Mô hình chi tiêu cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang ở trong tình trạng tốt

Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 15:10, 21/01/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Giám đốc điều hành của các ngân hàng lớn nhất của Mỹ tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh tế của đất nước, họ nói rằng người tiêu dùng có tiền mặt trong ngân hàng lại háo hức chi tiêu và cũng muốn đi vay.

Chi tiêu của người tiêu dùng, một động lực chính của nền kinh tế Mỹ, đã giảm mạnh trong thời gian bắt đầu đại dịch khi người Mỹ lo sợ điều tồi tệ nhất, họ tích trữ tiền mặt và tiết kiệm tiền bằng cách ở nhà. Đồng thời, viện trợ của chính phủ đã tạo ra nhiều tài khoản ngân hàng của người Mỹ, và nhiều người đã sử dụng tiền mặt để trả nợ.

JPMorgan Chase & Co và Bank of America, ngân hàng lớn thứ nhất và nhì của Mỹ, cùng có khoảng 140 triệu hộ gia đình là khách hàng, cho biết hiện nay người tiêu dùng đang ở tình trạng tốt, ngay cả khi biến thể Omicron làm giảm sự nhiệt tình của người tiêu dùng những ngày cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cũng cảnh báo lạm phát có thể làm giảm chi tiêu nếu vẫn tiếp tục.

Ngân hàng Bank of America, cung cấp dữ liệu chi tiêu tiêu dùng toàn diện nhất khi báo cáo thu nhập vào thứ Tư, cho biết 67 triệu khách hàng của họ đã chi tiêu kỷ lục 3,8 nghìn tỷ đô la vào năm 2021, tăng 24% so với năm 2019, mức chuẩn trước đại dịch. Con số đó bao gồm  thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, ACH, chuyển khoản ngân hàng, tiền mặt, séc và tiền được gửi qua các nền tảng như Zelle.

Các khoản thanh toán trong quý IV năm ngoái đã tăng 28% so với cùng kỳ năm 2019, cũng là một bước nhảy kỷ lục. Ngân hàng Mỹ cho biết chi tiêu tiếp tục tăng vào tháng Giêng năm nay, tính đến ngày 17/1,  các khoản thanh toán tăng 11% so với đầu tháng 1/2021. Số liệu cho biết thêm, gần như tất cả số dư tài khoản của khách hàng đều tăng từ tháng 6 đến tháng 12/2021. Giám đốc điều hành Brian Moynihan của Bank of America cho biết: “Chúng tôi tin rằng vẫn còn rất nhiều khả năng chi tiêu khi số dư tiền gửi trung bình tiếp tục tăng đến cuối năm bất chấp mức chi tiêu lớn đã thấy".

JPMorgan cho biết chi tiêu kết hợp thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng cao hơn 27% trong quý 4 năm ngoái so với quý 4 năm 2019, trong đó chi tiêu cho du lịch và giải trí tăng 13% so với cùng kỳ.

Wells Fargo & Co cho biết chi tiêu qua thẻ tín dụng và số dư tài khoản trung bình trong quý 4 đều tăng 27% so với mức trước đại dịch.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ, số dư cho vay tiêu dùng trong toàn ngành cũng phục hồi hoàn toàn vào quý IV năm ngoái, dẫn đầu là các khoản cho vay mua ô tô và các khoản cho vay học phí, chăm sóc y tế, kỳ nghỉ và các mục đích khác.

Nhà phân tích Keith Horowitz của Citigroup cho biết: “Nhìn thấy kết quả như vậy khiến chúng tôi ngày càng lạc quan hơn về xu hướng tăng trưởng cho vay".

Chi tiêu qua thẻ tín dụng vẫn còn thấp

Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng vẫn chưa hoàn toàn quay trở lại mô hình chi tiêu trước đại dịch COVID của họ. Ví dụ, theo dữ liệu của Fed, chi tiêu bằng thẻ tín dụng đã tăng mạnh trở lại trong tháng 10 và tháng 11, song chững lại từ đầu tháng 12 và vẫn thấp hơn 7% so với mức đỉnh trước đại dịch.

Ví dụ, JPMorgan báo cáo số dư thẻ tín dụng trong quý 4 đã tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn 8% so với mức trước đại dịch do khách hàng tiếp tục trả nợ. Ngân hàng cũng lưu ý rằng chi tiêu bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ cho du lịch và giải trí "đã giảm đi cùng lúc với làn sóng Omicron. Điều này có vẻ phù hợp với việc doanh số bán lẻ giảm nhẹ trong tháng 12 khi người tiêu dùng do lo sợ sự chậm trễ của chuỗi cung ứng nên đã hoàn thành việc mua sắm sớm và biến thể Omicron  đã ngăn cản những người khác vào cửa hàng mua sắm.

Charles Scharf, Giám đốc điều hành Wells Fargo cũng lưu ý rằng một số mức tăng chi tiêu của người tiêu dùng là do áp lực lạm phát. Nhà phân tích ngân hàng David Hendler của Viola Risk Advisors nói: “Lạm phát có thể ảnh hưởng đến khả năng tiêu tiền của mọi người vì giá cả quá đắt”.

(Nguồn:https://finance.yahoo.com/news/big-u-banks-spending-patterns-232154101.html)

Gia Huy