Tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế xã hội

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 13:29, 09/02/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ đề ra 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm nhằm phục hồi và phát triển kinh tế xã hội cũng như thực hiện tốt công tác phòng chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân. Trong đó, nhóm giải pháp về hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là nhóm giải pháp sử dụng các công cụ tài chính tiền tệ: thuế, tín dụng và lãi suất... nhằm giúp phục hồi, phát triển hoạt động sản xuát kinh doanh.

Việc sử dụng nhóm giải pháp này nhằm đạt được mục tiêu đề ra là phù hợp, hợp lý và khoa học, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa bảo đảm sử dụng tối đa nguồn lực, đồng thời phù hợp với cơ chế thị trường:

Thứ nhất, thực hiện các giải pháp về miễn giảm thuế, phí, lệ phí và hỗ trợ lãi suất sẽ trực tiếp góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh tiết giảm chi phí, qua đó giảm giá thành, từ đó tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì, phục hồi và tăng trưởng nhanh, sớm trở lại trạng thái hoạt động bình thường như trước dịch để phát triển.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua cơ chế Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất phù hợp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt chi phí cũng như áp lực trả nợ vay và tạo dòng tiền để doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi, phát triển.

Thứ ba, việc hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh (thuộc một số ngành, lĩnh vực theo quy định của Nghị quyết) thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại là phương thức hỗ trợ hiệu quả, đảm bảo việc hỗ trợ đạt được mục tiêu và đúng đối tượng, hạn chế rủi ro và phát huy được hiệu quả sử dụng vốn nhờ việc gắn với hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại, với yêu cầu phải đảm bảo thuộc đối tượng thụ hưởng và đáp ứng được các điều kiện vay vốn, được ngân hàng thương mại chấp thuận.  

Thực tế tại TP. Hồ Chí Minh, việc hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp đã được thực hiện trong giai đoạn trước đây khi nền kinh tế gặp khó khăn do tác động của khủng hoảng và hiện nay đang được UBND TP. Hồ Chí Minh thực hiện đối với chương trình kích cầu đầu tư; phát triển công nghiệp hỗ trợ và chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn của thành phố trong suốt nhiều năm qua, hiệu quả mang lại là rất lớn, tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển một số ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển của thành phố. Đơn cử, Củ Chi là huyện ngoại thành có hoạt động sản xuất nông nghiệp phát triển với nhiều mô hình sản xuất, trang trại điển hình về trồng trọt, chăn nuôi và chế biến theo hướng đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại. Theo đó, phần lớn hộ gia đình sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực này vay vốn được hỗ trợ lãi suất, chiếm khoảng 80% tổng dư nợ tín dụng của Agribank chi nhánh Củ Chi.

Như vậy, về mặt chính sách những giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội nói chung và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh nói riêng của Chính phủ tại Nghị quyết 11/NQ-CP đã phản ánh tính đúng đắn, khoa học và hiệu quả. Tuy nhiên, kết quả thực tiễn sẽ còn phụ thuộc  nhiều vào các khâu hướng dẫn triển khai thực hiện, tổ chức thực hiện và công tác kiểm tra giám sát. Trong đó trách nhiệm thực thi và hành động quyết tâm, với tinh thần “ Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển” sẽ đảm bảo đưa Nghị quyết Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế xã hội năm 2022 đi vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả.

Nguyễn Đức Lệnh