Cần tăng cường kiểm tra, giám sát để tránh trục lợi chính sách từ các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 16:04, 11/01/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đóng góp ý kiến về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tại Phiên họp bất thường lần thứ Nhất, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất những giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát để tránh trục lợi chính sách từ các gói hỗ trợ.

Đại dịch COVID-19 đã tác động và ảnh  hưởng lớn đền nền kinh tế - xã hội và cuộc sống của Nhân dân. Vì vậy, việc Chính phủ đưa ra các gói hỗ trợ là rất kịp thời và giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống, duy trì sản xuất kinh doanh.

Thảo luận về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tại Phiên họp bất thường lần thứ Nhất, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan trong việc chuẩn bị dự thảo Nghị quyết, quyết tâm không để các vấn đề cấp bách đối với sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước bị chậm trễ.

Theo các đại biểu Quốc hội, việc sớm ban hành và triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội một cách kịp thời, tạo sự đột phá, có sức lan tỏa lớn, triển khai nhanh, đúng đối tượng, phù hợp với tình huống đặc biệt sẽ giúp sớm phục hồi nền kinh tế và tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển cho cả giai đoạn 2021-2025; không để Việt Nam rơi vào suy thoái kinh tế và suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ cần làm rõ một số nội dung trong Tờ trình đối với dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện để bảo đảm phát huy hiệu quả, tính lan tỏa của chính sách.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh)

Phân tích tác động của chính sách tài khóa, tiền tệ nếu được triển khai, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho biết, việc triển khai những chính sách này có gây bất ổn kinh tế vĩ mô là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế trăn trở. Trong khi đó, từ năm 2015 đến nay, nước ta đã thực hiện rất tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và việc kiểm soát lạm phát dưới mức 4% đã tạo nền tảng ổn định, tăng niềm tin của người dân vào giá trị đồng tiền Việt Nam, giữ tỷ giá ổn định. Khi triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta cần giữ cho được niềm tin này, giữ để kinh tế vĩ mô luôn ổn định.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ chắc chắn sẽ làm tăng bội chi ngân sách, vì ngay dự kiến chi ngân sách Nhà nước trong năm 2022 đã cần điều chỉnh tăng thêm. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, nếu gói hỗ trợ phát huy hiệu quả sẽ giúp tăng thu ngân sách và góp phần làm tăng GDP, nên nếu tính số tương đối bội chi/GDP thì sẽ không có biến động lớn. Nói cách khác, triển khai gói hỗ trợ này sẽ làm tăng bội chi, nhưng tác động của bội chi trên GDP sẽ không có thay đổi lớn nếu các chính sách được triển khai hiệu quả, đến đúng đối tượng.

Còn theo đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh), dịch bệnh COVID-19 đã tác động và ảnh  hưởng lớn đền nền kinh tế-xã hội và cuộc sống của Nhân dân. Vì vậy, việc Chính phủ đưa ra các gói hỗ trợ là rất kịp thời và giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống, duy trì sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đối tượng ưu tiên được nhận tiền hỗ trợ cần được rõ ràng để sao cho việc hỗ trợ thực sự đúng mục đích, hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, gói hỗ trợ là để giúp người dân, các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp lại lạm dụng gói hỗ trợ của Nhà nước, không tập trung vào việc khôi phục sản xuất, kinh doanh mà lấy số tiền đó để đầu tư vào thị trường chứng khoán, bất động sản.

“Việc làm này là không đúng mục đích nên đề nghị Chính phủ khi đưa ra các gói hỗ trợ trong kỳ họp bất thường cần làm rõ hơn đối tượng, mục đích sử dụng các gói hỗ trợ cũng như cần tính toán kỹ các gói hỗ trợ để tránh bội chi ngân sách”, ông Nguyễn Minh Đức đề nghị.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị, các Bộ, ngành cũng cần có dự báo nợ xấu xảy ra đối với các lĩnh vực có nguy cơ cao. Bên cạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh cũng cần làm rõ hơn để tiền giải ngân đến đúng đối tượng ưu tiên, được thụ hưởng.

Để bảo đảm hiệu quả chính sách, đại biểu Vũ Tiến Lộc (TP. Hà Nội) đề xuất, trong quá trình thực thi cần bảo đảm công khai, minh bạch, cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm đạo đức công vụ, đạo đức xã hội, để ngăn chặn xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách. Điều này đòi hỏi Chính phủ cần bổ sung cơ chế báo cáo, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình, trong đó sự tham gia của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Bên cạnh đó, chú trọng công tác thông tin, truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội, bảo đảm sự ổn định của thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô.

T.H