Sẽ mở cửa trường học sau Tết
Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 10:22, 21/01/2022
Học sinh 12-17 tuổi sẽ trở lại trường vào tháng 2
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trên 96% học sinh từ 12-17 tuổi đã tiêm phủ vắc xin mũi 2. Dù tỷ lệ tiêm cao như thế nhưng Hà Nội là một trong những địa phương quá thận trọng trong việc cho học sinh trở lại trường vào thời điểm chỉ có hơn chục ca/ngày. Khi quyết định cho học sinh THPT trở lại trường đồng loạt thì Hà Nội lại vấp phải đợt dịch dâng cao khiến nhiều giáo viên và học sinh bị nhiễm dịch. Tuy vậy, ông Cương cho biết, sẽ có những biện pháp quyết liệt hơn để ít nhất đưa học sinh từ lớp 7-12 trở lại trường sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
Tại Hải Phòng, ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, đã tiêm phủ vắc xin gần 100% cho học sinh từ 12-17 tuổi và hiện đang có kế hoạch tiêm “đợt vét”. Hải Phòng vẫn cho học sinh đi học trực tiếp, xen kẽ trực tuyến ở các vùng đỏ và đang cố gắng để 100% học sinh trở lại trường sau Tết.
Cùng với giải pháp phủ vắc xin, cần thực hiện thông điệp 5K mọi lúc, mọi nơi để tạo thuận lợi cho học sinh quay lại trường học sớm nhất có thể |
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, nơi được xem như đã đạt miễn dịch cộng đồng khi chỉ còn vài trăm ca nhiễm/ngày, giảm hàng chục lần so với thời kỳ đỉnh dịch thì đã thành công trong việc cho học sinh trung học phổ thông đến trường trở lại. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh, sau đợt nghỉ Tết, thành phố sẽ cho học sinh mầm non, tiểu học trở lại trường theo nguyên tắc tự nguyện.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 15/1, số học sinh từ 12-17 tuổi tiêm mũi 1 đạt trên 90%, số tiêm phủ 2 mũi đạt trên 72%. Số cán bộ giáo viên tiêm đủ 2 mũi đạt trên 82%. Trao đổi về cơ sở đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường, ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định, tỷ lệ tiêm phủ vắc xin đã đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng và Bộ Y tế đang chuẩn bị kế hoạch tiếp tục tiêm cho trẻ 5-11 tuổi. Ông Trường Sơn cho rằng, khi mọi hoạt động xã hội trở lại bình thường, trẻ được tiêm phủ vắc xin thì việc mở cửa trường học là cần thiết.
Chỉ đạo về việc này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị các Sở GD&ĐT phối hợp với Sở y tế ở các địa phương chuẩn bị phương án, trình UBND cấp tỉnh để cho học sinh trở lại trường sớm nhất, trong đó ưu tiên cho học sinh 12-17 tuổi là đối tượng đã được tiêm phủ 2 mũi vắc xin trở lại trường ngay sau dịp nghỉ Tết.
Học sinh mầm non, tiểu học cần sự hỗ trợ của người lớn
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế trong Hội thảo bàn giải pháp đưa học sinh trở lại trường, thì ý thức của người lớn trong các gia đình, cộng đồng góp phần rất lớn vào việc sớm mở cửa trường học.
Ông Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, trên thực tế, những trường hợp học sinh nhiễm dịch đều do nguồn lây ngoài cộng đồng hoặc gia đình chứ không phải lây nhiễm trong trường học. Điều này cho thấy, để học sinh trở lại trường an toàn, ý thức của người lớn rất quan trọng. “Người nào tiêm phòng được thì tiêm ngay để tránh lây nhiễm cho con trẻ, thực hiện thông điệp 5K mọi nơi, mọi chỗ. Cùng với giải pháp phủ vắc xin thì đó vẫn là những giải pháp căn cơ trong việc kiểm soát dịch, tạo thuận lợi cho học sinh quay lại trường học sớm nhất có thể”, ông Điển nói.
Bài học tại Bắc Giang cũng chứng minh điều này, tất cả các hàng quán, dịch vụ vẫn phải tạm đóng cửa để trường học có thể mở cửa sớm hơn. Vì theo quan điểm của lãnh đạo tỉnh thì khi dịch kiểm soát được ngoài cộng đồng thì trẻ đến trường sẽ được an toàn. Dĩ nhiên, các trường đều phải có kịch bản chặt chẽ phòng dịch và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh dịch trong khi học sinh đang học trực tiếp. Bắc Giang là nơi phát sinh ổ dịch lớn đầu tiên trong đợt dịch thứ 4 năm 2021, nhưng cũng lại là một trong những địa phương tiên phong trong việc đưa học sinh trở lại trường. Ở các thời điểm dịch tái phát, nhiều trường ở Bắc Giang duy trì hình thức lớp học “3 trong 1”, vừa dạy trực tuyến, vừa trực tiếp, vừa kết nối cho học sinh đang phải cách ly nghe giảng với lớp qua thiết bị điện tử… Cách chủ động, linh hoạt này đã giúp các nhà trường tận dụng “cơ hội vàng”, không làm đứt mạch dạy học.
Ông Nguyễn Kim Sơn cho rằng: “Với lứa tuổi mầm non, tiểu học, các địa phương cần có sự chuẩn bị khẩn trương, trong đó chuẩn bị về tư tưởng, nhận thức là hết sức quan trọng để tạo sự đồng thuận của phụ huynh, giáo viên, các cấp, các ngành…”. Nhìn ra thế giới, theo ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) thì nhiều quốc gia đã xem việc mở cửa trường học sau dịch là mục tiêu hàng đầu. Một số nước như Indonesia, Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan coi việc phủ vắc xin là giải pháp cần ưu tiên, trong đó có chương trình tiêm chủng cho trẻ dưới 12 tuổi. Nhiều nước còn khích lệ trẻ chưa tiêm vắc xin đi học, kèm theo các giải pháp đảm bảo an toàn. Ví dụ, Singapore và Nhật Bản quản lý chặt hơn (kiểm tra các triệu chứng); Canada và Mỹ yêu cầu nộp kết quả xét nghiệm. Theo ông Hưng, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm đó, giao tự chủ nhiều hơn cho các nhà trường trong việc đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học trở lại.