Nhớ hoài âm điệu ngày xuân
Thư giãn - Ngày đăng : 16:30, 31/01/2022
|
Lũ con nít chúng tôi khư khư đòi người lớn may áo quần mới, giày dép mới để đi chơi ba ngày Tết. Hồi đó vải rất mắc và hiếm nên đứa nào được gia đình may cho ba bộ đồ Tết trở lên là hãnh diện với bè bạn lắm rồi.
Nhiều gia đình bẻ chuối xiêm đen để ép rồi phơi đầy trên các vỉ bằng lá dừa, tre các loại. Chuối ép vừa để ăn, vừa để xắt ra làm mứt khi trộn với khóm, gừng, đậu phộng rất thơm ngon.
"Cánh" đàn ông thì dọn dẹp nhà cửa tươm tất, sửa sang hàng rào, sân nhà, làm cỏ mộ tổ tiên, tát mương để bắt cá làm mồi khô nhậu trong mấy ngày Tết, chuẩn bị làm cây nêu. Mấy người có nghề múa lân thì chuẩn bị đầu lân, ông địa, tề thiên, trống, phèng la để kiếm ăn ngày Tết. Các đoàn lân “bồ tèo” tập luyện ì xèo với những tiết mục mới để phục vụ Tết. Đường làng quê tôi vàng rực những vườn bông vạn thọ, cúc, hướng dương, mồng gà. Hầu như ở quê nhà nào cũng có trồng mai để chưng ngày Tết hay tặng cho bạn bè, thân quyến. Có gia đình trồng rất nhiều mai để mang ra chợ huyện, tỉnh bán, thu nhập cao tha hồ mà mua sắm đồ Tết trong gia đình.
"Cánh" đàn bà thì chuẩn bị các nguyên liệu để làm các món ăn ngày Tết như dưa kiệu, dưa cải, mứt các loại. Đa số các gia đình thường làm bánh ít, ú, tét để cúng tổ tiên trong ba ngày Tết.
Quê tôi có tục lệ ngày Tết thường tìm tới mấy thầy “Nho” để xin chữ tốt đẹp viết trên mấy tấm vải láng bóng hay trên những khuôn giấy đỏ rất đẹp rồi về nhà treo.
Gần Tết, không khí lại càng náo nhiệt hơn. Chợ Tết ở quê tôi thường nhóm rất sớm, khoảng 2 giờ sáng là đông nghịt người đi mua sắm Tết. Hồi đó mẹ tôi nửa đêm đã bơi xuồng ra chợ huyện, tờ mờ sáng là về đến nhà với đồ đạc chất đầy xuồng.
Quê tôi có cái lệ, gần Tết là xuất hiện mấy cái đoàn cải lương “miệt vườn”, tuy không có những nghệ sỹ nổi tiếng nhưng bà con mê tít thò lò, mỗi đêm chen nhau ở cái sân đình để coi cải lương. Đó là chưa kể đến mấy cái đoàn lô tô của mấy tay “pê đê” xuống làm ăn rồi qua Tết mới rút “dù”.
Đêm Giao thừa, đàn ông thường tụ tập “lai rai” chờ đón Giao thừa; phụ nữ thì nấu bánh, làm các món ăn chuẩn bị đón ông bà và cúng mùng Một.
Vào mấy ngày Tết, người lớn thường ở nhà tiếp khách hay đi thăm họ hàng giây lát rồi trở về nhà. Trẻ con sau khi chúc Tết ông bà, cha mẹ thì đi chơi thoải mái và tìm người lớn để được lì xì xem đây là niềm vui và may mắn cả năm.
Dẫu biết không khí đón Tết ngày nay cũng thay đổi là lẽ tất yếu nhưng với ai còn mang nặng một chút nỗi niềm hoài cổ thì cứ nhớ nhớ, thương thương về những cái Tết ngày xưa.
Nhớ hoài âm điệu ngày xuân.