Tranh chấp hợp đồng xây dựng vì bảo lãnh không đúng với Thư chào thầu
Pháp luật - Nghiệp vụ - Ngày đăng : 16:58, 07/02/2022
|
Vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra giải quyết vụ kiện tranh chấp hợp đồng xây dựng giữa chủ thầu Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và dịch vụ Cầu Giấy và nhà thầu Công ty Bachy Soletanche Việt Nam. Vụ tranh chấp kéo dài từ năm 2011 đến nay.
Theo đó, Công ty Cầu Giấy là chủ đầu tư Dự án Trung tâm thương mại Văn phòng căn hộ cao cấp tại 302 đường Cầu Giấy, TP. Hà Nội (Tòa nhà Discovery Complex). Ngày 23/3/2010, Công ty Cầu Giấy đã gửi hồ sơ mời thầu để lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng hạng mục tường vây cho dự án và Công ty Batchy đã được chọn giao thực hiện gói thầu này. Bên tư vấn giám sát là Công ty Tư vấn Meinhardt Việt Nam.
Ngày 23/6/2010, hai bên ký hợp đồng “tạm” và Công ty Cầu Giấy tạm ứng cho Công ty Batchy số tiền 20,4 tỷ đồng để triển khai thực hiện các công việc cho hạng mục tường vây.
Ngày 24 – 25/1/2011, hai bên thanh lý hơp đồng “tạm” và ký hợp đồng thi công xây dựng số HD-TUONGVAY/CPCG-BSV/25012011. Theo đó, hai bên thỏa thuận nhà thầu khởi công và hoàn thành hạng mục tường vây với giá trị 63 tỷ đồng. Nhà thầu hoàn trả cho chủ đầu tư số tiền tạm ứng 20,4 tỷ đồng trước đó. Chủ đầu tư phát hành Thư bảo lãnh thanh toán với giá trị 50 tỷ đồng.
Khi đi vào thực hiện hợp đồng, nhà thầu đã đưa thiết bị máy móc vào thi công. Nhưng sau đó, hai bên đã phát sinh mâu thuẫn từ Thư bảo lãnh thanh toán. Theo yêu cầu của chủ đầu tư, ngân hàng đã phát hành bảo lãnh thanh toán đối ứng vào ngày 25/2/2011. Nhà thầu cho rằng trong Thư chào thầu, chủ đầu tư đã đưa ra mẫu bảo lãnh thanh toán và thống nhất quy định trong phụ lục của hợp đồng xây dựng. Tuy nhiên, Thư bảo lãnh chủ đầu tư chuyển cho nhà thầu lại không giống mẫu nói trên.
Theo mẫu trong hồ sơ thầu, giấy bảo lãnh thanh toán có nội dung: khi chủ đầu tư vi phạm việc thanh toán theo tiến độ thi công của nhà thầu thì khi có xác nhận về khối lượng công việc hoàn thành của nhà tư vấn thì ngân hàng phát hành bảo lãnh phải thanh toán cho nhà thầu. Nhưng Thư bảo lãnh mà nhà thầu nhận được lại yêu cầu phải có sự đồng ý của chủ đầu tư thì ngân hàng mới thanh toán cho nhà thầu, không đúng với mẫu bảo lãnh trong hồ sơ thầu và hợp đồng.
Do không thống nhất được vấn đề Thư bảo lãnh, nhà thầu và chủ đầu tư không thể tiếp tục hợp tác hoàn thành gói thầu. Chủ đầu tư đã khởi kiện từ năm 2011 đề nghị Tòa án buộc Công ty Batchy phải thanh toán số tiền tạm ứng 20,4 tỷ đồng và bồi thường thiệt hại bao gồm tiền lãi chậm trả, chi phí thuê tư vấn 5 tháng do dự án bị kéo dài thời gian, tiền lãi vốn phát sinh do mua thép bị tồn đọng trên công trường 5 tháng... Tổng cộng là 47,1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vào năm 2012, vụ việc quay lại điểm khởi đầu khi Tòa cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Quá trình giải quyết lại vụ án, nguyên đơn thay đổi, bố sung yêu cầu khởi kiện, đề nghị Tòa án buộc bị đơn phải trả số tiền 126,4 tỷ đồng.
Phía bị đơn cũng có đơn phản tố, đề nghị Tòa án buộc chủ đầu tư thanh toán giá trị công việc đã hoàn thành là 7 tỷ đồng, giá trị phát sinh ngoài hợp đồng là 2,7 tỷ đồng, chi phí máy móc, thiết bị và nhân sự… khi phải chờ bản vẽ thiết kế là 10,9 tỷ đồng, bồi thường thiệt hại do Công ty Cầu Giấy đơn phương chấm dứt hợp đồng, thiệt hại do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là 40,7 tỷ đồng. Tổng cộng, Công ty Batchy yêu cầu chủ đầu tư phải trả 224,9 tỷ đồng.
Sau khi xem xét các tình tiết, các chứng cứ có trong vụ án và thẩm tra tại phiên tòa, Tòa án phúc thẩm cho rằng hai bên chưa thống nhất việc thay đổi mẫu thanh toán tại Thư chào thầu. Như vậy, Công ty Cầu Giấy phải phát hành thư bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang, tức là không cần chữ ký xác nhận của chủ đầu tư, chỉ cần có yêu cầu của Công ty Batchy và xác nhận khối lượng của nhà tư vấn giám sát là đã được ngân hàng thanh toán.
Nhưng trong thực tế, khi chưa có ý kiến thống nhất của Nhà thầu, Công ty Cầu Giấy đã yêu cầu Ngân hàng BIDV phát hành bảo lãnh thanh toán với điều kiện thanh toán khác với đã nêu trong Thư chào thầu, dẫn đến việc nhà thầu đã không chấp nhận nội dung Bảo lãnh đối ứng. Tòa án xác định không có cơ sở xác định Công ty BC đã vi phạm Hợp đồng và xác định Công ty Cầu Giấy đã vi phạm nghĩa vụ thu xếp tài chính của chủ đầu tư.
Khi không nhất trí với Thư bảo lãnh, Công ty Batchy đã tạm ngừng công việc. Kể từ ngày Công ty Batchy có thông báo từ ngày 24/2/2011 đến ngày 2/3/2011 mới là 6 ngày, vi phạm thời gian báo trước 7 ngày theo quy định tại Hợp đồng.
Từ đó, Tòa án xác định cả chủ đầu tư và nhà thầu đều có lỗi trong việc không tiếp tục thực hiện hợp đồng. Đối với yêu cầu của cả 2 bên, Tòa án chấp nhận một số yêu cầu và bác các yêu cầu còn lại. Đối với chủ đầu tư, Tòa án chấp nhận yêu cầu đòi tạm ứng cũ và lãi chậm trả, chấp nhận chi phí phát sinh mà chủ đầu tư phải trả cho đơn vị tư vấn, một số các khoản thiệt hại khác. Về yêu cầu phản tố của bị đơn, Tòa án chấp nhận phần giá trị công việc đã hoàn thành là 9,7 tỷ đồng, chấp nhận chi phí nhân sự và máy móc khi phải chờ thiết kế, chi phí thuê xe cẩu do bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời…
Sau khi đánh giá lỗi của các bên và đối trừ các khoản, Tòa án xác định Công ty Batchy còn phải thanh toán cho Công ty Cầu Giấy số tiền 12,5 tỷ đồng.