Tác động của tín dụng chính sách xã hội đến mục tiêu giảm nghèo tại Việt Nam
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 10:12, 08/02/2022
Tóm tắt: Vấn đề nghèo đói vẫn tồn tại như một thách thức lớn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia và toàn thế giới. Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy ảnh hưởng tới những tiến bộ mà thế giới đạt được trong hàng chục năm qua trong lĩnh vực này. Chính vì vậy, giảm nghèo đói và chống nghèo đói luôn là trọng tâm hàng đầu trong chính sách của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, tín dụng chính sách xã hội là một trong những “trụ cột” của hệ thống chính sách giảm nghèo. Tuy nhiên quá trình thực hiện chính sách này vẫn phát sinh một số tồn tại, hạn chế. Bài viết có mục tiêu đánh giá tác động của tín dụng chính sách xã hội đối với công tác giảm nghèo để qua đó đề xuất một số khuyến nghị nhằm gia tăng hiệu quả của công tác này.
Impacts of social policy credit on poverty reduction in Vietnam
Abstract: Poverty still exists as a big challenge for the development of each country and the whole world. In addition, the COVID-19 pandemic has caused an unprecedented crisis affecting the progress the world has made over the past decades in this area. Therefore, poverty reduction and anti-poverty have always been top priority policies of many countries. In Vietnam, social policy credit is one of the “pillars” of the poverty reduction policy system. However, the process of implementing this policy still has some shortcomings and limitations. The article aims to assess impacts of social policy credit on poverty reduction, thereby proposing some recommendations to increase effectiveness of this work.
1. Đặt vấn đề
Thế kỷ 21 đánh dấu bằng những thành tựu vượt bậc trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là khoa học công nghệ, tuy nhiên vấn đề nghèo đói vẫn tồn tại như một thách thức lớn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Báo cáo từ Cơ quan Các vấn đề kinh tế xã hội (UNDESA) của Liên hợp quốc (LHQ) ước tính khoảng 71 triệu người trên thế giới bị đẩy trở lại tình trạng đói nghèo cùng cực trong năm 2020. Tổ chức Oxfam đã dẫn nghiên cứu của Đại học King (Anh) và Đại học Quốc gia Australia ước tính, đại dịch COVID-19 sẽ khiến nửa tỷ người (khoảng 8% dân số thế giới) lâm vào cảnh nghèo đói. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện có khoảng hơn 2 tỷ người trên thế giới cần có thu nhập hằng ngày để tồn tại, tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp gia tăng tại nhiều khu vực trên thế giới do ảnh hưởng COVID-19 khiến cho vấn đề nghèo đói càng trở nên trầm trọng hơn.
Theo kịch bản xấu nhất mà Oxfam đưa ra, nếu mất 20% thu nhập thì số người phải sống trong cảnh nghèo cùng cực sẽ tăng từ 434 triệu người lên 922 triệu người trên thế giới. Có thể nói, đói nghèo là một trong những rào cản lớn làm giảm khả năng phát triển con người, mỗi quốc gia cũng như toàn thế giới. Chính vì vậy mà giảm và chống nghèo đói luôn là trọng tâm hàng đầu trong chính sách của các quốc gia.
Tại Việt Nam, tín dụng chính sách xã hội là một trong những “trụ cột” của hệ thống chính sách giảm nghèo ở Việt Nam. Dòng vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần quan trọng cùng các dòng vốn đầu tư của Nhà nước và khu vực tư nhân giúp Việt Nam hoàn thành Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói vào năm 2002, sớm hơn 13 năm so với mục tiêu đặt ra. Điều này đã đưa Việt Nam từ một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp thành một quốc gia có thu nhập trung bình từ năm 2010 trong đó quy mô GDP tăng gấp 2,4 lần từ 116 tỷ USD năm 2010 lên 268,4 tỷ USD năm 2020 và GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên 2.750 USD năm 2020. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách tín dụng cho công tác giảm nghèo bền vững ở Việt Nam vẫn phát sinh một số tồn tại, hạn chế do đó việc đánh giá tác động của tín dụng chính sách xã hội đối với công tác giảm nghèo nhằm đề xuất một số khuyến nghị gia tăng hiệu quả của công tác này là cần thiết.
2. Một số khái niệm về đói nghèo và tín dụng chính sách xã hội
Đói nghèo là một khái niệm tương đối phản ánh tình trạng một nhóm người trong xã hội không có được một mức thụ hưởng tối thiểu theo những tiêu chí nhất định nào đó, trong khi những người còn lại có cuộc sống sung túc hơn. Sở dĩ nói đói nghèo là một khái niệm tương đối là vì phụ thuộc vào mức sống của mỗi quốc gia và mỗi giai đoạn phát triển. Tuy nhiên có thể hiểu khái niệm đói nghèo bao hàm các khía cạnh cụ thể là (i) Sự khốn khó về vật chất được đo lường theo một tiêu chí thích hợp về thu nhập hoặc tiêu dùng; (ii) Sự thiếu thốn về giáo dục và y tế; (iii) Nguy cơ dễ bị tổn thương hoặc dễ gặp rủi ro tức là khả năng bị rơi vào cảnh đói nghèo về thu nhập hoặc sức khỏe; (iv) Tình trạng không có tiếng nói và các quyền cơ bản.
Việc đo lường mức độ đói nghèo có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau. Cụ thể như tại Việt Nam, Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho mỗi giai đoạn 5 năm trên cơ sở công bố chuẩn nghèo để đo lường sự thay đổi của tình trạng nghèo trong giai đoạn tương ứng. Từ năm 2015 trở về trước, Việt Nam vẫn sử dụng phương pháp đo lường nghèo đơn chiều theo chuẩn nghèo thu nhập. Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổng cục Thống kê (TCTK) cũng ước lượng tỷ lệ nghèo theo chuẩn nghèo chi tiêu bình quân. Để chuyển đổi chính sách giảm nghèo theo hướng bền vững trong bối cảnh đổi mới mô hình tăng trưởng, năm 2014, Quốc hội đã quyết định giao Chính phủ xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để thực hiện từ năm 2016. Trên cơ sở đó, vào năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã thông qua phương pháp tiếp cận đa chiều để đo lường nghèo đói. Theo đó, nghèo đa chiều được đo lường bằng mức độ thiếu hụt tiếp cận 5 dịch vụ xã hội cơ bản, bao gồm: y tế; giáo dục; nhà ở; nước sạch và vệ sinh; thông tin, và được đo bằng 10 chỉ số. Hộ được coi là nghèo đa chiều nếu thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt (trên tổng số 10 chỉ số nói trên) trở lên.
Tín dụng chính sách xã hội là hình thức tín dụng đặc biệt dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách, là việc Nhà nước tổ chức huy động các nguồn lực tài chính để cho vay ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách nhằm tạo việc làm, cải thiện đời sống, hạn chế tình trạng đói, nghèo cho nhóm đối tượng này. Tín dụng chính sách xã hội có những đặc trưng cơ bản sau đây:
Thứ nhất, đây là kênh tín dụng không vì mục tiêu lợi nhuận. Mục tiêu của tín dụng chính sách xã hội là nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu xóa đói – giảm nghèo, ổn định kinh tế - chính trị và bảo đảm an sinh xã hội.
Thứ hai, đối tượng vay vốn tín dụng chính sách xã hội là người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo chỉ định của Chính phủ.
Thứ ba, nguồn vốn để cho vay chủ yếu là từ nguồn ngân sách nhà nước.
Thứ tư, các điều kiện cho vay là ưu đãi như về lãi suất cho vay, điều kiện vay vốn (ví dụ như hầu hết các chương trình cho vay không phải thế chấp tài sản), thủ tục cho vay…
3. Thực trạng triển khai tín dụng chính sách xã hội tại Việt Nam
Đảng và Nhà nước luôn xác định giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế quốc gia. Mục tiêu, nhiệm vụ này được thể hiện rõ trong các văn kiện của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, các chiến lược, kế hoạch, đề án, chương trình của Chính phủ. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở Trung ương và địa phương để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo.
Trong những năm qua, hệ thống chính sách tín dụng ưu đãi không ngừng được hoàn thiện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế chính sách đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tạo sự đồng bộ, phù hợp với mục tiêu đặt ra cụ thể như sau:
+ Chương trình tín dụng hộ nghèo
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 về tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác và một số văn bản sửa đổi bổ sung quy định này với mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo là 100 triệu đồng/hộ và không phải đảm bảo tiền vay. Thời hạn cho vay được quy định căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay và thời hạn thu hồi vốn của chương trình, dự án có tính đến khả năng trả nợ của người vay. Về lãi suất cho vay ưu đãi do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ theo đề nghị của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), thống nhất một mức trong phạm vi cả nước, trừ một số tổ chức kinh tế.
+ Chương trình tín dụng hộ cận nghèo
Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/2/2013 về tín dụng đối với hộ cận nghèo: theo đó mức cho vay đối với hộ cận nghèo do NHCSXH và hộ cận nghèo thỏa thuận, nhưng không vượt quá mức cho vay tối đa phục vụ hộ sản xuất kinh doanh áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ. Lãi suất cho vay bằng 130% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Thời hạn cho vay thỏa thuận với hộ cận nghèo phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng. Mỗi hộ có thể vay tối đa 30 triệu đồng. Điều kiện, hồ sơ, thủ tục và quy trình cho vay đối với hộ cận nghèo được thực hiện như đối với cho vay hộ nghèo.
+ Chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo
Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 và Quyết định số 2/2021/QĐ-TTg sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Hiện nay mức cho vay tối đa của chương trình hộ mới thoát nghèo là 100 triệu đồng/hộ, lãi suất cho vay 8,25%/năm. Thời hạn cho vay do NHCSXH và hộ vay thỏa thuận trên cơ sở sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng nhưng tối đa không quá 5 năm.
+ Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn
Mục tiêu của chương trình nhằm tạo cơ chế tín dụng để thực hiện Chiến lược Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định số 104/2000/QÐ-TTg ngày 25/8/2000 của Chính phủ. Hộ dân được vay vốn NHCSXH để đầu tư các loại dự án cấp nước sạch và các dự án vệ sinh môi trường nông thôn bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia, gồm: hố xí hoặc hố xí kèm bể biogas, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; xử lý nước thải, rác thải khu vực làng nghề nông thôn.
+ Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm
Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Theo đó, mức cho vay tối đa đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh được nâng lên đến 2 tỷ đồng/dự án và 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Người lao động cũng được nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng/người. Việc nâng mức cho vay là phù hợp với thực tiễn, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng và là một giải pháp hiệu quả góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”. Ngoài ra, thời hạn cho vay cũng tăng lên 120 tháng đáp ứng được nhu cầu vay vốn để đầu tư vào các mục đích có thời gian thu hồi vốn dài trên 5 năm.
+ Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Chương trình tín dụng đối với học sinh sinh viên (HSSV) được Chính phủ phê duyệt lần đầu tiên tại Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007, với mục tiêu sử dụng nguồn lực của Nhà nước để cung cấp tín dụng ưu đãi cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm không để HSSV nào phải bỏ học vì khó khăn về kinh tế. Năm 2019, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1656/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 điều chỉnh mức vay đối với HSSV từ mức 1,5 triệu/tháng/HSSV lên mức 2,5 triệu/tháng/HSSV, mức này có thể đáp ứng được 50% nhu cầu của HSSV.
+ Chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở
Chính phủ ban hành Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2). Mục tiêu của Quyết định này là thực hiện hỗ trợ nhà ở cho khoảng 311.000 hộ nghèo khu vực nông thôn, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
+ Chương trình cho vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ Quốc gia về việc làm. Theo chương trình này, mức cho vay tối đa bằng 100% chi phí đi lại làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động đã ký kết. Đối tượng thụ hưởng chính sách này là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo; lao động là thân nhân của người có công với cách mạng; lao động là người dân tộc thiểu số, người lao động bị thu hồi đất và người lao động thuộc huyện nghèo.
+ Chương trình cho vay nhà ở xã hội
Ngày 1/4/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Theo quy định này thì thời hạn vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên trong khi trước đây Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định thời hạn vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.
Thông qua các chính sách tín dụng xã hội mà Quốc hội và Chính phủ đã bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực toàn xã hội để hướng tới mục tiêu giảm nghèo. Ví dụ, chỉ tính riêng nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là hơn 93.000 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước trong đó tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tính đến giữa năm 2020, kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của ngành Ngân hàng đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới với tổng dư nợ đạt 2.107.318 tỷ đồng, tăng gấp 1,11 lần so với thời điểm cuối năm 2016, với tham gia của 83 tổ chức tín dụng, 1.182 quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vi mô.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp trên 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 1,3 triệu lao động, gần 350 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng hơn 7,4 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh. Người nghèo, người dân tộc thiểu số và những đối tượng yếu thế có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) bằng nguồn từ ngân sách nhà nước. Đến hết năm 2019, cả nước có 85,39 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 44,81% so với năm 2012, chiếm 90,0% dân số và năm 2020 đạt 90,7%. Số đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua BHYT toàn bộ chiếm 36%, được hỗ trợ một phần chiếm 18%; đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình đạt 15,7 triệu người. Giai đoạn 2011-2015 nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ được 531.000 hộ nghèo và giai đoạn 2016-2020 hỗ trợ khoảng 144.000 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được sử dụng để xây dựng, sửa chữa 323.229 căn nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 80,5% năm 2012 lên 85% năm 2015 và đạt 90% vào năm 2020.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả. Nếu như năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam là 58,1% thì đến năm 2015 đã giảm còn 9,88%; năm 2019 giảm tiếp xuống còn 3,75% và năm 2020 còn khoảng 2,75%.
Như vậy, sau 5 năm tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn 27,85%, bình quân giảm 5,65%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm bình quân 4%/năm, tính tới cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân các huyện nghèo còn khoảng 24%. Tính theo huyện thì có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn đạt 12,5%, 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn, khoảng 32 huyện thoát khỏi huyện nghèo, đạt chỉ tiêu đề ra. Tính theo xã thì có 95/292 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đạt tỷ lệ 32,5% (vượt 2,5%). 1.298/3.973 thôn đặc biệt khó khăn (chiếm tỷ lệ 32,67%), 125/2.193 xã đặc biệt khó khăn (chiếm tỷ lệ 5,69%) đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 là thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, tương ứng với mục tiêu đề ra của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (20-30% số thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn).
4. Tác động của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
Những kết quả đạt được
Việc áp dụng triển khai các biện pháp tín dụng chính sách xã hội đã đem lại những kết quả tích cực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của Việt Nam trên nhiều phương diện khác nhau.
Hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội
Việc cho vay thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi đã bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, phù hợp với sự phát triển của từng vùng, miền. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy đáng kể việc hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới nói riêng và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã huy động được nhiều nguồn lực tài chính để cho vay các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn phát triển sản xuất kinh doanh, làm kinh tế hộ gia đình. Nguồn tín dụng chính sách chủ yếu tập trung vào các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực Chính phủ ưu tiên phát triển. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp cho các hộ gia đình ổn định sản xuất, tăng sản phẩm, tăng thu nhập, thay đổi cách thức sản xuất kinh doanh, từng bước ổn định cuộc sống; hỗ trợ được các nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt và cải thiện đời sống.
Ổn định hệ thống chính trị tại cơ sở
Tín dụng chính sách xã hội trong những năm qua đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội giúp nhân dân bám đất, bám làng đồng thời giúp chính quyền cơ sở hoạch định, định hướng phát triển kinh tế cho địa phương, có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại cơ sở.
Hình thức tín dụng chính sách xã hội với phương thức cho vay chủ yếu ủy thác thông qua tổ chức chính trị – xã hội (chiếm 99,8%) đã tạo điều kiện tập hợp củng cố, phát triển đoàn viên, hội viên; gắn kết cộng đồng dân cư. Do đó công tác tuyên truyền, vận động cũng hiệu quả hơn, hoạt động đoàn, hội đã thu hút nhiều hơn sự quan tâm của người dân góp phần củng cố vững chắc hệ thống chính trị, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.
Góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh
Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong những năm qua đã khẳng định tín dụng chính sách là một giải pháp hữu hiệu góp phần thực hiện thành công các mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước như giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Với việc triển khai đến 100% thôn, xóm, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các vùng nông thôn, đẩy lùi nạn tín dụng đen. Bên cạnh đó, hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ để thực tập làm ăn, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội.
Một số hạn chế và nguyên nhân
Trong thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự triển khai có hiệu quả của các cấp, các ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội, tuy nhiên quá trình hoạt động cũng còn một số khó khăn, hạn chế, cụ thể như sau:
- Nguồn vốn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách nhất là nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Tăng trưởng tín dụng hàng năm chủ yếu từ nguồn vốn của Trung ương.
- Chất lượng tín dụng một số nơi còn thấp, nợ quá hạn cao. Một số hộ sau khi vay vốn bỏ đi khỏi địa phương không xác định được thông tin hoặc địa chỉ, gây khó khăn trong công tác thu hồi, xử lý nợ. Tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo được áp dụng cho các hộ gia đình ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo trong vòng 3 năm chưa đủ đảm bảo thời gian để các hộ gia đình có điều kiện thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, tại một số địa phương thì công tác phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc sử dụng vốn của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội còn hạn chế dẫn đến một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, chưa thoát nghèo bền vững.
- Mức cho vay của một số chương trình tín dụng chính sách xã hội chưa hoàn toàn phù hợp dẫn tới người đi vay không đủ nguồn lực thực hiện mục đích đi vay. Ví dụ như chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hiện nay có mức cho vay tối đa 10 triệu đồng/công trình là chưa phù hợp. Do giá cả nguyên vật liệu, nhân công ngày càng cao nên mức cho vay này chưa đáp ứng chi phí cần thiết để hộ dân xây dựng công trình đảm bảo quy mô, chất lượng; nhất là các công trình xây dựng chuồng trại gia súc, xử lý nước thải, rác thải khu vực làng nghề nông thôn. Ngoài ra, đối tượng cho vay còn chưa bao gồm hộ gia đình, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thu nhập trung bình cư trú tại khu vực đô thị như thị trấn, hoặc các nhà đầu tư xây dựng công trình đầu mối cấp nước sạch, xử lý môi trường tập trung trên địa bàn nông thôn.
Những hạn chế trong việc triển khai các biện pháp tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ một số nguyên nhân, cụ thể như sau:
- Nguồn ngân sách của tỉnh, các huyện và thành phố còn hạn chế, nguồn thu thấp, chi ngân sách ở nhiều tỉnh cơ bản vẫn phải cấp bù từ ngân sách trung ương.
- Một bộ phận người vay nhất là hộ nghèo có trình độ và năng lực sản xuất, kinh doanh hạn chế, thường xuyên chịu tác động của thời tiết, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… dẫn đến sản xuất, kinh doanh chưa hiệu quả, khó có khả năng trả nợ ngân hàng, phát sinh nợ quá hạn, nguy cơ tái nghèo. Thêm vào đó là việc một số Hội nhận ủy thác cấp xã chưa thực hiện tốt các nội dung ủy thác, chưa tích cực, sâu sát cơ sở dẫn tới không phát hiện kịp thời việc sử dụng vốn vay kém hiệu quả gây nên rủi ro nợ xấu.
- Thiếu sự phối hợp chỉ đạo của các ngành, các cấp trong việc lồng ghép các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động chuyển giao công nghệ, huấn luyện, đào tạo nghề, tiêu thụ sản phẩm với hoạt động tín dụng chính sách để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Một số chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội, quản lý nguồn vốn để giải quyết những tồn tại trong hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.
Một số khuyến nghị
Có thể nói, tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được khẳng định là công cụ kinh tế hữu hiệu của Nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều nhanh, bền vững; góp phần tích cực thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia về: giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trên cả nước. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội phát triển theo hướng ổn định, bền vững sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Để đạt được mục tiêu này, nên cân nhắc một số biện pháp cụ thể như sau:
- Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Để thực hiện được việc này, cần tiếp tục làm tốt phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách một cách hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tiễn, tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương để ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Mô hình này trong thời gian qua đã thể hiện được tính hiệu quả qua việc góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại các địa phương.
- Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, trong đó đặc biệt coi trọng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Cụ thể, nên rà soát bảo đảm cho vay đúng đối tượng, giải ngân kịp thời, không để sót đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện vay, có nhu cầu vay vốn nhưng không tiếp cận được nguồn vốn vay; đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý nợ và xử lý nợ rủi ro theo quy định; tập trung phân tích, đánh giá và đề ra các giải pháp cụ thể xử lý thu hồi nợ quá hạn, nợ bị chiếm dụng, lãi tồn đọng, có các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn nợ xấu phát sinh.
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Để thực hiện mục tiêu này cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ, năng lực đối với đội ngũ cán bộ, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Ngoài ra, cũng cần thực hiện công khai về các thông tin, các chủ trương chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đầu tư có hiệu quả và trách nhiệm trong việc hoàn trả vốn vay.
- Tăng cường công tác truyền thông về tín dụng chính sách, đặc biệt những chính sách tín dụng mới đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân biết để thực hiện và giám sát thực hiện trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của “tín dụng đen” cũng như nắm bắt, phản ánh kịp thời thực trạng “tín dụng đen” trên địa bàn để cùng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác truyền thông nhằm truyền tải thông tin chính xác, kịp thời và thuận lợi nhất tới các đối tượng chính sách giúp họ dễ dàng tiếp cận tới nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững cho Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban chấp hành Trung ương. 2012. Nghị quyết số 15-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020.
2. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. 2015. Đề án tổng thể Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều dựa vào thu nhập sang đa chiều, áp dụng trong giai đoạn 2016-2020.
3. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. 2018. Báo cáo nghèo đa chiều ở Việt Nam: Giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh để đảm bảo cuộc sống chất lượng cho mọi người
4. Quốc hội. 2014. Nghị quyết số 76/2014/QH13: Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.
5. Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia. 2014. Hướng tiếp cận mới trong đánh giá đói nghèo ở Việt Nam. Tài liệu Viện Kinh tế Việt Nam.
6. UNICEF (2018), Hoàn thiện đo lường Nghèo đa chiều trẻ em ở Việt Nam, Báo cáo nghiên cứu
7. World Bank (2018). Climbing the Ladder: Poverty Reduction and Shared Prosperity in Vietnam
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 13 năm 2021