Gói hỗ trợ kinh tế mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế - xã hội
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 07:00, 15/02/2022
Ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH (Nghị quyết 11) và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; trong đó xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, chi tiết của từng Bộ, cơ quan, địa phương theo lộ trình, thời gian phù hợp, đảm bảo triển khai nhanh, kịp thời Chương trình phục hồi, phát triển KT - XH 2022-2023 (chương trình).
Chương trình có quy mô ước tính khoảng 347 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 4,13% GDP năm 2021 (cao hơn các gói hỗ trợ trước đó, tương đương khoảng 4% GDP năm 2020-2021), bao gồm các biện pháp hỗ trợ chính như: giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% (49,4 nghìn tỷ đồng, ~2,1 tỷ USD); gói cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp (40 nghìn tỷ đồng, ~1,7 tỷ USD); và khoảng 135 nghìn tỷ đồng (~5,9 tỷ USD) cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo đó, bội chi ngân sách nhà nước sẽ tăng tổng cộng 240 nghìn tỷ đồng (~10,4 tỷ USD) cho giai đoạn 2022-23, trong đó, bội chi ngân sách có khả năng tăng thêm 102,8 nghìn tỷ đồng vào năm 2022 (1,1% GDP, ~4,5 tỷ USD).
Công ty CK Rồng Việt (VDSC) ước tính, trong năm 2022, một nửa gói hỗ trợ sẽ được dành để hỗ trợ nền kinh tế dưới hình thức giảm thuế và phí (51,4 nghìn tỷ đồng). Phần còn lại (51,4 nghìn tỷ đồng) sẽ được giải ngân để đầu tư cơ sở hạ tầng, gói bù lãi suất cho doanh nghiệp và hỗ trợ lãi suất/cho vay ưu đãi nhằm đảm bảo an sinh xã hội và vấn đề việc làm.
Mang lại lợi ích cho nhiều lĩnh vực, ngành nghề
Với quy mô và định hướng rõ ràng, các chuyên gia của VDSC cho rằng, gói kích cầu có thể mang lại lợi ích cho các lĩnh vực liên quan đến tiêu dùng và cơ sở hạ tầng, cụ thể:
Thứ nhất, việc giảm thuế VAT vào năm 2022 bao gồm nhiều sản phẩm và dịch vụ (ngoại trừ viễn thông, ngân hàng và tài chính, phát triển bất động sản, khai thác và luyện kim, lọc dầu và hóa dầu, trong một số các lĩnh vực khác) hơn mức giảm VAT của năm ngoái vì việc cắt giảm năm ngoái chỉ bao gồm các lĩnh vực liên quan đến du lịch như vận tải, lưu trú và dịch vụ ăn uống. Theo Bộ Tài chính, số thuế được giảm trong năm 2022 gần gấp 3 lần số thuế được cắt giảm vào năm 2021, việc cắt giảm VAT cũng có quy mô bằng 1,0% tổng giá trị hàng hóa bán lẻ trong năm 2021.
“Giảm thuế GTGT tạm thời được kỳ vọng là biện pháp hiệu quả nhất vì nó có thể được thực hiện một cách nhanh chóng và dễ dàng. Biện pháp này có thể tạo ra động lực thúc đẩy ngắn hạn cho nền kinh tế bằng cách kích thích chi tiêu của người tiêu dùng và khuyến khích người tiêu dùng mua hàng để tận dụng lợi thế của mức giá thấp hơn trong ngắn hạn”, VDCS nhận định.
Mặc dù vậy, VDSC cũng cho rằng, tác động của việc cắt giảm thuế VAT có thể bị hạn chế bởi mức độ mà các doanh nghiệp đang đẩy sự gia tăng chi phí đầu vào sang cho người tiêu dùng.
Thứ hai, một gói kích cầu trị giá 113,55 nghìn tỷ đồng (~4,9 tỷ USD) sẽ được sử dụng để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, CNTT, chuyển đổi kỹ thuật số, phòng chống sạt lở đất và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính phủ cũng trích 21,15 nghìn tỷ đồng (~0,9 tỷ USD) trong ngân sách trung ương để đầu tư phát triển hiện đại hóa hệ thống y tế, trung tâm kiểm soát dịch bệnh vùng, bệnh viện tuyến trung ương và các dự án đầu tư công khác trong giai đoạn 2022-23.
Vì hầu hết chi tiêu bổ sung cho cơ sở hạ tầng sẽ được giải ngân vào năm 2023, lợi ích của biện pháp kích thích bổ sung này sẽ chỉ được nhìn thấy vào năm tới. Tuy nhiên, áp lực giải ngân ngân sách đầu tư công năm nay vẫn rất lớn khi VDSC ước tính tổng giá trị đầu tư công năm 2022 đạt khoảng 660 nghìn tỷ đồng (~ 8,0% GDP, ~28,7 tỷ USD và tăng 53% so với năm 2021).
Tổng cục Thống kê ước tính thêm 250.000 tỷ đồng vốn cho cơ sở hạ tầng sẽ làm tăng GDP thêm 0,53 điểm phần trăm. Như vậy, với giả định tỷ lệ giải ngân là 90% vào năm 2022, VDSC ước tính giải ngân đầu tư công có thể giúp tăng thêm 1,25 điểm phần trăm vào GDP của Việt Nam trong 2022.
Còn theo báo cáo vừa được TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV công bố, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ tác động đến cả phía cung và phía cầu, góp phần khôi phục và thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất và tiêu dùng. Tại báo cáo này, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã đánh giá tác động của Chương trình phục hồi này đối với tăng trưởng và cân đối tài khóa theo 2 kịch bản:
Kịch bản 1 (KB tích cực, hiệu quả): các gói hỗ trợ được giải ngân đạt khoảng 40% năm 2022 và 50% năm 2023;
Kịch bản 2 (KB tiêu cực, giải ngân chậm): việc giải ngân chậm so với dự kiến, tỷ lệ giải ngân thấp chỉ đạt 30% năm 2022 và 40% năm 2023.
TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đánh giá, chương trình tác động đến cả phía cung và phía cầu, góp phần khôi phục và thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất và tiêu dùng. Với kịch bản 1, các gói hỗ trợ được giải ngân hiệu quả theo đúng tiến độ đề ra (tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 90% cho cả 2 năm), tăng trưởng GDP có thể đạt 6,5-7% năm 2022 và 7-7,5% năm 2023; Với kịch bản 2 (tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 70% cho cả 2 năm), tăng trưởng GDP sẽ thấp hơn khoảng 1-1,5 điểm % so với kịch bản 1, chỉ đạt khoảng 5-5,5% năm 2022 và 6% năm 2023.
Về lạm phát. TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, dù tăng chậm hơn các nước song cũng đang tiềm ẩn nguy cơ gia tăng do áp lực lạm phát toàn cầu, giá cả hàng hóa ở mức cao cùng với đà phục hồi kinh tế; độ trễ của các chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng bao gồm cả Chương trình phục hồi (cung tiền tăng thêm khoảng 1,4–1,73 điểm % mỗi năm 2022-2023, theo Kịch bản 1, là mức không nhiều so với mức tăng trưởng cung tiền bình quân 14%/năm giai đoạn 2016-2021 hay khoảng 9,5% riêng năm 2021). Dự báo lạm phát năm 2022-2023 sẽ ở mức 3,5-3,8%, được kiểm soát dưới mức mục tiêu 4%.
Cần chú trọng nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách
Dù có nhiều tác động tích cực đến kinh tế và xã hội nhưng để Chương trình phục hồi đạt mục tiêu đề ra cũng như đảm bảo thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 2022-2023 và có thể cả giai đoạn 2021-2025, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV khuyến nghị một số giải pháp như: Chính phủ cần sớm ban hành và chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình phòng chống dịch 2022-2023, với phương châm nhất quán là "sống chung an toàn với COVID", trong đó cần quan tâm, có kế hoạch tổng thể về nâng cao năng lực y tế; các bộ, ngành cần sớm ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 11. Đảm bảo thực thi hiệu quả Chương trình này, cũng như gắn kết Chương trình này với Chương trình phòng chống dịch, đề án cơ cấu lại nền kinh tế và 3 đột phá chiến lược…
Đồng thời, cần chú trọng nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Thực hiện đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm có thể huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Đặc biệt, hết sức chú trọng tạo điều kiện phục hồi, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Cần đẩy nhanh thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ; tăng tính gắn kết giữa các khối doanh nghiệp (trong nước với FDI, lớn với nhỏ); áp dụng chuẩn mực quản trị theo thông lệ đối với mọi loại hình doanh nghiệp (bao gồm cả DNNN); khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp siêu nhỏ thành công và hiệu quả; đồng thời, tạo điều kiện để xây dựng một số doanh nghiệp lớn (đầu đàn) dẫn dắt trong kiến tạo, kết nối các chuỗi giá trị; và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.