Những tín hiệu tích cực trong hoạt động tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 13:09, 14/02/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn sau khi dịch bệnh được kiểm soát và các hoạt động kinh tế xã hội của Thành phố trở lại bình thường, đã có xu hướng tăng trưởng tích cực.

Điều này không chỉ giúp thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết Chính phủ và chương trình phục hồi kinh tế của Thành phố mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu chính sách tiền tệ tín dụng và lãi suất của Ngân hàng trung ương trong năm 2022.

Kinh tế phục hồi và tăng trưởng

Trong 4 tháng gần đây (3 tháng cuối năm 2021 và 1tháng đầu năm 2022) tín dụng trên địa bàn duy trì tốc độ tăng trưởng liên tục, tháng sau cao hơn tháng trước. Riêng tháng 1/2022 dự ước tín dụng trên địa bàn tăng 1%  so với tháng 12/2021 và tăng 11,6% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng khi tháng 1, là tháng diễn ra Tết cổ truyền dân tộc, theo quy luật hàng năm, thường tín dụng tăng thấp. Song điều này cũng hợp lý khi các hoạt động sản xuất kinh doanh dịp Tết, cũng như sự trở lại hoạt động bình thường sau khi dịch bệnh được kiểm soát của doanh nghiệp trên địa bàn, với những tín hiệu tích cực về phục hồi và tăng trưởng của kinh tế xã hội thành phố, cũng như một số nhóm ngành lĩnh vực đã tăng trưởng trở lại và khởi động ngay sau khi kỳ nghỉ Tết.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy tác dụng

Những doanh nghiệp thuộc nhóm ngành lĩnh vực duy trì hoạt động (trong điều kiện giãn cách xã hội) và những doanh nghiệp hoạt động trở lại sau khi đại dịch được kiểm soát đã phục hồi và tăng trưởng. Ở góc độ nguồn vốn và đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, vai trò của tín dụng ngân hàng, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua  Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ đã có tác động quan trọng trong việc duy trì và tạo dòng tiền cho doanh nghiệp để phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm chi phí, nhờ đó doanh nghiệp phục hồi nhanh hoặc trở lại trạng thái sản xuất bình thường nhanh chóng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, với quy mô và mức độ khác nhau. Nhờ đó, tín dụng tăng trưởng tích cực trở lại – là các yếu tố phản ánh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của ngành ngân hàng đã và đang phát huy tác dụng.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn, tổng giá trị nợ mà ngành ngân hàng đã thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp theo cơ chế Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng, gồm cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn giảm lãi suất và cho vay mới với lãi suất thấp, đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn để duy trì, ổn định và phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian qua cũng như trong quá trình phục hồi tăng trưởng hiện nay.

Tác động tích cực trở lại đối với hoạt động tín dụng, ngân hàng

Doanh nghiệp hoạt động trở lại bình thường và phục hồi, có tác động tích cực trở lại đối với hoạt động tín dụng, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Đánh giá này phản ánh trên 2 phương diện chính sau:

Thứ nhất, khi doanh nghiệp bớt khó khăn và phục hồi, trở lại sản xuất, có sản phẩm và tiêu thụ, tạo lập dòng tiền và trả được nợ vay, một dòng tiền mới xuất hiện và quá trình chu chuyển vốn trở lại bình thường. Quan hệ tín dụng ngân hàng - doanh nghiệp trở lại bình thường và hiệu quả tín dụng được phát huy.

Thứ hai, chính sách phát huy hiệu quả. Doanh nghiệp phục hồi, nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng cũng chính là ngành ngân hàng hoàn thành tốt nhiệm vụ Chính phủ giao về hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi kinh tế, đồng thời đảm bảo được các mục tiêu chính sách tiền tệ, tín dụng. Đặc biệt, khi doanh nghiệp phục hồi, tín dụng hiệu quả, nợ xấu phát sinh thấp…, tất cả những yếu tố đó tác động tích cực đến lãi suất (cả lãi suất huy động và cho vay), bởi dòng vốn tín dụng tuần hoàn và chu chuyển hiệu quả. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện và điều hành chính sách tiền tệ năm 2022. Cơ sở khoa học và giá tri cốt lõi của chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của NHTW được khẳng định. Đây là hiệu ứng tích cực và trực tiếp tiếp đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, góp phần đạt được mục tiêu phục hồi kinh tế theo chương trình đã đề ra.

Mặc dù mới là kết quả của những tháng gần đây, song với xu hướng tích cực và kết quả bước đầu của sự phục hồi và tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh và hoat động tín dụng ngân hàng, song lại có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục tạo động lực cũng như củng cố niềm tin doanh nghiệp và toàn thể xã hội khi bước vào giai đoạn phát triển mới, giai đoạn mọi hoạt động của cuộc sống trở lại bình thường sau những khó khăn và ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch lịch sử mang tên COVID-19.

Nguyễn Đức Lệnh