IMF công bố dữ liệu cập nhật về tình hình dự trữ ngoại hối quốc tế
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 19:35, 13/01/2022
Dữ liệu này được tổng hợp từ 149 báo cáo của các quốc gia thành viên IMF và một số quốc gia khác, các tổ chức nắm giữ dự trữ ngoại hối quốc tế. Dữ liệu được thu thập theo ba nhóm: Toàn thế giới, các nước phát triển, các nước đang phát triển và mới nổi. Tại mỗi nhóm quốc gia, dự trữ phân bổ bao gồm những đồng tiền dự trữ truyền thống (USD, EUR, GBP, JPY, SWF) và một số đồng tiền khác.
|
Tính đến cuối quý III/2021, tổng dự trữ ngoại hối quốc tế đạt trên 12.827 tỷ USD, chỉ tăng khoảng 13 tỷ USD so với quý trước đó. Tương tự, dự trữ đã phân bổ chỉ tăng 25 tỷ USD lên con số 11.971 tỷ USD, chiếm trên 93,3% tổng dự trữ ngoại hối quốc tế. Trong giá trị dự trữ đã phân bổ, dự trữ dưới dạng USD đạt trên 7.081 tỷ USD, giảm nhẹ từ tỷ trọng 59,23% trong quý trước xuống 59,15%, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với đồng EUR - đồng tiền dự trữ thứ hai - đồng tiền này chiếm tỷ trọng 20,48% trong tổng dự trữ ngoại hối đã phân bổ (quý trước đó chiếm 21,24%). Tương tự, tỷ trọng AUD cũng giảm nhẹ xuống 1,81% từ 1,84% trong quý trước đó, và tỷ trọng CAD giảm nhẹ xuống 2,9% từ 2,22% trong quý trước đó. Tỷ trọng frank Thụy Sỹ không thay đổi, những đồng tiền còn lại tiếp tục tăng nhẹ so với quý trước đó, cả về giá trị và tỷ trọng.
Theo thống kê do Wikipedia cập nhật, top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đang có dự trữ ngoại tệ và vàng lớn nhất thế giới bao gồm: Trung Quốc (3.258,14 tỷ USD, dữ liệu ngày 31/12/2021); Nhật Bản (1.405,754 tỷ USD, dữ liệu tháng 11/2021); Thụy Sỹ (1.086,197 tỷ USD, dữ liệu tháng 10/2021); Ấn Độ (633,614 tỷ USD, dữ liệu tháng12/2021); CHLB Nga (630,5 tỷ USD, dữ liệu ngày 24/12/2021); Đài Loan (Trung Quốc) (547,33 tỷ USD), dữ liệu tháng 11/2021); Hồng Kông (Trung Quốc) (499,5 tỷ USD, dữ liệu tháng 11/2021); Hàn Quốc (463,9 tỷ USD, dữ liệu tháng 11/2021); Arập Xê út (450,527 tỷ USD, dữ liệu tháng 10/2021); Singapore (418,146 tỷ USD, dữ liệu tháng 08/2021).
Trong bảng thống kê của Wikipedia, dự trữ ngoại hối của Việt Nam có xu hướng tăng dần và đạt 102,872 tỷ USD (dữ liệu tháng 7/2021), xếp thứ 28 trong bảng thống kê, giảm 1 bậc so với báo cáo trước đó.
Từ cuối tháng 4/2021, biến chủng Delta bắt đầu tấn công mạnh mẽ và lan dần ra hầu khắp các địa phương trong nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2021 đã lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 19%, nhập khẩu tăng 26,5%.
Về thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 95,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,9 tỷ USD. Năm 2021 xuất siêu sang EU ước đạt 23 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước; nhập siêu từ Hàn Quốc 34,2 tỷ USD, tăng 22,9%; nhập siêu từ ASEAN 12 tỷ USD, tăng 63,1%; nhập siêu từ Nhật Bản 2,4 tỷ USD, tăng 127,9%. Tuy nhiên, nhập khẩu từ Trung Quốc tiếp tục tăng đáng báo động với mức nhập siêu liên tục lập kỷ lục mới và hiện đã lên tới 54 tỷ USD (tăng 53% so với năm trước), phản ánh sự phụ thuộc ngày càng nặng nề vào thị trường này.
Tình trạng hàng hóa nông sản dồn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc cho thấy, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn manh mún, chậm thay đổi để thích ứng với những thay đổi trên thị trường quốc tế, vì thế rất khó tận dụng những ưu đãi từ các hiệp định thương mại song phương. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc tăng cao về lượng, nhưng giá trị gia tăng và lợi nhuận rất thấp, gây lãng phí nguồn vốn, tài nguyên và công sức của người lao động.
Nguồn: IMF; Bộ Kế hoạch Đầu tư; Wikipedia