Nhầm lẫn chuyển khoản: Sai một ly đi một dặm

Pháp luật - Nghiệp vụ - Ngày đăng : 10:34, 20/01/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Công ty LEX đã chuyển khoản nhầm tiền thuê mặt bằng cho Công ty Việt Hưng với số tiền là 186 triệu đồng…

 

Mới đây, Tòa án nhân dân quận Long Biên, Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ việc yêu cầu chấm dứt hợp đồng thuê nhà xưởng và đòi tiền đặt cọc giữa Công ty giao hàng Flex Speed Delivery Limited và Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản May thêu Việt Hưng.

Theo hồ sơ vụ việc, Công ty TNHH Chuyển phát nhanh Lazada Việt Nam – viết tắt là LEX đã sáp nhập vào Công ty Flex, do đó Công ty Flex tham gia phiên tòa với tư cách nguyên đơn. Trước khi sáp nhập, năm 2017, LEX đã ký hợp đồng thuê nhà kho, công trình xây dựng với Công ty Việt Hưng. Diện tích mặt bằng cho thuê là 300 m2, thời hạn thuê là 12 tháng.

Quá trình thực hiện hợp đồng, LEX đã nhận bàn giao mặt bằng nhà kho và chuyển tiền thuê 6 tháng năm 2017 là 217 triệu đồng và 6 tháng năm 2018 là 186,5 triệu đồng. Ngày 4/5/2018, LEX gửi thư điện tử thông báo cho Công ty Việt Hưng biết có một số hạng mục cơ sở vật chất của kho bãi không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của công ty. LEX cũng yêu cầu Công ty Việt Hưng cải tạo sửa chữa. Hai bên trao đổi qua thư điện tử và đồng ý chấm dứt hợp đồng vào lúc 16h02 ngày 9/5/2018.

Cũng trong ngày 9/5/2018, LEX đã chuyển nhầm khoản tiền 186,5 triệu đồng cho Công ty Việt Hưng. Nội dung chuyển khoản là thanh toán tiền thuê cho kỳ 6 tháng đầu (từ 2/11/2017 – 2/5/2018). Thực tế, khoản tiền thuê mặt bằng này đã được LEX thanh toán vào ngày 31/10/2017.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, LEX đã yêu cầu Ngân hàng City Bank hủy giao dịch nhưng khi đó, số tiền trên đã được chuyển vào tài khoản của Công ty Việt Hưng. Sau đó, LEX đã gửi văn bản cho Công ty Việt Hưng về việc chấm dứt hợp đồng nhưng Công ty Việt Hưng yêu cầu LEX tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê kho bãi với lý do LEX đã thanh toán tiền thuê 6 tháng tiếp theo.

Ngày 14/5/2018, đại diện LEX đến làm việc với Công ty Việt Hưng và giải thích về việc nhầm lẫn trong quá trình chuyển khoản nhưng phía đối tác không đồng ý. Đến ngày 22/5/2018, LEX gửi công văn về việc chấm dứt hợp đồng, yêu cầu Công ty Việt Hưng phải hoàn trả tiền đặt cọc (31,1 triệu đồng) và khoản tiền công ty chuyển nhầm là 186,5 triệu đồng. Hai bên tiếp tục trao đổi qua thư điện tử nhưng không thống nhất giải quyết. Do đó, LEX khởi kiện ra tòa án đề nghị chấm dứt hợp đồng thuê, thanh toán tiền đặt cọc và chuyển khoản nhầm.

Quá trình tố tụng, Công ty Việt Hưng chỉ đồng ý trả lại tiền đặt cọc và bác bỏ toàn bộ yêu cầu khác với lý do hai bên chưa thống nhất chấm dứt hợp đồng thuê kho.

Tòa án cho rằng, hai bên có văn bản trao đổi về việc chấm dứt hợp đồng vào ngày 8-9/5/2018 nhưng không thỏa thuận về thời hạn sửa chữa, nâng cấp cải tạo định kỳ và kinh phí do ai bỏ ra.  Mặt khác, trong email ngày 4/5/2018, phía nguyên đơn có thông báo chấm dứt hợp đồng nhưng không có biên bản xem xét hiện trạng hoặc bản thẩm định đánh giá cụ thể gửi cho bị đơn. Thời điểm chấm dứt hợp đồng cũng mâu thuẫn, khi thì xác định là ngày 9/5/2018, lúc thì ngày 2/6/2018.

Ngoài ra, theo hợp đồng, các bên thống nhất thỏa thuận việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng phải được lập bằng văn bản và được ký, đóng dấu bởi người có thẩm quyền. Như vậy, việc trao đổi bằng thư điện tử đơn phương chấm dứt hợp đồng là không có giá trị pháp lý.

Sau khi xem xét, tòa án tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty LEX về việc đòi Công ty Việt Hưng hoàn trả lại số tiền gốc và lãi là 261 triệu đồng. Tòa án buộc các bên thực hiện đúng hợp đồng.

Bùi Trang