Những đêm giáp Tết thức trắng và ký cải 500 đồng…

Thư giãn - Ngày đăng : 13:30, 30/01/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Khi tháng Chạp bắt đầu đi nhanh hơn về phía Tết, lòng con lại rưng rưng thương về quê, về mảnh đất của gia đình mà ba mẹ vẫn đang cày cuốc, tỉa xới với hy vọng một mùa rau cải như ý cuối năm Âm lịch. Có những nỗi nhớ cứ cuộn chảy về, có những ký ức không cần ai khơi mà cứ theo ngày tháng trôi rồi dâng lên ngập lòng người…

Mấy sào đất cát thấp gần ruộng của nhà mình, mùa nắng thì chạy rát chân, mùa mưa thì ngập nước. Ba mẹ cũng cố mà trồng rau trồng cải theo mùa, để lo toan các thứ cho chúng con từ lúc lọt lòng cho đến khi bước được ra đời với người ta. Nhưng cả niềm vui, ước vọng mỗi năm của ba mẹ có lẽ dồn hết lại vào tháng Chạp, khi đất yên, trời lặng, vụ rau cải Tết dù ngắn ngày nhưng mang theo về biết bao trông đợi… Đó là bánh mứt, là chút thịt heo, là từng cái áo mới cho chúng con ngày trẻ dại…

Cho đến tận bây giờ, những ngày giáp Tết vẫn là những ngày cảm xúc nhất với con, mỗi dịp Xuân về. Người ta tứ phương về sum vầy với gia đình trong bữa ăn ngon, hay trong những cái ôm thắm thiết, thăm họ hàng ruột thịt. Con thì chỉ mong về được thức cùng ba mẹ những đêm giáp Tết.

 Tầm chiều 28 tháng Chạp, (năm nào không có 30 thì là chiều 27), ba mẹ và bà con làm rau quanh xóm đã hối hả chuẩn bị nhổ, cắt, bó để sang 29 là bắt đầu đưa rau cải xuống chợ. Và những đêm 28, 29 tháng Chạp, từ khi hiểu biết được cái khó của gia đình, con đều thức cùng ba mẹ để làm các việc phụ lặt lá úa, nhổ, bó…

Khi sương đêm ướt lạnh vai người, ánh đèn pin loang loáng theo những cánh tay, thì đôi khi nhà mình cũng không cần ăn tối nữa. Cứ nhổ cải, nhổ rau cho xong rồi đem về nhà. Có khi, về tới nhà thì đồng hồ đã chỉ hơn 11 giờ khuya rồi. Vậy là ăn đại cái gì đó lót bụng, rồi tiếp tục các việc chuẩn bị, dưới ánh điện nhà. Khoảng 2 giờ sáng thì xong, ba mẹ biểu con nằm nghỉ chút, nhưng tâm trạng con vẫn cứ háo hức không sao chợp mắt được… Rồi khoảng 4 giờ sáng, mẹ lại hai vai quang gánh đầy cải rau nặng trĩu đi xuống chợ, khi trời vẫn chưa rõ mặt người. Sau này có xe đạp thì mẹ chở bằng xe đạp; lúc con mua được chiếc xe máy thì chở bớt giùm mẹ xuống chợ… Sương lạnh và mưa phùn nhiều khi làm con vui thêm, bởi cảm giác ấy rất khó tả…

Trong ký ức của con, vẫn như còn đây, những năm trong xóm và các xóm lân cận ai cũng khó khăn, nhà mình rau cải lên xanh tốt… Cả năm trông chờ vào vụ cải Tết, mà hở ra một cái lại bị nhổ trộm – cắt trộm; ba mẹ phải thay nhau thức đêm canh chừng.

Vất vả là vậy, nhưng có những năm chợ Tết giá rau giá cải xuống rất thấp. Có lẽ những năm ấy thời tiết thuận lợi, người gieo trồng đem bán nhiều, giá cải xà lách chỉ có 500 đồng/ 1kg. Thời ấy, ổ bánh mỳ đã tầm 2000 đồng rồi. Con theo mẹ xuống chợ từ mờ mờ sương sớm, quanh quanh nơi mình ngồi bán là bao nhiêu người cũng đem rau đem cải xuống chợ. Chờ mãi cho đến 8 giờ, 9 giờ sáng, người ta vẫn trả giá 500 đồng/ 1kg cải xà lách. Không những vậy, bao kẻ có tiền, đi xe ô tô bóng loáng, khi trả giá mà mình chưa bán, còn nói thẳng vào mặt mình rằng nếu không bán thì chỉ có đem đổ sông thôi, để làm gì…

Cũng có nhiều bà con cô bác thức trắng mấy đêm giáp Tết, giá bán lại quá rẻ, mà cũng chẳng ai mua nên đẩy rau xuống đổ hết dưới con sông gần chợ…

Đêm 30 Tết, khi mọi việc dọn dẹp nhà cửa đã xong, mẹ thường đem mớ tiền lẻ bán rau bán cải đem ra đếm; sau khi đã mua xong các thứ đồ cúng… Những đồng tiền 500 đồng, 1000 đồng, 2000 đồng, 5000 đồng quện chặt vào đó mùi mồ hôi và mùi hăng hăng của rau cải hành ngò, nhưng quý biết bao. Con cầm từng tờ tiền lẻ ấy trên tay mà rưng rưng, mà nhớ lại biết bao đêm ba mẹ thức trắng, biết bao lần giá rau giá cải thấp mà mẹ và ba vẫn không bỏ cuộc…

Giữ cái nếp cũ quê nhà, dù giờ đây nhà mình không còn khó khăn nhiều như 10 năm, như 20 năm về trước, nhưng ba mẹ vẫn làm rau cải vụ Tết, vẫn miệt mài trên cánh đồng không kể gì đến giờ giấc, và thức trắng mấy đêm liền giáp Tết… Và, con sẽ lại về, cùng mẹ cùng ba thức trọn vẹn những đêm cuối tháng Chạp, để giữ lấy những gì của ngày Tết mà con luôn trân quý.

Nguyễn Thành Giang