Chứng khoán hướng tới 1.800 điểm, cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ, năng lượng là trọng tâm đầu tư
Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 07:31, 26/01/2022
Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng 34% nhờ thanh khoản tăng đáng kể và tăng trưởng EPS mạnh đạt 32%. Chính phủ cũng đã có những phản ứng kịp thời để kiểm soát COVID-19 và chuyển từ chiến lược “Zero COVID” sang “Sống chung với COVID”.
Bước sang năm 2022, nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục đi lên khi nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng dài hạn nhờ quá trình mở cửa ổn định trở lại và gói kích thích khá lớn.
Theo quan điểm của Công ty chứng khoán Maybank KimEng, tiêu dùng phục hồi, đầu tư cơ sở hạ tầng tăng tốc, FDI và xuất khẩu tăng và hoạt động M&A hồi sinh là những trọng tâm đầu tư quan trọng. Công ty này dự báo VN-Index có thể đạt 1.800 điểm vào năm 2022, dựa trên PE 16,5 lần và tăng trưởng EPS 27% năm 2022, dẫn dắt bởi ngành ngân hàng, bán lẻ và năng lượng. Hai nhân tố quan trọng thúc đẩy là tăng trưởng EPS ổn định và thanh khoản mạnh.
Nửa đầu năm 2022, thị trường được kỳ vọng tăng nhờ vào tâm lý lạc quan do mở cửa trở lại và gói kích thích 2022-2023. Mức tăng trưởng lợi nhuận dự báo trong năm 2022 là 28%, có khả năng đưa thị trường Việt Nam trở thành ngôi sao sáng nhất trong khu, dù thấp hơn so với mức 32% trong năm 2021. Các ngành hoạt động tốt nhất có thể bao gồm ngân hàng, bán lẻ, năng lượng, bất động sản và chứng khoán.
Mặt khác, thanh khoản thị trường được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức 1,4 -1,5 tỷ USD mỗi phiên, nhờ sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư cá nhân trong nước và sự quay trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi ổn định và khả năng cao thị trường Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp bởi FTSE vào năm 2023.
Năm 2022, Maybank KimEng nhận định sẽ là một năm bùng nổ về tiêu dùng nhờ kích hoạt hiệu ứng của cải tăng, cắt giảm thuế và niềm tin gia tăng. Cùng với đó đầu tư cơ sở hạ tầng kỷ lục với 640 nghìn tỷ đồng, tăng 30% sẽ kết nối các khu kinh tế và dòng chảy thương mại, đặc biệt là ở phía Nam; xu hướng tăng mạnh về số lượng và chất lượng hàng xuất khẩu và FDI vì một trung tâm sản xuất (đặc biệt là công nghệ cao) đang được hình thành ở Việt Nam. Hoạt động M&A sắp nở rộ khi nền kinh tế Việt Nam và các công ty trong nước bắt đầu bước sang một giai đoạn phát triển mới cần nhiều chuyên môn và vốn hơn. Do đó, MBKE khuyến nghị các ngành ngân hàng (VPB, MSB, VCB, TCB), bán lẻ (MSN, MWG, PNJ, VRE), ô tô (VIC, VEA), năng lượng (GAS, PLX), BĐS nhà ở (VHM, NLG, HDG), BĐS khu công nghiệp (BCM, KBC, SZC), nguyên vật liệu (HPG, PLC, KSB, DHA), logistics (GMD, ACV) và chứng khoán (VND, VCI).