Năm 2022: Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 07:36, 01/02/2022
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam |
Phóng viên: Năm 2021 đã đi qua với nhiều khó khăn đối với nền kinh tế nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng. Nhìn lại hoạt động của ngành Ngân hàng, xin Phó Thống đốc cho biết, đâu là những điểm nổi bật đã đạt được trong năm qua?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Trong bối cảnh đại dịch kéo dài sang năm thứ 2 liên tiếp với mức độ nguy hiểm và ảnh hưởng nặng nề hơn, để có thể góp phần đưa đất nước ta từng bước trở về trạng thái “bình thường mới”, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng đã thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng, với các kết quả nổi bật, có thể kể đến như:
Thứ nhất, điều hành đồng bộ các công cụ CSTT để điều tiết thanh khoản phù hợp. Thị trường tiền tệ ổn định; lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp, hỗ trợ tổ chức tín dụng (TCTD) giảm chi phí vốn để có điều kiện tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay.
Thứ hai, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, hỗ trợ phục hồi kinh tế: NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp; tiếp tục chỉ đạo TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính, triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, 16 ngân hàng thương mại (NHTM), chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế, đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết với Hiệp hội Ngân hàng.
Thứ ba, điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Thứ tư, điều hành các giải pháp tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng.
Thứ năm, triển khai quyết liệt các giải pháp, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch COVID-19. Trong năm qua, ngành Ngân hàng đã đẩy mạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, trong đó: NHNN đã 2 lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 cho phù hợp với tình hình thực tế; tiếp tục thực hiện các giải pháp về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch COVID-19.
Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 nhưng với các giải pháp đồng bộ và chủ động của ngành Ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực góp phần đưa tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so cùng kỳ năm 2020; tổng dư nợ nền kinh tế đạt khoảng 10,38 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 13% so với cuối năm 2020 (tổng vốn huy động của nền kinh tế đạt khoảng 11,23 triệu tỷ đồng, tăng 8,44%); 4/5 lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng chung của nền kinh tế.
Mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục ở mức thấp và tiếp tục giảm thêm 0,81%/năm so với cuối năm 2020; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm). Tính đến hết năm 2021, tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34,9 nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2021, các TCTD cũng đã tích cực thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ đã cơ cấu lũy kế từ khi có dịch đạt hơn 607 nghìn tỷ đồng; hiện có hơn 775 nghìn khách hàng đang được tiếp cận chính sách, với dư nợ gần 300 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 2 triệu khách hàng với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các TCTD cũng đã đẩy mạnh việc giảm phí, với tổng số tiền phí đã giảm cho khách hàng trong năm qua đạt trên 2.500 tỷ đồng.
Có thể nói, việc triển khai hiệu quả các chính sách này là những nỗ lực rất lớn của ngành Ngân hàng trong điều kiện các TCTD cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Phóng viên: Diễn biến dai dẳng và phức tạp của dịch bệnh đã, đang và sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, trong đó có ngành Ngân hàng. Các dự báo cho thấy, áp lực lớn nhất của ngành Ngân hàng trong năm 2022 sẽ là nợ xấu. Vậy, NHNN có những chỉ đạo như thế nào để các NHTM giảm áp lực và xử lý được nợ xấu, thưa Phó Thống đốc?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Đúng vậy. Dịch bệnh kéo dài trong suốt 2 năm và vẫn còn đang diễn biến phức tạp đã, đang và sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Những khó khăn như vòng quay vốn chậm, dòng tiền đứt dãy, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, gia tăng rủi ro về thu hồi nợ.... đến năm 2022 sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động ngân hàng do có độ trễ. Số liệu thống kê của NHNN cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng nhưng vẫn được duy trì ở mức an toàn 1,92%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu khoảng 3,38%; trong trường hợp thận trọng hơn, nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01 có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ này khoảng 7,31% vào cuối năm 2021. Với tỷ lệ nợ xấu được dự báo, cộng với những tác động tiêu cực từ đại dịch sẽ khiến ngành Ngân hàng khó đảm bảo thực hiện được mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, tác động tiêu cực, trực tiếp đến chất lượng tài sản và năng lực tài chính của các TCTD.
Trước áp lực nợ xấu do đại dịch tăng lên, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tập trung nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới; tích cực áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42 của Quốc hội; đồng thời, căn cứ thực trạng nợ xấu, xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch bệnh COVID-19.
NHNN cũng đã tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Thực tiễn cho thấy nhiều giải pháp tại Nghị quyết đã góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD. Trên cơ sở đó, NHNN đã đề xuất và được Chính phủ đồng ý trình Quốc hội xem xét gia hạn thời gian áp dụng Nghị quyết để tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2021-2025; đồng thời, trong thời gian này, NHNN sẽ nghiên cứu, đề xuất luật hoá các chính sách về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết số 42 theo hướng tiếp tục kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung một số quy định mà thực tiễn triển khai còn gặp khó khăn, vướng mắc.
Đây là những giải pháp tích cực để có thể vừa ngăn chặn, vừa xử lý nợ xấu có thể phát sinh do đại dịch trong thời gian tới.
Phóng viên: Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng với vai trò là “huyết mạch của nền kinh tế”, xin Phó Thống đốc cho biết, trong năm 2022, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục làm gì để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Bám sát chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời trên cơ sở kết quả thực hiện của năm 2021, sang năm 2022, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện một cách tối đa cho việc hỗ trợ doanh nghiệp và thanh khoản cho nền kinh tế, với 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2022 bình quân khoảng 4%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Năm 2022, định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp nhằm góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng. Phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để thực hiện tốt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau khi được Quốc hội phê chuẩn.
Thứ hai, điều hành linh hoạt các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và thiên tai.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng theo “Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó tập trung xử lý các TCTD yếu kém; nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị, điều hành, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, phát triển hệ thống các TCTD đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để kiểm soát và xử lý nợ xấu; ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD có liên quan. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của TCTD, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Phấn đấu duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức an toàn (dưới 3%).
Thứ năm, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành ngân hàng. Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.
Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng phù hợp với thực tiễn nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau dịch COVID-19. Trong đó, trọng tâm là xây dựng Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); hoàn thiện việc đề xuất gia hạn Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD...
Thứ bảy, thực hiện quyết liệt, hiệu quả cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, duy trì chỉ số chiều sâu và nâng cao độ phủ thông tin tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch. Tiếp tục đổi mới việc tổ chức cơ chế một cửa, số hóa, điện tử hóa trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số.
Thứ tám, triển khai công tác truyền thông theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đối với hoạt động thông tin của NHNN và các cam kết quốc tế. Đẩy mạnh truyền thông trước, trong và sau khi ban hành chính sách nhằm tạo sự đồng thuận của dư luận.
Thứ chín, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, công tác chỉ đạo điều hành; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; Nâng cao ý thức trách nhiệm, văn hóa và đạo đức công vụ, công chức trong toàn ngành ngân hàng. Tăng cường tinh thần hợp tác, chia sẻ, văn hóa ứng xử, chất lượng dịch vụ để phục vụ tốt nhất doanh nghiệp, người dân trong quan hệ tiền tệ - tín dụng - ngân hàng.
Tôi tin rằng, với sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao, toàn ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân giao phó, góp phần tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!