IMF điều chỉnh giảm dự báo kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống 4,4%

Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 07:45, 29/01/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tại báo cáo công bố vào ngày 25/1/2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo GDP toàn cầu do biến thể Omicron bùng phát và các nước phải tái áp đặt các biện pháp ngăn ngừa đại dịch.

Ngoài ra, giá năng lượng leo thang và nguồn cung rối loạn đã đẩy lạm phát tăng cao hơn so với kỳ vọng, nổi bật là tại Mỹ và nhiều nước đang phát triển và mới nổi (EMDEs). Triển vọng tăng trưởng cũng bị cản trở bởi những biến động trên thị trường bất động sản Trung Quốc và tiêu dùng tư nhân phục hồi chậm chạp.

Các chỉ số kinh tế cơ bản (% so với năm trước)

 

GDP toàn cầu được dự báo giảm từ mức tăng trưởng 5,9% trong năm 2021 xuống mức tăng 4,4% vào năm 2022, thấp hơn khoảng 0,5% so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2021, phần lớn là do kết quả điều chỉnh giảm triển vọng kinh tế Mỹ và Trung Quốc (lần lượt -1,2% và -0,8%).

Trên toàn cầu, lạm phát cao sẽ kéo dài tại hầu hết các quốc gia và khu vực, do tình trạng gián đoạn nguồn cung và đà tăng giá năng lượng sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022. Tuy nhiên, lạm phát kỳ vọng được cho là sẽ neo với lạm phát của các ngân hàng trung ương (NHTW) và sẽ giảm dần, khi tình trạng mất cân đối cung cầu sẽ giảm dần trong năm 2022 và các giải pháp chính sách của một số NHTW chủ chốt.

Rủi ro tăng trưởng thấp vẫn chi phối tình hình kinh tế toàn cầu, do đại dịch có thể kéo dài trước khả năng xuất hiện thêm nhiều biến thể COVID-19 chủng mới, làm phát sinh những rối loạn trong hoạt động kinh tế. Hơn nữa, nguồn cung rối loạn, giá năng lượng chao đảo, áp lực tăng lương do giá cả tăng cao cũng là những yếu tố dẫn đến bất ổn về lạm phát và xu hướng chính sách. Khi NHTW các nước phát triển tăng lãi suất, rủi ro tài chính sẽ tăng cao, và các EMDE có thể đối mặt với làn sóng đảo chiều dòng vốn và mất giá bản tệ, nhất là những nước có nợ nần tăng cao trong hai năm qua. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị leo thang và biến đổi khí hậu cũng gây rủi ro đối với kinh tế toàn cầu.

Tại báo cáo này, IMF đã điều chỉnh tăng dự báo GDP năm 2023 thêm 0,2%, do tác động của những cú sốc trong năm 2022 sẽ giảm dần. Trong đó, kinh tế Ấn Độ sẽ cải thiện mạnh nhờ đẩy mạnh tín dụng, qua đó thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng. GDP năm 2023 tại Nhật Bản cũng được điều chỉnh tăng thêm 0,4%, phản ánh kỳ vọng về xu hướng phục hồi nhu cầu bên ngoài và các biện pháp hỗ trợ tài khóa. Tuy nhiên, đà phục hồi kinh tế năm 2023 không đủ để khắc phục những thiệt hại trong năm 2022, tổng mức điều chỉnh giảm GDP toàn cầu năm 2022-2023 vẫn thấp hơn 0,3% so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2021.

Do đại dịch tiếp tục diễn biến khó lường, các nước cần có chiến lược y tế hiệu quả hơn so với trước đây. Trong đó, mở rộng tiêm chủng, xét nghiệm, và điều trị bệnh nhân đóng vai trò quan trọng trong việc kiềm chế rủi ro bắt nguồn từ những biến thể COVID-19 chủng mới. Điều này đòi hỏi phải củng cố nguồn cung, cải thiện các hệ thống phân phối trong nước, và phân bổ nguồn vốn quốc tế công bằng hơn. Tại nhiều nước, cần tiếp tục thắt chặt tiền tệ để giảm áp lực lạm phát. Mặc dù dư địa tài khóa hạn chế, các nước vẫn cần ưu tiên mở rộng chi tiêu y tế và xã hội, tập trung hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Trong ngữ cảnh như vậy, hợp tác quốc tế đóng vai trò cơ bản trong việc duy trì khả năng tiếp cận thanh khoản và đẩy mạnh tái cơ cấu nợ xấu tại những quốc gia có nhu cầu. Ngoài ra, cần chủ động trước những diễn biến ngày càng trầm trọng về thời tiết.

 

Xuân Thanh