10 dấu ấn nổi bật của ngành Ngân hàng năm 2021
Sự kiện - Ngày đăng : 18:21, 01/01/2022
|
||
|
Năm 2021 đã chính thức khép lại với nhiều sự kiện đặc biệt và những dấu ấn khó phai. Nhằm tổng kết và có được góc nhìn khái quát về những kết quả hoạt động nổi bật của ngành Ngân hàng trong năm qua, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ đã tham vấn các chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu ngành; các nhà quản lý, lãnh đạo, điều hành ngân hàng, các tổ chức tài chính trong nước, quốc tế và những độc giả am hiểu chuyên sâu về lĩnh vực tài chính - ngân hàng để lựa chọn 10 dấu ấn nổi bật của ngành. Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trân trọng giới thiệu cùng độc giả!
|
Tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất |
Năm 2021 là năm rất đặc biệt với ngành Ngân hàng. Để ghi nhận những dấu ấn trong hành trình 70 năm qua, ngày 5/5/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951 - 6/5/2021) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Tại Lễ kỷ niệm, ngành Ngân hàng đã vinh dự được đón tiếp đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.
|
Ban chỉ đạo và Tổ công tác Chuyển đổi số ngành Ngân hàng được thành lập để triển khai các nhiệm vụ nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số... |
Năm 2021 ghi nhận những chuyển biến quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng bằng Quyết định số 810 ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN về Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tiếp đến, ngày 22/11/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh sách thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và lãnh đạo Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về chuyển dổi số, theo đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng là thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Ngày 10/12/2021, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 1977/QĐ-NHNN thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác Chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Ban có nhiệm vụ xây dựng, triển khai các chủ trương, nghị quyết, chiến lược, kế hoạch, cơ chế chính sách của chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số và tạo điều kiện cho việc ứng dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chỉ đạo thống nhất trong toàn ngành về hoạt động chuyển đổi số.
|
Đây cũng là năm thứ 6 liên tiếp NHNN duy trì vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng của các bộ, ngành |
Năm 2021 tiếp tục ghi nhận NHNN là đơn vị dẫn đầu các Bộ, ngành về cải cách hành chính. Đây cũng là năm thứ 6 liên tiếp NHNN duy trì vị trí dẫn đầu.
Để đạt được những kết quả nổi bật trong suốt 10 năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) của ngành Ngân hàng luôn thể hiện sự quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, trước hết từ nhận thức đến hành động, từ Thống đốc đến toàn thể cán bộ công chức và người lao động ngành Ngân hàng, thông qua việc chỉ đạo triển khai đồng bộ các lĩnh vực cải cách hành chính. Cả 6 lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể CCHC nhà nước đều đạt được những kết quả tích cực. Việc tổ chức triển khai 6 lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể CCHC nhà nước, các đơn vị tại NHNN Trung ương đã có nhiều cải tiến, đổi mới về xây dựng, theo dõi và đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, chương trình công tác.
|
Mặt bằng lãi suất cho vay năm 2021 tiếp tục giảm thêm 0,81%/năm |
Trước bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, năm 2021, NHNN chủ động điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi kinh tế. Mặt bằng lãi suất cho vay năm 2021 tiếp tục giảm thêm 0,81%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm).
Tổng dư nợ nền kinh tế đạt khoảng 10,38 triệu tỷ đồng, tăng 12,97% so với cuối năm 2020 (tổng vốn huy động của nền kinh tế đạt khoảng 11,23 triệu tỷ đồng, tăng 8,44%); 4/5 lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng chung của nền kinh tế, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. tỷ giá ngoại tệ và thị trường tiếp tục diễn biến ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; Kịp thời ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Đến hết năm, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ đã cơ cấu lũy kế từ khi có dịch đạt hơn 607 nghìn tỷ đồng; hiện có hơn 775 nghìn khách hàng đang được tiếp cận chính sách, với dư nợ gần 300 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 2 triệu khách hàng với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng.
|
Hưởng ứng lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, 16 NHTM đã cam kết giảm lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính là 20.613 tỷ đồng |
Hưởng ứng lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về việc giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, 16 NHTM gồm: VietinBank, Vietcombank, Agribank, BIDV, MB, LienVietPostbank, TPBank, VIB, ACB, SeABank, SHB, HDBank, MSB, VPBank, Techcombank, Sacombank (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã cam kết giảm lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính là 20.613 tỷ đồng.
Riêng 4 NHTM Nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả đến ngày 30/11/2021, các TCTD đã miễn giảm lãi vay cho khách hàng trên 18.000 tỷ đồng, đạt trên 90% số tiền các TCTD cam kết chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Bên cạnh việc giảm lãi suất theo cam kết với Hiệp hội Ngân hàng, trong năm qua, các ngân hàng cũng triển khai nhiều chương trình ưu đãi miễn giảm lãi suất, phí với số tiền gần 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ, đồng hành với khách hàng vượt qua khó khăn.
|
Thống đốc NHNN cùng Bộ trưởng Bộ Y tế chứng kiến buổi Lễ tiếp nhận hỗ trợ mua vắc-xin phòng COVID-19 của ngành Ngân hàng |
Ngoài việc chủ động tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID- 19 thông qua việc miễn giảm lãi, phí, tính từ đầu năm đến nay, ngành ngân hàng đã dành hơn 5.000 tỷ đồng hỗ trợ triển khai các hoạt động an sinh xã hội trên toàn quốc. Riêng công tác phòng, chống COVID-19, đã ủng hộ hơn 3.500 tỷ đồng với nhiều chương trình ý nghĩa hưởng ứng lời kêu gọi của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước như: ủng hộ Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 của Chính phủ hơn 700 tỷ đồng; ủng hộ các tỉnh, thành phố là “tâm dịch”, các bệnh viện tuyến đầu trong điều trị, chữa trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 các thiết bị y tế chuyên dụng như xe cứu thương, khẩu trang y tế, máy thở oxy, bộ xét nghiệm nhanh COVID-19; máy truyền dịch, máy theo dõi bệnh nhân cùng giường hồi sức và các thiết bị, vật tư y tế cấp thiết; ủng hộ 250 tỷ đồng cho chương trình “Sóng và máy tính cho em”… Ngoài ra, các ngân hàng cũng dành nhiều nguồn lực, đồng hành triển khai nhiều dự án xanh, dự án bảo vệ môi trường; đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
|
Việc NHNN cho phép thực hiện eKYC là một bước tiến vô cùng quan trọng trong giao dịch tại các ngân hàng |
Hoạt động thanh toán và công nghệ ngân hàng tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được NHNN hoàn thiện nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện giao dịch thanh toán đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Đáng chú ý, sau gần 1 năm triển khai thử nghiệm, ngày 5/3/2021, các ngân hàng Việt Nam đã chính thức được triển khai định danh trực tuyến khách hàng (eKYC). Việc NHNN cho phép thực hiện eKYC là một bước tiến vô cùng quan trọng trong giao dịch tại các ngân hàng. Nhờ có eKYC, các NHTM tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và nguồn nhân lực thực hiện các tác vụ này; giảm sai sót trong quá trình nhập dữ liệu và phát hiện giấy tờ giả…
|
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (bên trái) nhận Bằng khen của Bộ Tư pháp cho Tập thể Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về thành tích trong hoàn thiện thể chế về đảm bảo thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm. |
Hoạt động của Hiệp hội Ngân hàng trong năm 2021 ghi nhận những kết quả tích cực, nổi bật. Với vai trò cầu nối liên kết, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên, Hiệp hội đã bám sát, lắng nghe, tập hợp ý kiến, hỗ trợ và phản ánh kịp thời các ý kiến của hội viên với Chính phủ, NHNN và các cơ quan quản lý nhà nước; hỗ trợ các tổ chức hội viên tham gia xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý; đề nghị Bộ Tài chính không áp dụng thuế GTGT đối với nghiệp vụ L/C, đề nghị các nhà mạng giảm cước phí viễn thông (SMS) đối với các dịch vụ ngân hàng; đề nghị tổ chức thẻ quốc tế giảm phí giao dịch Thẻ; kịp thời giải quyết vướng mắc trong thực hiện các vụ án, tranh chấp khởi kiện ra tòa thi hành án; Chi hội Thẻ - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã phối hợp ban hành Quy định chuyển đổi trách nhiệm rủi ro đối với giao dịch giả mạo… Năm qua, mặc dù có nhiều thời gian phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, Hiệp hội vẫn tổ chức được nhiều tọa đàm, hội thảo (cả trực tiếp và trực tuyến) về những nội dung được ngành và xã hội rất quan tâm như: cơ cấu giãn nợ, giảm lãi suất, giảm phí; đảm bảo thực hiện nghĩa vụ; đăng ký biện pháp bảo đảm; giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng; luật hóa quy định xử lý nợ xấu; xếp hạng tín dụng của TCTD; mua bán trái phiếu; Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn... qua đó, từng bước tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động của các tổ chức hội viên.
Với sự chủ động, tích cực trong công tác tham gia xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, năm 2021, Bộ Tư pháp đã trao bằng khen cho Tập thể Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về thành tích trong hoàn thiện thể chế về đảm bảo thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm.
|
Việc Mỹ khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ là dấu ấn quan trọng trong công tác ngoại giao và điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là chính sách tỷ giá |
Năm 2021 ghi nhận dấu ấn quan trọng trong công tác ngoại giao và điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là chính sách tỷ giá, khi Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức khẳng định: Việt Nam không thao túng tiền tệ (trong Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 4 năm 2021 đã kết luận Việt Nam không thao túng tiền tệ và điều đó tiếp tục được tái khẳng định trong Báo cáo ngày 3/12/2021).
Việc Mỹ khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ được giới chuyên môn đánh giá là yếu tố tích cực giúp NHNN tiếp tục có dư địa linh hoạt hơn trong hoạt động điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá, nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hài hòa và hợp lý, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
|
Sàn giao dịch nợ VAMC đi vào hoạt động chính thức để kịp thời thực hiện sứ mệnh hỗ trợ việc mua, bán, cơ cấu nợ cho các TCTD và khách hàng |
Ngày 15/10/2021, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đã tổ chức lễ công bố đưa Sàn giao dịch nợ VAMC đi vào hoạt động chính thức. Sàn giao dịch nợ đi vào hoạt động chính thức để kịp thời thực hiện sứ mệnh hỗ trợ việc mua, bán, cơ cấu nợ cho các TCTD và khách hàng; trở thành trung tâm môi giới, tư vấn cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu mua, bán các khoản nợ và tài sản bảo đảm của các khoản nợ, thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp tại Việt Nam.