất lượng các nội dung để đi đến quyết định tổ chức kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách, cần thiết, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. Điều này tiếp tục thể hiện rõ tinh thần “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm” của Quốc hội.

Sau khi xem xét Báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV theo hình thức trực tuyến cả kỳ và dự kiến khai mạc vào ngày 4/1/2022.

Tại kỳ họp này, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định, gồm: (1) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật (gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự); (2) Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; (3) Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; (4) Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

T.H