Thống nhất nhiều nội dung lớn của dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật sở hữu trí tuệ

Tin tức - Ngày đăng : 15:06, 16/02/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ cần cân nhắc quy định mức thù lao tối đa chi trả cho tác giả nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, tránh sự thông đồng giữa tác giả và tổ chức trủ trì. Đồng thời, đề nghị cơ quan thẩm tra làm rõ lý do chỉ quy định chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam mà không mở rộng cho các tổ chức nước ngoài.

Toàn cảnh phiên họp

Tiếp tục Phiên họp thứ 8, chiều ngày 15/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ trì phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật; tổ chức các buổi làm việc, khảo sát thực tế tại một số cơ quan, tổ chức có liên quan; tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật; tổ chức các cuộc họp của Thường trực Ủy ban Pháp luật với các Bộ, ngành hữu quan để trao đổi, thống nhất về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 102 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (tăng 11 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2); có 12 điều sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật; bãi bỏ một số quy định tại 05 điều. Về cơ bản, các nội dung tiếp thu, chỉnh lý đã có sự đồng thuận, nhất trí giữa Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật.

Dự thảo Luật thống nhất về phạm vi điều chỉnh, tên gọi của Luật; thống nhất giải trình, tiếp thu chỉnh lý các quy định về các nhóm vấn đề lớn trong dự thảo Luật, bao gồm 14 nội dung đối với nhóm vấn đề về quyền tác giả, quyền liên quan, 19 nội dung đối với nhóm vấn đề về sở hữu công nghiệp, 02 nội dung đối với nhóm vấn đề về quyền đối với giống cây trồng, 04 nội dung đối với nhóm vấn đề về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; thống nhất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh các nội dung lớn nêu trên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, rà soát, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Luật cả về nội dung và kỹ thuật văn bản.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật cũng đã quy định việc giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì; đồng thời xác định cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tác giả và tổ chức chủ trì nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Đối với đề nghị mở rộng giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì với một số đối tượng của quyền tác giả, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan chủ trì soạn thảo xin giữ như dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế và đặc thù của đối tượng quyền tác giả. Đối với các chương trình, phần mềm máy tính gắn liền với các thiết bị, máy móc được bảo hộ dưới dạng sáng chế, thiết kế bố trí để vận hành các thiết bị, máy móc đó thì có thể áp dụng cơ chế chuyển giao quyền sở hữu đối với sáng chế, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách nhà nước.

Để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, dự thảo Luật đã bổ sung khoản 6 vào Điều 139, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 194 theo hướng: Quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam.

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung lớn đã tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật; cho rằng dự thảo Luật đã tiếp thu tối đa, chi tiết các ý kiến đại biểu Quốc hội; các nội dung lớn của dự thảo Luật đã được hoàn thiện, cơ bản đạt được sự đồng thuận cao giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan. Các đại biểu cho rằng, đây là dự án Luật khó, chuyên môn sâu, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được Ủy ban thẩm tra và cơ quan doạn thảo tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện tác động của chính sách, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Các đại biểu cũng bày tỏ tán thành với quy định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì trên cơ sở phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì và tác giả để thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng thời, thống nhất với quy định không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ như ý kiến của Ủy ban Pháp luật.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, dự thảo Luật cũng cần cân nhắc quy định mức thù lao tối đa chi trả cho tác giả nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, tránh sự thông đồng giữa tác giả và tổ chức trủ trì. Đồng thời đề nghị cơ quan thẩm tra làm rõ lý do chỉ quy định chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam mà không mở rộng cho các tổ chức nước ngoài?

Liên quan đến quyền tác giả, quyền đối với đến quốc kỳ, quốc huy và quốc ca, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, hiện Chính phủ chưa có ý kiến chính thức về nội dung này, tại phiên thảo luận hôm nay cũng còn có ý kiến khác nhau. Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo xin ý kiến chính thức của Chính phủ bằng văn bản về vấn đề này; đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra cùng các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu và có báo cáo chính thức về vấn đề này.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị sau phiên họp hôm nay, các cơ quan tiếp tục phối hợp nghiên cứu, tiếp thu đẩy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu tại phiên họp hôm nay; tiếp thu giải trình ý kiến văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông; làm rõ tính chắc chắn của việc thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; cũng như làm rõ căn cứ việc sửa đổi bổ sung các luật có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Viện Nghiên cứu lập pháp chủ động gửi ý kiến tham gia về dự án luật này cho Ủy ban Pháp luật để các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu từ sớm để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật. Trên cơ sở đó, Ủy ban Pháp luật chủ trì gửi lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan... để hoàn chỉnh báo cáo chính thức về dự án Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua bằng văn bản trước khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 tới.

Thanh Hải