HSBC ra mắt thẻ thanh toán bằng nhựa tái chế đầu tiên tại Việt Nam
Ngân hàng Xanh và Phát triển bền vững - Ngày đăng : 10:30, 20/01/2022
Sự thay đổi này nằm trong khuôn khổ chương trình phát hành thẻ thanh toán bền vững trên toàn cầu của Tập đoàn HSBC, củng cố cho chiến lược giảm phát thải các-bon và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không (net-zero) trong vận hành và chuỗi cung ứng của Tập đoàn vào năm 2030 hoặc sớm hơn.
Chương trình chuyển đổi bắt đầu được triển khai từ tháng 1/2022 với thẻ tín dụng Premier MasterCard, thẻ ghi nợ Premier và thẻ ghi nợ Visa Chuẩn. Việc chuyển đổi đối với các sản phẩm thẻ khác dự kiến sẽ áp dụng từ tháng 5/2022.
Khách hàng yêu cầu phát hành thẻ mới hoặc phát hành lại thẻ sẽ là những người đầu tiên trải nghiệm thẻ rPVC. Nhằm tận dụng tối đa vòng đời sử dụng của thẻ hiện tại, khách hàng sẽ nhận được thẻ nhựa tái chế thay thế sau khi thẻ cũ hết hạn.
Thẻ mới được làm từ 85% nhựa tái chế có nguồn gốc từ chất thải công nghiệp. Là một trong những ngân hàng dẫn đầu trong mảng thẻ thanh toán tại Việt Nam, việc HSBC chuyển sang phát hành thẻ rPVC sẽ giúp giảm phát thải nửa tấn các-bon và tiết kiệm 0,2 tấn nhựa mỗi năm. Tổng cộng, HSBC Việt Nam cùng các thị trường khác của Tập đoàn HSBC có thể giúp giảm phát thải 161 tấn các-bon và giảm 73 tấn rác thải nhựa mỗi năm trên toàn thế giới.
Việc chuyển đổi sang sử dụng thẻ rPVC nhấn mạnh tham vọng của HSBC hướng đến xây dựng một tương lai phát triển bền vững trên toàn cầu đồng thời góp phần vào mục tiêu đưa ngân hàng trở thành một tổ chức có mức phát thải ròng bằng không (net-zero). Đây mới là bước đầu trên trên hành trình chuyển dần sang thẻ làm bằng 100% nguyên liệu bền vững và HSBC sẽ tiếp tục nghiên cứu các nguyên liệu tái chế thay thể khác.
Ông Pramoth Rajendran, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Quản lý Tài sản và Tài chính Cá nhân, HSBC Việt Nam, chia sẻ: “Vật liệu bền vững mới như rPVC mở ra cho ngành dịch vụ tài chính cơ hội rõ ràng để thúc đẩy nỗ lực xây dựng một tương lai bền vững hơn và chúng tôi tự hào được đóng góp vào một xu thế đang ngày càng phổ biến trên khắp thế giới. Việc đưa thẻ rPVC vào sử dụng là một bước tiến mới giúp ngân hàng và khách hàng tạo ra những tác động tích cực đối với môi trường”.
“Rõ ràng, môi trường là một vấn đề hết sức quan trọng với Việt Nam, một quốc gia thường xuyên phải đối mặt với những nguy cơ do biến đổi khí hậu gây ra. Chuyển sang sử dụng thẻ nhựa tái chế tạo điều kiện cho HSBC và khách hàng cùng đồng hành vì một Việt Nam xanh hơn, góp phần giúp Việt Nam thực hiện cam kết khí hậu đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) bao gồm mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Hãy cùng nhau viết tiếp câu chuyện mà chúng ta có thể tự hào truyền lại cho các thế hệ mai sau", ông Pramoth nói thêm.
Phát hành thẻ nhựa tái chế chỉ là một trong nhiều sáng kiến HSBC đang thúc đẩy trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Trước đó, nhằm giúp khách hàng cá nhân giảm phát thải các-bon và góp phần kiến tạo một tương lai cân bằng phát thải cho thế giới, HSBC đã phát triển và mở rộng danh mục các sản phẩm tín dụng xanh ở Việt Nam, như các khoản vay ưu đãi đối với các dự án xây dựng xanh và các hoạt động lắp đặt điện năng lượng mặt trời trên mái nhà.
Năm ngoái, ông Noel Quinn, Tổng Giám đốc Tập đoàn HSBC, đã có cuộc gặp thân mật với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 ở Glasgow. Cuộc thảo luận của hai nhà lãnh đạo xoay quanh tham vọng bền vững của Việt Nam và hai bên thể hiện thiện chí hợp tác song phương nhằm hỗ trợ Việt Nam trên hành trình phát triển bền vững. Là ngân hàng quốc tế hàng đầu tại Việt Nam, HSBC có vị thế vững vàng để đóng góp kiến thức chuyên môn và mạng lưới rộng khắp nhằm xây dựng một Việt Nam xanh hơn.