Tất toán nợ xấu, bao giờ khách hàng được vay vốn tiếp?
Pháp luật - Nghiệp vụ - Ngày đăng : 07:30, 14/02/2022
Phóng viên: Có nhiều trường hợp khách hàng vay vốn ngân hàng, quá trình vay có chậm trễ trong việc trả nợ và sau đó đã tất toán xong khoản nợ. Hiện, khách hàng muốn tiếp tục vay vốn để mở rộng kinh doanh thì được cho biết thông tin trên CIC cho thấy khách hàng từng có nợ xấu và không được vay vốn tiếp, Luật sư có thể làm rõ hơn về vấn đề này?.
Luật sư Lại Ngọc Thanh: Chúng ta thấy trong trường hợp này có 2 vấn đề pháp lý chính yếu có liên quan đến việc vay vốn, bao gồm: (i) việc vay nợ đã phát sinh và đã được hiện xong, trong quá trình vay thì khoản vay của khách hàng có chậm thanh toán và được xếp vào nợ nhóm 3; (ii) thông tin về khoản nợ nhóm 3 đã được hiển thị trên hệ thống của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC).
Đối với vấn đề thứ nhất, việc phân loại nhóm nợ, được hiểu là việc nhận diện và phân loại mức độ rủi ro theo những tiêu chí nhất định đối với khách hàng, là một trong những hoạt động cơ bản để làm căn cứ, tiền đề cho hàng loạt các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng như: cấp tín dụng; theo dõi, quản lý khoản cấp tín dụng; trích lập dự phòng, sử dụng dự phòng rủi ro…. Việc phân loại nợ trong hoạt động ngân hàng hiện thực hiện theo quy định tại Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021 của Thông đốc Ngân hàng Nhà nước.
Đối với vấn đề thứ hai, thông tin khoản nợ đã được hiển thị trên hệ thống của CIC. Hiểu theo cách đơn giản, hệ thống của CIC được xây dựng, vận hành nhằm tạo lập hệ thống dữ liệu, số liệu, dữ kiện liên quan chung về khách hàng vay tại các tổ chức tham gia (tổ chức tự nguyện cung cấp thông tin tín dụng cho CIC, bao gồm: tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài …).
Hệ thống này một mặt để phục vụ cho công tác quản lý của Nhà nước, một mặt giúp cho tổ chức tín dụng ngăn ngừa và hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Hoạt động thông tin tín dụng của CIC hiện đang được điều chỉnh theo Thông tư số 03/2013/TT-NHNN ngày 28/1/2013 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước, và được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 27/2017/TT-NHNN ngày 31/12/2017.
Phóng viên: Ngoài 2 vấn đề trên, thì vấn đề quan trọng là nếu khách hàng đã có thông tin nợ xấu trên CIC, mặc dù đã trả nợ xong, các ngân hàng sẽ không cho vay mới có đúng hay không?
Luật sư Lại Ngọc Thanh: Điểm trước hết cần lưu ý là thông tin về nợ xấu chỉ hiển thị trong khoảng thời gian tối đa là 5 năm, kể từ ngày khách hàng tất toán khoản nợ, căn cứ theo khoản 1, Điều 11 của Thông tư số 03/2013/TT-NHNN. Hết thời hạn này, thì khách hàng được nhận diện như những khách hàng bình thường và vẫn có thể vay vốn như những trường hợp bình thường nếu đáp ứng điều kiện vay.
Phóng viên: Vậy trong thời hạn 5 năm kể từ ngày khách hàng tất toán khoản nợ, thì họ có được vay mới hay không, thưa ông?
Luật sư Lại Ngọc Thanh: Theo quy định tại Điều 7 về “Điều kiện vay vốn” và Điều 8 “Những nhu cầu vốn không được cho vay”, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thì pháp luật không có hạn chế, hay cấm đoán về vấn đề này;
Tuy nhiên theo thực tế mà tôi biết, thì tại các quy định nội bộ của các ngân hàng, gần như toàn bộ các ngân hàng đều loại trừ, không chấp nhận cho vay đối với các trường hợp này với lý do những khách hàng này thuộc nhóm đối tượng được xếp hạng tín nhiệm thấp.
Như trên tôi đã phân tích, nếu khách hàng tất toán khoản vay, sau đó 5 năm, thì khách hàng sẽ được nhận diện như những khách hàng bình thường, và có thể vay vốn như những trường hợp bình thường.
Trong thời hạn 5 năm thì tương đối khó khăn, mặc dù pháp luật không có quy định cấm, nhưng những quy định nội bộ của ngân hàng thường xếp hạng tín nhiệm đối với các khách hàng này ở mức thấp, và thường không chấp nhận cho vay đối với các trường hợp này, trừ những trường hợp đặc biệt mà ngân hàng xét duyệt, có tài sản bảo đảm tốt, giá trị lớn, tính thanh khoản cao (ví dụ: cầm cố thẻ tiết kiệm, sổ tiết kiệm để vay vốn).
Về nguyên tắc, khách hàng vẫn có thể vay vốn, nhưng theo tôi cũng chỉ là những trường hợp rất hãn hữu, đáp ứng điều kiện nghiêm ngặt về tài sản bảo đảm, và quy trình xét duyệt của từng ngân hàng.
Còn việc xóa lịch sử nợ xấu là điều không thể, không có quy định nào tại Thông tư số 03/2013/TT-NHNN cho phép thực hiện công việc này, chỉ trừ trường hợp phải điều chỉnh lại dữ liệu do có sai sót. Ngoài ra, thì chúng ta cũng đã biết, kết quả phân loại nhóm nợ xấu cũng chỉ được hiển thị trong khoảng thời gian tối đa là 5 năm, kể từ ngày khách hàng tất toán khoản nợ.
Do đó, mọi hứa hẹn, cam kết, lời chào mời, cung cấp dịch vụ xóa nợ xấu đều là những thông tin bịa đặt, không chính xác, thậm chí là lừa đảo, bám vào lòng tin cũng như tâm lý của khách hàng vay muốn nhanh chóng xử lý khoản nợ để có thể xác lập khoản vay mới tại ngân hàng. Người dân và doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng, tiền thì mất mà kết quả thì chắc chắn không thể đạt được.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Luật sư!