NAPAS cần tập trung triển khai tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm năm 2022
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 17:42, 06/01/2022
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Dự hội nghị có đại diện các vụ/cục chức năng của Ngân hàng Nhà nước; Văn phòng Chính phủ; Bộ Công An; Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và lãnh đạo chủ chốt của NAPAS.
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng Quyên - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành NAPAS đã báo cáo tổng kết hoạt động năm 2021. Theo đó, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh và giãn cách xã hội, song song với công tác phòng, chống dịch, NAPAS vẫn bảo đảm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và mục tiêu đề ra, góp phần tích cực trong việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2021.
Về đảm bảo hoạt động liên tục của hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử: Trong năm 2021, NAPAS luôn bảo đảm cam kết về chất lượng dịch vụ (SLA) đạt 99,99% và năng lực xử lý của hệ thống đáp ứng nhu cầu tăng trưởng đột biến về số lượng giao dịch trong ngày cao điểm hệ thống NAPAS đã xử lý hơn 11 triệu giao dịch/ngày.
Tổng số lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS trong năm 2021 tăng trưởng 94% về số lượng giao dịch và 131% về giá trị giao dịch so với năm 2020. Đặc biệt, giao dịch rút tiền mặt ATM xử lý qua hệ thống NAPAS trong năm 2021 lần đầu tiên giảm -5% so với 2020, qua đó thể hiện những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong kỷ nguyên số.
Năm 2021 cũng là năm NAPAS phối hợp với các ngân hàng thành viên đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới như: Cổng thanh toán trực tuyến NAPAS đã tích hợp với cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối với 64 bộ, ngành, địa phương để cung cấp dịch vụ công cấp độ 4 cho doanh nghiệp, người dân; các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa, thẻ trả trước nội địa hay các sản phẩm thẻ có tính đặc biệt như thẻ dual card (tích hợp thẻ tín dụng và thẻ thẻ ghi nợ 2 chip trên 1 thẻ vật lý) được NAPAS và các ngân hàng thành viên phát hành trong năm 2021 đáp ứng được nhu cầu phát triển và đa dạng của thị trường; Thẻ đa ứng dụng trên nền tảng công nghệ thẻ không tiếp xúc ứng dụng trong thanh toán giao thông (mua vế trên xe Bus điện của Vinbus). Sản phẩm chuyển tiền nhanh liên ngân hàng bằng mã VietQR được 14 ngân hàng đầu tiên triển khai vào ngày 15/6/2021 đến hết năm 2021 đã có 34 ngân hàng chiếm 90% lượng giao dịch qua NAPAS đã tích hợp thanh toán, chuyển khoản mã VietQR trên ứng dụng ngân hàng số, Mobile Banking của các ngân hàng. Giải pháp thanh toán bằng mã VietQR mang lại trải nghiệm thuận tiện, đơn giản và an toàn cho người dân cũng như góp phần hạn chế tiếp xúc trực tiếp phòng tránh sự lây nhiễm của dịch bệnh.
Để sớm đưa Việt Nam thoát khỏi “vùng trũng” của tội phạm thẻ và triển khai các Quy định của Ngân hàng Nhà nước về chuyển đổi, thay thế thẻ từ sang thẻ chip, NAPAS triển khai chương trình hỗ trợ tổ chức thành viên chuyển đổi thẻ chip tiêu chuẩn thẻ chip nội địa với ngân sách là 132 tỷ đồng cho 38 tổ chức thành viên với 5,3 triệu thẻ và 9,3 nghìn POS.
Nhằm góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trong năm 2021 NAPAS đã thực hiện 4 đợt miễn, giảm phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ, tiếp tục triển khai việc miễn 100% phí dịch vụ thanh toán qua Cổng dịch vụ công quốc gia và các giao dịch chuyển tiền đến ủng hộ Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 của Chính phủ. Tổng số phí NAPAS đã giảm trong năm 2021 lên đến hơn 1.200 tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đã ghi nhận, biểu dương kết quả và những nỗ lực của NAPAS đạt được trong năm 2021 và giao nhiệm vụ cho NAPAS cần tập trung nguồn lực triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của toàn ngành.
Thứ nhất, vận hành hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử: duy trì, vận hành hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử liên tục, ổn định, xuyên suốt trong mọi điều kiện, đây là nhiệm vụ chính trị cao cả nhất của NAPAS; xây dựng và triển khai hệ thống, phương án dự phòng trước sự tăng trưởng mạnh mẽ về giao dịch thanh toán điện tử hiện nay.
Thứ hai, triển khai tích hợp, kết nối với Cổng dịch vụ Công quốc gia phát huy tốt hơn nữa việc cung cấp dịch vụ thanh toán dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Chính phủ xác định năm 2022 là năm tập trung chuyển đổi số, chính phủ số, công dân. Do đó, NAPAS cần tập trung hoàn thành mọi nhiệm vụ liên quan đến cung cấp hạ tầng thanh toán dịch vụ công trong thời gian tới.
Thứ ba, về công tác chuyển đổi thẻ chip: NAPAS tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng thành viên chuyển đổi thẻ chip, để Việt Nam không trở thành vùng trũng tội phạm của các giao dịch thanh toán thẻ.
Thứ tư, về triển khai hệ thống thanh toán bù trừ tự động các giao dịch bán lẻ ACH: chủ động mở rộng kết nối các ngân hàng vào Hệ thống ACH và phát triển các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng ACH nhằm thiết lập hạ tầng thanh toán bán lẻ hiện đại, kết nối đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Thứ năm, về triển khai kết nối chuyển mạch thẻ quốc tế: tiếp tục mở rộng kết nối chuyển mạch thẻ quốc tế, tuân thủ quy định tại Thông tư 19 của NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng.
Thứ sáu, công tác nhân sự: kiện toàn nhân sự cao cấp, chú trọng tăng cường hiệu quả, tốc độ xử lý công việc của đội ngũ cán bộ chủ chốt của công ty để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Ngoài ra, Phó Thống đốc cũng đề nghị NAPAS tiếp tục chủ động tăng cường hoạt động truyền thông, tích cực phối hợp các đơn vị xây dựng, triển khai các chương trình truyền thông về các phương thức thanh toán mới, góp phần phổ cập kiến thức và thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân trong thời gian tới.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, ông Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch HĐQT NAPAS thay mặt Ban lãnh đạo và toàn thể CBCNV NAPAS cam kết tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, hoàn thành thắng lợi kế hoạch hoạt động năm 2022; NAPAS sẽ chủ động hợp tác với các ngân hàng, trung gian thanh toán và đối tác xây dựng mạng lưới thanh toán bán lẻ thuận tiện, an toàn góp phần xây dựng Việt Nam hiện đại, văn minh, hướng tới một xã hội không tiền mặt.