Kiến nghị mở cửa du lịch quốc tế vào quý II/2022

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 10:25, 19/01/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 18/1, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) phối hợp tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả bộ chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh của Việt Nam (VTCI) cho 15 tỉnh, thành phố năm 2021 nhằm hỗ trợ phục hồi du lịch và thúc đẩy nhanh việc mở cửa toàn bộ thị trường du lịch quốc tế.

Tham dự Hội nghị có: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban IV Trương Gia Bình, Chủ tịch TAB Trần Trọng Kiên, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục Du lịch và trên 100 đại biểu đại diện lãnh đạo Sở quản lý du lịch các địa phương, các chuyên gia du lịch, các nhà khoa học, đại diện các cơ quan báo chí.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, kết quả VTCI cho 15 tỉnh, thành phố năm 2021 góp phần hỗ trợ cho công tác tham mưu, quản lý nhà nước về du lịch được tốt hơn. 2 năm vừa qua, ngành Du lịch đã chịu những tác động hết sức nặng nề của dịch COVID-19. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các địa phương, bộ, ngành, hiệp hội… tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn để tìm giải pháp khôi phục hoạt động du lịch. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ nhiều giải pháp để hỗ trợ người lao động trong ngành Du lịch, doanh nghiệp du lịch phục hồi. Mới đây, trong Kỳ họp bất thường vừa qua, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có phục hồi du lịch. Quốc hội đã bố trí ngân sách cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, cho chuyển đổi số trong du lịch và bố trí ngân sách cho các chương trình xúc tiến thương mại, du lịch, hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch.

Quang cảnh Hội nghị

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định kết quả VTCI 2021 sẽ làm rõ hơn những tiềm năng, thế mạnh, hạn chế cần khắc phục của các địa phương để phát triển du lịch một cách căn cơ, bài bản, khách quan, minh bạch, nên sớm hình thành bộ chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp quốc gia. Từ đó, các địa phương có thể tự đánh giá tốt hơn về điểm đến về năng lực cạnh tranh, chứ không phải chỉ dựa vào kết quả điều tra, nghiên cứu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).

Dự án Hỗ trợ Hội đồng Tư vấn Du lịch xây dựng Quỹ phát triển du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến do Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam tài trợ nhằm đưa ra các kiến nghị về quản lý và vận hành Quỹ Phát triển Du lịch và cơ cấu quản trị hiệu quả dựa trên quan hệ đối tác công - tư cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực; đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc xây dựng và thí điểm mô hình chỉ số năng lực cạnh tranh xếp hạng các điểm đến du lịch.

Dự án này giúp thu hẹp khoảng cách với các nền kinh tế du lịch khác và cải thiện vị trí chung của Việt Nam trong nâng cao chỉ số cạnh tranh về lữ hành và du lịch (TTCI) của WEF. Hỗ trợ các cơ quan chức năng và ngành với một hệ thống đã được điều chỉnh phù hợp để giám sát khả năng cạnh tranh. Cung cấp cho ngành Du lịch một công cụ dựa theo các tiêu chí TTCI của WEF và hỗ trợ các bộ, cơ quan quản lý và các tỉnh. Các điểm đến của Việt Nam sẽ được hỗ trợ để tăng cường hiệu quả hoạt động của địa phương và tập trung vào các vấn đề đã xác định.

Năng lực cạnh tranh du lịch được đo lường qua 4 nhóm tiêu chí: tạo dựng môi trường (25%), chính sách và điều kiện cho du lịch (25%), hạ tầng du lịch (25%), tài nguyên tự nhiên và văn hoá (25%); 12 trụ cột bao gồm 71 chỉ số được tính toán trên cơ sở dữ liệu từ cuộc khảo sát và các nguồn thông tin; thang điểm 1-7.

Theo đó, Đà Nẵng đứng đầu (4,7 điểm), tiếp theo là Quảng Ninh (4,68 điểm), Khánh Hoà (4,56 điểm), Quảng Nam (4,55 điểm), Thừa Thiên Huế (4,52).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: “Trong lúc khó khăn này, du lịch nội địa đang là “cứu cánh” của ngành Du lịch nhưng muốn phục hồi bền vững, du lịch phải đi “bằng hai chân”, mở cửa toàn bộ thị trường quốc tế thì du lịch mới sớm trở lại bình thường. Để đẩy nhanh lộ trình mở cửa quốc tế, ngoài việc tiếp tục thí điểm đón khách quốc tế tới 7 địa phương đã được cho phép, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch mở cửa toàn bộ thị trường du lịch quốc tế. Tốt nhất là vào dịp 30.4 này”. Bộ trưởng lưu ý ngành Du lịch phải có những bước chuẩn bị tốt nhất cho kế hoạch này, tự tin nhưng không chủ quan, có độ sẵn sàng thích ứng cao.

Ông Trương Gia Bình cho biết hoàn toàn ủng hộ đề xuất mở cửa toàn bộ du lịch quốc tế vào dịp 30.4 là đúng thời điểm nhất. Ban IV sẵn sàng góp một tiếng nói với Chính phủ về kiến nghị, đề xuất này của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đồng tình với việc cần phải sớm mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch quốc tế, ông Trần Trọng Kiên cho biết với tỉ lệ tiêm chủng cao và hiệu quả của việc thực hiện thí điểm đón khách quốc tế thời gian qua thì việc mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế là khả quan. Việc mở cửa cũng cần phải truyền thông sớm với du khách và đối tác quốc tế, xúc tiến thị trường, dỡ bỏ các quy định hạn chế đi lại và nối lại các đường bay quốc tế.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thuỷ cho biết việc mở cửa thị trường quốc tế đón khách vào Việt Nam hiện nay hết sức thuận lợi ở các địa phương đã được tham gia giai đoạn thí điểm. Sau 2 tháng thí điểm Việt Nam đã đón gần 8.000 khách quốc tế. Thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường quảng bá du lịch tới các thị trường khách quốc tế; báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về lộ trình mở cửa quốc tế, lựa chọn thời điểm mở cửa toàn bộ trong quý II năm nay. Ông Phạm Văn Thuỷ cũng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp chủ động chuẩn bị các điều kiện để mở cửa du lịch quốc tế; thống nhất các quy định từ trung ương tới địa phương và giữa các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi du lịch nội địa, mở cửa du lịch quốc tế…

T.Dũng