Tập đoàn Cao su: Đại hội bất thường thay thế Tổng Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng quản trị

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 09:44, 13/01/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (mã chứng khoán GVR) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường ngày 12/1/2021 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến để thông qua sửa đổi Điều lệ, Quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát và bầu Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2021-2026.

 

Tới dự Đại hội có ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Kết quả, Đại hội đã bầu ra Hội đồng quản trị mới gồm 8 người và Hội đồng quản trị mới bầu ông Trần Công Kha làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Lê Thanh Hưng, Phó Tổng Giám đốc được bổ nhiệm Tổng Giám đốc. Đại hội cũng bầu Ban Kiểm soát gồm 3 thành viên, Trưởng Ban Kiểm soát là ông Đỗ Khắc Thăng.

Là Tập đoàn kinh tế nông nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam, GVR gặt hái nhiều thành công sau cổ phần hóa, trở thành đầu tàu kinh tế của quốc gia, làm nòng cốt thúc đẩy ngành cao su Việt Nam phát triển. GVR thể hiện rõ vai trò của một đầu tàu phát triển bền vững và là một minh chứng cho sự thành công của cổ phần hóa DNNN.

Sau khi IPO, GVR liên tục tăng trưởng: Doanh thu năm 2018 là 14.090 tỷ đồng, năm 2019 tăng lên 19.824 tỷ đồng, năm 2020 đạt 21.140 tỷ đồng (gấp rưỡi năm 2018). Lợi nhuận sau thuế năm 2018 là 2.544 tỷ đồng, năm 2019 đạt 3.833 tỷ đồng, năm 2020 đạt 5.076 tỷ đồng (vượt 26% kế hoạch và gấp đôi so với 2018). Đã 3 năm liền GVR hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận mà ĐHCĐ đề ra. Năm 2021, GVR đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 26.914 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 4.564 tỷ đồng.

9 tháng năm 2021, GVR có doanh thu hợp nhất 16.712 tỷ đồng (tăng 37,7% so với 9 tháng đầu năm 2020), lợi nhuận sau thuế 3.816 tỷ, tăng 87,7% so với cùng kỳ năm ngoái. GVR cho biết nguyên nhân chủ yếu lợi nhuận tăng mạnh là do giá bán các sản phẩm mủ cao su tăng, ổn định; doanh thu cho thuê hạ tầng khu công nghiệp tăng; giá bán một số mặt hàng gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su tăng.

Với vốn điều lệ 40.000 tỷ đồng và mức vốn hóa xấp xỉ 144.000 tỷ đồng, GVR nằm trong số những doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn nhất VN30 và sàn HOSE. GVR hoạt động ở 5 lĩnh vực chính: (1) Trồng, khai thác chế biến mủ cao su; (2) Chế biến gỗ; (3) Sản phẩm công nghiệp cao su; (4) Đầu tư kinh doanh khu CN; (5) Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Biến động giá của GVR có ảnh hưởng khá lớn đến VN-Index. Với vị thế là doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực trồng và chế biến cao su, đồng thời có vị thế lớn trong lĩnh vực chế biến gỗ cũng như đầu tư khu công nghiệp, GVR ngày càng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước.

Bùi Trang