Ngân hàng Thế giới nỗ lực cải thiện biến đổi khí hậu và phục hồi sức khỏe đại dương
Ngân hàng Xanh và Phát triển bền vững - Ngày đăng : 14:36, 11/02/2022
|
Theo bà Charlotte De Fontaubert, Trưởng nhóm Toàn cầu về Nền kinh tế Xanh tại Ngân hàng Thế giới, biến đổi khí hậu là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe đại dương trên toàn cầu và con người là một trong những nguyên nhân gây nên những thay đổi về môi trường.
Biến đổi khí hậu gây ra một số thay đổi nghiêm trọng đối với các đại dương, bao gồm nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng cao và axit hóa do hấp thụ nhiều CO2 từ khí quyển, đồng thời nồng độ oxy giảm. Các mô hình dòng chảy đại dương (hải lưu) cũng đang thay đổi đáng kể. Tất cả những yếu tố này ảnh hưởng đến sức khỏe đại dương và các loài sinh vật biển. Ví dụ, các rạn san hô là hệ sinh thái quan trọng đối với môi trường biển, đang bị đe dọa bởi bộ ba axit hóa, nhiệt độ nước biển tăng và mực nước biển dâng. Trong đó, axit hóa là một vấn đề đáng lưu ý vì nó phá vỡ quá trình hấp thụ carbon của các loài khác bao gồm cả nhuyễn thể và giáp xác. Các dòng hải lưu thay đổi đe dọa đến nguồn cá – số lượng cá được sinh ra trong một khung thời gian nhất định đến giai đoạn cá con, và tác động trực tiếp đến các cộng đồng ven biển sống phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên này. Do đó, tác động của biến đổi khí hậu đối với các đại dương là rất lớn, phức tạp và có mối tương quan sâu sắc.
Tầm quan trọng của đại dương
Các đại dương là nơi tản nhiệt lớn nhất trên hành tinh. Chúng hấp thụ 90% lượng nhiệt dư thừa do biến đổi khí hậu gây ra. Đồng thời là một bể chứa carbon hiệu quả, hấp thụ 23% lượng khí thải CO2 do con người gây ra. Các hệ sinh thái như rừng ngập mặn mọc ở các vùng ven biển nhưng có nguồn gốc từ nước biển, cũng như đầm lầy thủy triều và thảm cỏ biển lưu trữ nhiều carbon trên một đơn vị diện tích hơn là rừng.
Thế nhưng “bể chứa carbon” này đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tác động của biến đổi khí hậu. Hiện tại, con người đã nhận thức được tầm quan trọng của các chức năng sinh thái đại dương, nhưng biến đổi khí hậu đã và đang tác động đến chúng. Công bằng mà nói, chúng ta mới chỉ bắt đầu hiểu được mức độ mà biến đổi khí hậu sẽ tàn phá môi trường biển.
Cách quan trọng nhất mà đại dương góp phần vào việc thích nghi là thông qua hệ sinh thái ven biển như rừng ngập mặn, rạn san hô và thảm cỏ biển. Các khu vực ven biển đóng góp vai trò rất lớn trong việc bảo vệ các cộng đồng ven biển và cần phải được quản lý bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng xám như cầu cảng, tường chắn sóng; hoặc sử dụng cơ sở hạ tầng xanh như rừng ngập mặn, hoặc kết hợp cả hai.
Rừng ngập mặn không chỉ hỗ trợ nghề cá và đa dạng sinh học mà còn tăng cường khả năng chống chọi với các tác động của biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu mới ở Bangladesh ước tính rằng, trong một cơn lốc xoáy mạnh, rừng ngập mặn sẽ làm giảm sự gia tăng mực nước biển từ 4 đến 16,5 cm và giảm tốc độ dòng nước xuống từ 29% - 92%.
Ngân hàng Thế giới đang làm gì để khôi phục sức khỏe đại dương?
Ngân hàng Thế giới đã phát triển phương án tiếp cận Kinh tế Xanh, trong đó tập trung vào việc quản lý tổng hợp và bền vững các khu vực ven biển và biển bên trong các đại dương lành mạnh. Quỹ tín thác PROBLUE hỗ trợ các chính phủ trong nỗ lực cải thiện nghề cá, giải quyết ô nhiễm môi trường biển, quản lý tài nguyên ven biển và hạn chế tác động của các lĩnh vực chính như du lịch, hàng hải, và tái tạo năng lượng ngoài khơi đối với sức khỏe đại dương. Đây là một chương trình nghị sự quan trọng đối với ngành Ngân hàng.
|
Các đại dương đóng góp 1,5 nghìn tỷ USD hàng năm cho nền kinh tế toàn cầu và con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 3 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Năm 2021, danh mục các dự án liên quan đến đại dương của Ngân hàng Thế giới đã vượt quá 9 tỷ USD cũng như hỗ trợ các dự án từ nghề cá, bảo vệ môi trường biển và giải quyết ô nhiễm biển. Ví dụ, Ngân hàng Thế giới đang giúp các quốc gia phát triển các phương pháp tiếp cận mới, bền vững hơn đối với du lịch ven biển và hỗ trợ hơn 105 triệu ha các khu bảo tồn biển bao gồm cả những khu vực cốt lõi nơi hoạt động của con người bị hạn chế.
“Chúng tôi cũng tập trung vào việc khử carbon trong vận chuyển. Nhiều tàu chạy bằng nhiên liệu boong-ke – dạng nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất được sử dụng ngày nay. Khoảng 90% hàng hóa quốc tế được vận chuyển bằng đường biển và khối lượng vận chuyển dự kiến sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2050. Vì vậy nhu cầu khử carbon là cấp thiết.” Bà Charlotte cho biết.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là nỗ lực tập trung vào việc giảm thiểu và quản lý ô nhiễm nhựa trên biển. Nhựa là một trong những mối đe dọa khác đối với sức khỏe đại dương dễ thấy nhất. Ô nhiễm nhựa một phần do quản lý chất thải rắn kém, nhưng vấn đề này đang được giải quyết từ khâu sản xuất đến chuyển đổi sang nền “Kinh tế vòng tròn” (Circular Economy – CE).
“Vì nhiệm vụ khó khăn nên nhiều bộ phận của nhóm Ngân hàng Thế giới cần phải tham gia và còn nhiều việc phải làm. Nếu nhựa biển không được giải quyết một cách nghiêm túc, các đại dương sẽ không thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu”, bà Charlotte nói thêm.
Đại dương gần mặt nước chỉ mất vài thập kỷ để ấm lên, nhưng đại dương sâu thẳm phải mất hàng thế kỷ để làm gia tăng mực nước biển, và phục hồi sức khỏe đại dương là một thách thức to lớn. Tuy nhiên, ngân hàng không đơn độc bởi cam kết toàn cầu ngày càng tăng xung quanh nỗ lực này. Một số quốc gia đã đặt ra các mục tiêu về sức khỏe đại dương dựa trên Thỏa thuận Paris, và đang áp dụng quy hoạch không gian biển, quản trị đại dương theo phương thức tổng hợp nhằm xem xét sự phát triển của các lĩnh vực đại dương khác nhau.
Tại COP26 ở Glasgow, các nhà đàm phán đã thông qua các quy tắc mới cho thị trường carbon có thể giúp định giá tốt hơn các bể chứa carbon dưới đại dương như rừng ngập mặn và rạn san hô, đồng thời tạo động lực cho việc bảo tồn chúng.