VinaCapital: Cổ phiếu ngân hàng và bất động sản sẽ hưởng lợi trong năm 2022

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 11:04, 09/02/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong các lĩnh vực sẽ hưởng lợi trong năm 2022, chúng tôi đặc biệt đánh giá cao triển vọng của cổ phiếu ngành Ngân hàng (chiếm đến 30% VN-Index), bất động sản (chiếm 23%) và hàng tiêu dùng không thiết yếu (chiếm khoảng 3%).

Kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực và sự hồi phục trong nhiều lĩnh vực. Với triển vọng tăng trưởng GDP từ 7-7,5%, thậm chí có thể vượt trên 7,5%; bất động sản/nhà ở - lĩnh vực ưa thích hàng đầu của các nhà đầu tư Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền mạnh mẽ trong năm nay.

Triển vọng kinh tế tươi sáng cũng sẽ mang đến cho thị trường chứng khoán (TTCK) một năm tích cực, tiếp nối đà tăng 36% của VN-Index trong năm 2021. Mức tăng mạnh của VN-Index trong năm ngoái là nhờ đóng góp từ tăng trưởng lợi nhuận gần 35% của các cổ phiếu niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (TP HCM) và sự “bùng nổ” của nhà đầu tư cá nhân với số lượng tài khoản giao dịch tăng đến 60%.

Chúng tôi kỳ vọng ngày càng nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia vào TTCK trong những năm tới. Trong 18 tháng qua, số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán mở mới rất lớn tuy nhiên tỷ lệ người Việt Nam đầu tư trên thị trường vẫn là con số khiêm tốn so với quy mô dân số. Nếu Việt Nam đi theo quỹ đạo tương tự như Đài Loan (đây là khả năng rất cao), số lượng nhà đầu tư chứng khoán có thể sẽ tăng gấp ba lần trong mười năm tiếp theo.

VinaCapital kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ đạt mức 26% trong năm nay, mặc dù đã đạt con số ấn tượng trong năm ngoái. Chúng tôi cho rằng các TTCK được thúc đẩy bởi tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ bền vững hơn so với những thị trường được dẫn dắt bởi chỉ số P/E.

Hiện tại, nhà đầu tư cá nhân đang chiếm khoảng 90% khối lượng giao dịch hàng ngày trên TTCK, tuy nhiên theo quan sát, số đông dường như chỉ tập trung đầu tư ngắn hạn. Trong khi đó, các công ty quản lý quỹ chủ động với phương pháp đầu tư chuyên nghiệp và linh hoạt, có thể phân tích được chu kỳ của các ngành, cổ phiếu và dự đoán được mức tăng trưởng lợi nhuận của từng công ty đã đạt được mức sinh lợi vượt trội. Cụ thể, lợi nhuận của quỹ VCG Partners Vietnam Fund (VVF) của VinaCapital thậm chí còn cao hơn 12 điểm % so với mức tăng trưởng của VN-Index trong năm 2021.

Chiến lược đầu tư của VinaCapital vẫn là xác định các cổ phiếu và lĩnh vực được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế của Việt Nam, bao gồm ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu, tài chính và bất động sản. Ngoài ra, vì các động lực tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì nguyên vẹn bất chấp COVID-19, chúng tôi cũng quan tâm các cổ phiếu và các ngành được hưởng lợi từ dòng vốn FDI, phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và số hóa.

Trong các lĩnh vực sẽ hưởng lợi trong năm 2022 (được tổng hợp trong bảng bên dưới), chúng tôi đặc biệt đánh giá cao triển vọng của cổ phiếu ngành ngân hàng (chiếm đến 30% VN-Index), bất động sản (chiếm 23%) và hàng tiêu dùng không thiết yếu (chiếm khoảng 3%).

 

Năm 2022, đối với nhóm ngành ngân hàng, lợi nhuận của các ngân hàng có thể sẽ tăng khoảng 30% nhờ tăng trưởng tín dụng ước đạt 14% và sẽ ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19 hơn. Cụ thể, các vấn đề về chất lượng tài sản sẽ ít ảnh hưởng đến lợi nhuận và các ngân hàng (nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước) sẽ không phải tiếp tục hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế, chẳng hạn như sẽ không tiếp tục cho vay với lãi suất ưu đãi trong năm nay.

Cụ thể, lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam sẽ được hỗ trợ bởi: 1) cơ cấu khoản vay được cải thiện với nhiều đối tượng vay là cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ hơn, và 2) chi phí vốn thấp hơn, nhờ huy động được nhiều hơn từ các tài khoản tiết kiệm vãng lai chi phí thấp.

Ngoài ra, các biện pháp giãn nợ của Chính phủ sẽ hỗ trợ các ngân hàng bù đắp các khoản lỗ cho vay vì COVID-19 trong hơn 3 năm và giúp cải thiện lợi nhuận của các ngân hàng ngay trong năm nay. Tuy nhiên, không cần quá quan tâm đến các vấn đề chất lượng tài sản.

Chúng tôi ước tính rằng hơn 1/3 tổn thất khi cho vay mà các ngân hàng có thể phải hứng chịu do ảnh hưởng của COVID-19 đã được trích lập dự phòng và đa số các khoản vay đều được thế chấp bằng bất động sản và giá bất động sản đã liên tục tăng trong hai năm qua.

Mặc dù lạc quan về triển vọng chung của ngành nhưng tăng trưởng lợi nhuận của từng ngân hàng sẽ có mức dao động từ khoảng 6 - 50%, do có sự khác biệt lớn trong tăng trưởng tín dụng của từng đơn vị vì Ngân hàng Nhà nước sẽ phân bổ hạn ngạch dựa trên chất lượng tài sản – vốn có sự chênh lệch giữa các ngân hàng Việt Nam, theo đó, mức tăng trưởng tín dụng trung bình có thể đạt 14% trong năm nay. Ngoài ra, có nhiều yếu tố đặc trưng có thể ảnh hưởng đến cả lợi nhuận và giá cổ phiếu của các ngân hàng, bao gồm các giao dịch bancassurance với các công ty bảo hiểm nước ngoài (thường phát sinh các khoản trả trước khá lớn) và các câu chuyện về tài trợ quay vòng /tái cơ cấu.

Đối với ngành bất động sản, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của các công ty trong lĩnh vực này sẽ tăng khoảng 25% trong năm 2022, nhờ doanh số bán/đặt mua các căn hộ mới sẽ tăng gần gấp đôi sau khi đã giảm hơn 50% trong năm 2021 do ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách xã hội nhằm phòng chống COVID-19, và vấn đề pháp lý/quy định có liên quan đang được sửa đổi. Ngoài ra, lợi nhuận của các công ty có doanh thu định kỳ (ví dụ: công ty môi giới bất động sản và chủ sở hữu/công ty vận hành các trung tâm mua sắm) cũng sẽ tăng trong năm nay.

Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn duy trì ở mức thấp, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục lựa chọn kênh bất động sản để rót tiền. Giá căn hộ ở Hà Nội và TP HCM đã tăng khoảng 10% trong năm 2021, đồng thời nhu cầu mua nhà để ở hoặc đầu tư bị dồn nén trong thời gian qua sẽ dẫn đến sự gia tăng về số lượng đặt mua trước các dự án mới và dĩ nhiên giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022.

Một ngành khác cũng hưởng lợi trực tiếp từ phục hồi kinh tế nội địa là lĩnh vực tiêu dùng. Chi tiêu của người dân Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh năm 2022. Chúng tôi cho rằng đại dịch đã thúc đẩy xu hướng mua sắm thông qua kênh bán lẻ hiện đại và sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, do thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, một số người đã chuyển qua mua các sản phẩm rẻ hơn, do đó doanh số của một số mặt hàng không thiết yếu hoặc phân khúc cao cấp sẽ khó phục hồi về mức trước COVID-19 trong năm nay.

Tóm lại, mặc dù TTCK Việt Nam đã tăng đến 36% nhưng đã có sự phân hóa khá cao giữa các ngành và cổ phiếu trong năm vừa qua. Năm 2022, chúng tôi cho rằng sẽ có những nhà đầu tư cá nhân tiếp tục gặt hái được thắng lợi trên TTCK, tuy nhiên cũng sẽ có nhiều trường hợp bị thiệt hại nếu không trang bị đủ kiến thức về đầu tư, tài chính và hiểu biết về xu hướng phát triển của các lĩnh vực trong nền kinh tế.

Năm 2021, các quỹ mở nội địa do VinaCapital quản lý đã mang đến cho nhà đầu tư mức lợi nhuận vượt trội so với chỉ số tham chiếu VN-Index, tiêu biểu như Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF) đã năm thứ hai liên tiếp dẫn đầu thị trường, mang lại lợi nhuận 67,0% cho nhà đầu tư, quỹ VEOF chiếm vị trí thứ hai với lợi nhuận 56,5%. Trong khi đó, VN-Index đại diện cho TTCK Việt Nam - được đánh giá là một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất thế giới năm 2021. Đó là lý do các nhà đầu tư ít kinh nghiệm nên chọn các sản phẩm tài chính như quỹ mở được quản lý chủ động của các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp như VinaCapital để đa dạng hóa danh mục nhằm kiểm soát rủi ro và đạt được hiệu suất lợi nhuận cao hơn. 

(*) Chuyên gia Kinh tế trưởng của Tập đoàn VinaCapital

Michael Kokalari (*)