Chìa khóa để phục hồi kinh tế là mở cửa và hỗ trợ các hoạt động phát triển kinh tế
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 07:30, 05/02/2022
Ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành YouGov Việt Nam |
Phóng viên: Năm 2021 đã đi qua, ông đánh giá thế nào về những nỗ lực của Việt Nam trong việc khôi phục và phát triển kinh tế do đại dịch COVID-19?
Ông Thue Quist Thomasen: Việt Nam đi theo xu hướng tài chính toàn cầu trong năm 2021. Ba làn sóng COVID-19 đầu tiên không gây ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động kinh tế và tài chính hộ gia đình ở Việt Nam so với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, làn sóng thứ tư đã làm thay đổi bức tranh này. Cụ thể, Việt Nam đang từng bước khắc phục khó khăn trong lĩnh vực tài chính, bước qua những tổn thất nặng nề như nhiều quốc gia khác đã và đang bị ảnh hưởng của đại dịch.
Chỉ số Môi trường Kinh doanh EuroCham (BCI) - đo lường bởi YouGov, là chỉ số mà các nhà hoạch định chính sách, giới truyền thông và các chuyên gia kinh doanh quan tâm và sử dụng để theo dõi hoạt động kinh tế trong nước. Trong quý II/2021 và quý III/2021, BCI được ghi nhận ở mức thấp nhất từ trước đến nay, phản ánh rằng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp dự báo một giai đoạn khó khăn ảnh hưởng từ các quy định giãn cách và đóng cửa tại nhiều trung tâm kinh tế lớn. Tuy nhiên sau đó, tình hình kinh tế - tài chính đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chính phủ đang từng bước đi đến “bình thường mới”, nền kinh tế dần thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19.
Phóng viên: Trong bức tranh chung đó, theo ông, đâu là điểm nổi bật trong điều hành kinh tế của Việt Nam năm qua? Việt Nam cần làm gì để kinh tế phục hồi và tăng trưởng bền vững?
Ông Thue Quist Thomasen: Trong thời gian giãn cách kéo dài, việc di chuyển giữa các khu vực kinh tế chính của Việt Nam gặp nhiều hạn chế. Từ bài học của các nước phương Tây, chúng ta biết rằng, sự khác biệt về tầng lớp xã hội càng trở nên rõ hơn. Người giàu ngày càng giàu hơn, trong khi tầng lớp trung lưu và thấp hơn bị ảnh hưởng nặng nề. Ở Việt Nam, những người khó khăn nhất đang phải chịu thiệt nhiều nhất. Công nhân phải ở lại trong các nhà máy với điều kiện sinh hoạt có hạn chế.
Chìa khóa để phục hồi kinh tế ở Việt Nam là mở cửa và hỗ trợ các hoạt động phát triển kinh tế và kinh doanh. Tăng trưởng nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đóng vai trò quan trọng cho thành công cả ngắn hạn và dài hạn của nền kinh tế nước nhà.
Chính phủ Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo tuyệt vời, điều tiết tốt các làn sóng COVID-19 và tiếp tục cần có sự lãnh đạo chắc chắn và ổn định cho "bình thường mới". Việc kích cầu và điều hòa đi đôi với nhau sẽ thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng và đảm bảo tăng trưởng hoạt động kinh tế.
Thêm nữa, nhóm người gặp nhiều khó khăn nhất nên được tập trung đầu tư và giúp đỡ nhiều hơn trong tương lai.
Phóng viên: YouGov Việt Nam mới đây đã công bố bảng xếp hạng ngân hàng và bảo hiểm tốt nhất Việt Nam 2021. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này cũng như những đóng góp nổi bật của các ngân hàng và tổ chức tài chính trong thời gian qua?
Ông Thue Quist Thomasen: Mới đây, YouGov công bố Bảng xếp hạng Ngân hàng và Bảo hiểm, điểm tên các thương hiệu tài chính tốt nhất Việt Nam năm 2021.
Dựa trên hơn 45.000 cuộc phỏng vấn với người tiêu dùng Việt Nam từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2021, các ngân hàng và công ty bảo hiểm được đánh giá dựa trên nhận thức của người tiêu dùng về các khía cạnh của thương hiệu, kể đến chất lượng tổng quát, giá trị, ấn tượng, uy tín, sự hài lòng, và liệu người tiêu dùng có muốn giới thiệu thương hiệu này cho bạn bè và đồng nghiệp hay không. Bảng xếp hạng này công bố những thương hiệu tài chính được người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng, đánh giá cao và đề cử.
Bảng xếp hạng này cũng đo lường cả xu hướng thay đổi trong thái độ của người tiêu dùng với các thương hiệu ngân hàng và bảo hiểm, hỗ trợ theo dõi sự cải thiện sức khỏe thương hiệu của các công ty dịch vụ tài chính. Thêm vào đó, một trong những thước đo giúp dự đoán tăng trưởng của nhóm ngành ngân hàng và bảo hiểm là khả năng khách hàng của những thương hiệu này giới thiệu tên, sản phẩm và dịch vụ của họ tới người thân và bạn bè. Tin vui là các ngân hàng Việt Nam chiếm trọn nhiều vị trí quan trọng trong danh sách các tổ chức tài chính “được khuyến nghị nhất” trong bảng xếp hạng này.
Xây dựng một thương hiệu vững mạnh là một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên thành công cho các công ty tài chính ở Việt Nam, cũng như duy trì lợi thế cạnh tranh và đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Dữ liệu của YouGov có thể giúp cho các thương hiệu này có cái nhìn chi tiết và độc đáo về cách người tiêu dùng đánh giá thương hiệu và dịch vụ của họ, nhằm tối ưu hóa chiến dịch truyền thông marketing để phát triển mức độ chuyển đổi khách hàng.
Phóng viên: Ông có lời khuyên gì để giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định trong đại dịch COVID-19?
Ông Thue Quist Thomasen: Đại dịch toàn cầu đã gây ảnh hưởng sâu sắc tới hành vi của người tiêu dùng, kể đến kế hoạch thu chi, tiết kiệm, và mua sắm, cũng như những thay đổi đáng kể về thái độ của họ đối với tài chính cá nhân và các sản phẩm tài chính khác. COVID-19 cũng thúc đẩy sự chuyển dịch sử dụng ngân hàng số và các phương thức giao dịch không tiền mặt tại Việt Nam. Mặt khác, diễn biến dịch bệnh khó lường cũng khiến người tiêu dùng cả nước đánh giá lại tình hình tài chính cá nhân của họ, lên kế hoạch tiết kiệm và đầu tư dài hạn cho tương lai.
Để tận dụng tối đa những xu hướng tiêu dùng mới nổi này, các ngân hàng cần phải tạo điểm nhấn và sự khác biệt với các thương hiệu tài chính khác. Trong thị trường đông đúc và đầy cạnh tranh, cơ hội liên tục thay đổi.
Vì vậy, các thương hiệu tài chính cần ưu tiên tìm hiểu rõ điều gì thúc đẩy sự chuyển đổi của khách hàng. Theo dữ liệu của YouGov, chỉ 36% người Việt Nam tin rằng “tất cả các ngân hàng đều như nhau”. Điều này mang lại cho các công ty dịch vụ tài chính nhiều không gian để nổi bật giữa đám đông và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng các xu hướng mới nổi này.
Tuy nhiên, chỉ cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính đáp ứng các xu hướng này là chưa đủ. Hai thách thức đối với các ngân hàng đang tìm cách chiếm thị phần sau đại dịch là: quản lý danh tiếng và tối ưu hóa hoạt động quảng cáo. Việc xây dựng thương hiệu được người tiêu dùng tin tưởng, đánh giá cao và tôn trọng, đồng thời tiếp cận họ bằng các chiến dịch quảng cáo nhắm đúng mục tiêu là điều cần thiết để các ngân hàng khai thác tối đa tiềm năng trong thị trường tài chính hậu đại dịch COVID-19.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!