Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Năm 2022 sẽ giải ngân khoảng 42% gói phục hồi kinh tế

Tin tức - Ngày đăng : 08:40, 09/01/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc đề xuất quy mô tổng thể và phương thức, lộ trình huy động, giải ngân các nguồn vốn cho từng năm đã được Chính phủ tính toán trên quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Trong đó, năm 2022 sẽ thực hiện và giải ngân khoảng 42% tổng số vốn của chương trình, phần còn lại sẽ thực hiện và giải ngân trong năm 2023.

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Báo cáo, làm rõ thêm một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm đối với Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là vấn đề lớn và khó, có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với kinh tế mà còn đối với cả các vấn đề về xã hội và hệ thống y tế ở nước ta, không chỉ là tác động trong ngắn hạn mà cả trong trung và đặc biệt là chúng ta chưa có tiền lệ về việc này bao giờ.

Nhìn chung, hầu hết các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết, quan điểm, mục tiêu và các nội dung của chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ thực hiện chương trình, các chính sách này cần sớm được ban hành, đi vào thực tiễn một cách hiệu quả để hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh và góp phần sớm đưa đất nước ta nhanh chóng quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng và phát triển, thực hiện thắng lợi mục tiêu của các kế hoạch 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm đã đề ra nhiều.

Nhiều ý rất xác đáng của các đại biểu Quốc hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình và coi đây là một nguồn lực bổ sung quan trọng bên cạnh các nguồn lực 5 năm và hàng năm đã được Quốc hội quyết định, giúp nền kinh tế sớm tận dụng cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức để phục hồi, phát triển.

Về quy mô tổng thể chính sách, tài khóa, tiền tệ và phương thức huy động. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ đã nghiên cứu và đánh giá tình hình phát triển các ngành, lĩnh vực nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân người lao động và nhu cầu hỗ trợ. Khả năng huy động nguồn lực và hấp thụ của nền kinh tế để xây dựng chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô phù hợp. Trên cơ sở đó, đề xuất các quy mô, phạm vi, đối tượng và lộ trình thực hiện của từng chính sách, như chính sách miễn, giảm thuế ngay trong năm 2022, năm đầu thực hiện chương trình có thể thực hiện được ngay 100%. Hỗ trợ đầu tư công, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, hạ tầng giao thông chiến lược cần phải có thời gian để hoàn tất các công tác chuẩn bị, nên cần phải có sự điều hòa linh hoạt giữa kế hoạch đầu tư trung hạn và chính sách tài khóa để hỗ trợ đầu tư công trong chương trình, nhằm giải ngân hiệu quả nguồn lực bổ sung quan trọng này.

Để đảm bảo nguồn vốn để triển khai, Bộ trưởng cho biết, trước hết Chính phủ thực hiện nghiêm túc và đầy đủ việc triển khai tiết kiệm các khoản chi từ ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng thu và thông qua đẩy mạnh lộ trình cải cách thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước... Sau đó mới đến huy động các nguồn vốn vay từ trái phiếu Chính phủ trong nước, rồi mới đến vay ODA và từ vay tài trợ nước ngoài.

"Như vậy, việc đề xuất quy mô tổng thể và phương thức, lộ trình huy động, giải ngân các nguồn vốn cho từng năm đã được Chính phủ tính toán trên quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Trong đó, năm 2022 sẽ thực hiện và giải ngân khoảng 42% tổng số vốn của chương trình, phần còn lại sẽ thực hiện và giải ngân trong năm 2023", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Về phân bổ và quản lý, sử dụng thực hiện nguồn vốn từ các chính sách tài khóa và tiền tệ một cách hiệu quả. Bộ trưởng cho biết, trước hết đó là phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là đối với chính sách tài khóa, ngoài ra phải đáp ứng được các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ của chương trình. Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu của chính sách, Chính phủ đã nghiên cứu và đề xuất hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa phục vụ nhu cầu tăng trưởng, phát triển bền vững lâu dài, thúc đẩy cả cung và cầu của nền kinh tế, chính sách tập trung vào các ngành, lĩnh vực cần thiết trước mắt để đảm bảo nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với nâng cao năng lực về hiện đại hóa các trung tâm chuyên sâu CDC cấp vùng, bệnh viện tuyến trung ương, hỗ trợ nâng cao năng lực giải quyết việc làm, đào tạo lao động, phục hồi ngành du lịch... Tiếp đó là phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông chiến lược, kết nối các cửa khẩu phía Đông Bắc, các khu công nghiệp, khu kinh tế...

Ngoài ra, việc phân bổ nguồn vốn cũng bảo đảm hài hòa giữa các vùng miền, tạo động lực mới cho phát triển, đảm bảo công bằng nhưng không cào bằng, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư, ưu tiên ngành, lĩnh vực có tính lan tỏa.

Nhìn chung, Bộ trưởng cho biết, chính sách đã được chuẩn bị nghiêm túc, bảo đảm thiết thực, có hiệu quả đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, như nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu, đây là một chương trình quy mô tương đối lớn, thời gian thực hiện của chương trình tương đối ngắn và khả năng hấp thụ để đảm bảo đạt được hiệu quả cũng như mục tiêu đề ra của chương trình đó là một thách thức rất lớn đối với nền kinh tế nước ta hiện nay.

Do vậy, vấn đề quan trọng nhất đó là bảo đảm cho sự thành công của chính sách chính là khâu tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành sau khi các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình được Quốc hội thông qua, đấy là khâu tổ chức thực hiện như các đại biểu đã nêu. "Chính phủ mong muốn và đề nghị các đại biểu Quốc hội sẽ phát huy vai trò chủ động, tích cực tham gia giám sát quá trình thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ ngay sau khi được Quốc hội thông qua tại địa phương mình sinh sống, ứng cử và làm việc", Bộ trưởng đề nghị.

Về các cơ chế, chính sách đặc thù, ngoài chính sách tài khóa và tiền tệ. Bộ trưởng cho biết, Chính phủ trình Quốc hội 3 cơ chế đặc thù. Đây là những quy định mới chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật nên Chính phủ trình Quốc hội cho phép thí điểm thực hiện đối với các dự án thuộc chương trình và việc thực hiện các quy định này sẽ rút ngắn được thời gian đối với công tác đấu thầu của các dự án đầu tư công, đấu giá quyền khai thác khoáng sản và cấp phép. Đây là những chính sách đặc thù, rất có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay, vừa góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án sử dụng hiệu quả nguồn lực bổ sung từ chương trình, đẩy nhanh tiến độ giải ngân và quan trọng hơn là góp phần nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đối với kiểm soát rủi ro và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm. Bộ trưởng cho biết, do quy mô của chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi là khá lớn, bên cạnh đánh giá tác động của chính sách thì Chính phủ đã nhận diện và chuẩn bị các giải pháp để kiểm soát rủi ro có thể xảy ra, nhất là về áp lực lạm phát gia tăng trong năm 2022 và 2023 do cộng hưởng từ các biện pháp hỗ trợ của ta và tác động của các yếu tố bên ngoài.

Trong quá trình thực hiện thì Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ, thường xuyên diễn biến tình hình giá cả trong nước và thế giới để kịp thời có phản ứng, chính sách phù hợp để kiểm soát lạm phát, để nâng cao tính công khai, minh bạch và chống tiêu cực, tham nhũng, xin cho, lợi ích nhóm, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh tra, nhất là trước, trong quá trình xây dựng công trình.

Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán nhà nước và yêu cầu các cơ quan liên quan tham gia vào cuộc ngay từ đầu việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là các cơ chế chỉ định thầu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm năng suất, hiệu quả, hiệu lực trong quản lý.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát và đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các quy định, thực hiện quyết liệt, khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực phát triển, tập trung nâng cao hơn nữa năng lực quản trị quốc gia, hiệu quả công tác xây dựng, thi hành pháp luật, giải quyết các vướng mắc trong thủ tục hành chính, đẩy nhanh thủ tục phê duyệt, điều chỉnh các chính sách mới, giải quyết các bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển, nhất là khu vực tư nhân, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã được Quốc hội đề ra và thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Lan Nguyễn