Tăng trưởng kinh tế 6,3% trong năm 2022 là hoàn toàn khả thi
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 18:01, 02/01/2022
Ông Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc. Ảnh: VGP/Thùy Dung |
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Jonathan Pincus nhận định, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng gần 3% vào năm 2020. Đây là một trong những mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới trong năm đầu tiên khi xảy ra đại dịch. Với mức tăng trưởng của năm 2020, tất cả các tổ chức đều lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021.
GDP của Việt Nam tăng 5,64% trong 6 tháng đầu năm 2021 với 93.200 doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại. Tuy nhiên, có đến 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động chờ giải thể và hoàn thiện thủ tục giải thể. Nhập siêu ước tính lên đến 1,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021.
Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đến 14h ngày 1/1/2022 đã tiêm 152,2 triệu mũi cho người dân. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 99,5%, tỉ lệ tiêm đủ 02 liều vaccine là 90,4% dân số từ 18 tuổi trở lên, và một số địa phương đã tiêm mũi 3.
Nền kinh tế đối mặt với rất nhiều khó khăn trong quý III do phong tỏa và giãn cách xã hội vì COVID-19. Điều này dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tạm thời ngừng hoạt động. GDP quý III ước tính giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.
Khu vực bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến mức giảm 0,3 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Do đó, GDP của Việt Nam chỉ ước tính đạt khoảng 2-2,5% trong năm 2021.
Theo Cố vấn kinh tế cao cấp của UNDP, tháng 9 vừa qua Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một động thái quan trọng, đó là đề ra các biện pháp và bước đi thích hợp để thích ứng an toàn và linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Ông Jonathan Pincus hy vọng với động thái này, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tốt trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt 6,3% là hoàn toàn khả thi, khi mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu ở mức 11% trong năm tới. Điều này cũng sẽ tạo ra động lực xuất khẩu cho Việt Nam.
Thúc đẩy tiêu dùng trong nước-yếu tố chính cho tăng trưởng GDP
Trong những năm gần đây, tăng trưởng tiêu dùng chiếm khoảng 60-70% tăng trưởng GDP. Các doanh nghiệp trong nước phụ thuộc vào người tiêu dùng trong nước. Khi người tiêu dùng trong nước không chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ, các doanh nghiệp sẽ mất thu nhập và người lao động bị mất việc làm.
Từ tháng 8/2021, UNDP đã khuyến nghị Việt Nam theo đuổi chính sách tài khóa tích cực hơn để hỗ trợ tiêu dùng trong nước. Khi nền kinh tế tăng trưởng chậm sẽ tất yếu dẫn đến việc thâm hụt ngân sách khu vực công.
Ông Jonathan Pincus đề xuất, Chính phủ nên thực hiện cho vay với lãi suất thấp không hẳn để quay vòng sinh lời mà nhằm kích cầu trong thời kỳ suy thoái.
Cố vấn kinh tế cao cấp của UNDP gợi ý, Chính phủ nên thực hiện chương trình hỗ trợ tiền mặt phổ cập tương ứng với 1,25% của GDP (hay 5% GDP hàng quý) để hỗ trợ tiêu dùng trong nước. Điều này sẽ giúp các gia đình đang gặp khó khăn trong cuộc sống mưu sinh khi họ thất nghiệp hoặc việc kinh doanh hộ gia đình không có thu nhập.
Đồng thời cũng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đang thua lỗ vì không có đủ khách hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt vào dịp cận Tết, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ phụ thuộc vào doanh số bán hàng thời điểm này và nếu doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả đồng nghĩa với việc họ không thể tồn tại.
Phía UNDP cũng đề xuất chương trình phúc lợi cho trẻ em dưới sáu tuổi và chương trình phúc lợi cho công dân từ 60 tuổi trở lên. Các gia đình có trẻ em và người cao tuổi là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời kỳ suy thoái. Mức chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ của gia đình có người lớn tuổi hoặc trẻ nhỏ chiếm 70% thu nhập của họ.
Việc chi tiêu liên tiếp sẽ tạo ra hiệu ứng số nhân là 3,3. Nói cách khác, cứ chi tiêu 1 đồng VNĐ sẽ tạo ra thêm 3,3 đồng VNĐ kích cầu. Vì vậy, các khoản thuế mà Chính phủ nhận được sẽ tăng lên khi tổng cầu nội địa tăng lên.
Một khuyến nghị khác là Chính phủ nên hỗ trợ các ngành công nghiệp xuất khẩu bằng cách tổ chức việc đi lại an toàn cho người lao động từ tỉnh của họ đến các khu công nghiệp cũng như cung cấp chỗ ở an toàn cho người lao động, ông Jonathan Pincus cho biết.
Đề cập tới việc phục hồi du lịch trong thời gian tới,Cố vấn kinh tế cao cấp của UNDP nhấn mạnh, Việt Nam đã rất thận trọng trong việc mở cửa ngành du lịch. Điều này rất có ý nghĩa khi Việt Nam có mức độ lây nhiễm trong cộng đồng tương đối thấp vào năm 2020.
Năm ngoái, Việt Nam đã trải qua gần ba tháng không ghi nhận trường hợp lây truyền từ cộng đồng. Việt Nam đã đạt được mục đích chính là bảo vệ sức khỏe của người dân không bị nhiễm bệnh từ các ca nhiễm nhập cảnh và đặc biệt là các biến thể mới của virus.
Ngoài ra, Việt Nam nên cho phép các hãng hàng không hoạt động bình thường cũng như học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác bằng cách cho phép đi du lịch trong các điều kiện được kiểm soát cẩn thận. Du khách phải chứng nhận tiêm phòng đầy đủ hoặc đã tiêm đủ ba mũi tiêm kèm với xét nghiệm PCR âm tính ít nhất 2 ngày trước khi đi du lịch. Những người làm việc trong ngành du lịch sẽ cần phải tiêm phòng đầy đủ và thực hiện các xét nghiệm định kỳ, những khoản này sẽ được chủ lao động chi trả.
Cố vấn kinh tế cao cấp khẳng định, với các biện pháp mà Chính phủ Việt Nam đang triển khai hiện nay, năm 2022 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hoàn toàn có thể đạt 6,3% và 6,8% vào năm 2023, nếu tình hình dịch bệnh vẫn kiểm soát được.