Chủ động thích ứng trong tổ chức và hoạt động của hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố

Tin tức - Ngày đăng : 15:22, 21/02/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng ngày 21/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình tổ chức, hoạt động năm 2021 và triển khai công tác năm 2022 của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị

Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh. Tham dự Hội nghị còn có các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp; cùng hơn 200 đại biểu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội, các Trưởng ban, Phó trưởng ban HĐND cấp tỉnh, lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc.

Tóm tắt Báo cáo tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực phía Bắc tại hội nghị, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, ngay sau khi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam nhưng HĐND các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Ngay sau kỳ họp thứ nhất, Thường trực HĐND cấp tỉnh đã hoàn thiện các biên bản, nghị quyết, báo cáo và hồ sơ kỳ họp thứ nhất HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê chuẩn đối với các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND. Nhiều Thường trực HĐND cấp tỉnh đã chủ động phối hợp với Ban Công tác đại biểu, Bộ Nội vụ mở các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho đại biểu HĐND địa phương.

Nhiều đổi mới rõ rệt, mang dấu ấn mạnh mẽ

Năm 2021, mặc dù tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng nền kinh tế nước ta vẫn được đánh giá là nền kinh tế phát triển ổn định, có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng năm 2021 là 2,58%. Thu ngân sách nhà nước vẫn tăng 16,4%, cao hơn mức tăng 11,3% của năm 2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt mức kỷ lục 668,5 tỷ USD. Vị thế và uy tín quốc tế của nước ta ngày càng được nâng cao. Đóng góp vào những kết quả nêu trên, có công sức, trí tuệ của HĐND các cấp, với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của Nhân dân đã có những quyết sách quan trọng đưa chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.

Báo cáo cũng cho biết, tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp có nhiều đổi mới rõ rệt, mang dấu ấn mạnh mẽ như tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách theo quy định của pháp luật; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND các cấp đều tham gia cấp ủy địa phương; chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND được chú trọng; nhiều tỉnh đã ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp”.

Hoạt động của HĐND ngày càng chủ động, thực chất trên cơ sở bám sát các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, phát huy trí tuệ của tập thể, sự đóng góp của các chuyên gia; tăng cường sự phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức hữu quan trên tất cả các mặt công tác; áp dụng công nghệ thông tin để tổ chức “kỳ họp, phiên họp không giấy” từ năm 2019, có địa phương đã chỉ đạo thực hiện tới cấp huyện như thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên,... Hoạt động giám sát của HĐND các cấp đã bảo đảm công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc, nội dung giám sát bám sát với yêu cầu thực tiễn, góp phần hoàn thiện thể chế và đưa pháp luật vào cuộc sống, củng cố và tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Ngoài kỳ họp thứ nhất tổ chức chủ yếu nhằm kiện toàn các chức danh trong bộ máy chính quyền địa phương, trong năm 2021, HĐND cấp tỉnh đã tổ chức 2 kỳ họp thường lệ và nhiều tỉnh tổ chức kỳ họp chuyên đề; quyết định các nội dung quan trọng gắn với tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và tiếp tục kiện toàn nhân sự. Trưởng Ban Công tác đại biểu ghi nhận HĐND các tỉnh, thành phố đã rất linh hoạt, sáng tạo, tùy theo thực tiễn ở từng địa phương để điều chỉnh rút ngắn thời gian kỳ họp, tổ chức kỳ họp trực tuyến hoặc tổ chức kết hợp họp trực tuyến với trực tiếp và xin ý kiến đại biểu HĐND qua văn bản. HĐND cấp tỉnh đã ban hành Nghị quyết với số lượng lớn, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra; Thường trực HĐND một số địa phương còn tham mưu để Tỉnh ủy ban hành chỉ thị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”.

Đây là minh chứng rất rõ nét cho hiệu quả hoạt động của HĐND cấp tỉnh, các nghị quyết được ban hành đã cơ bản bảo đảm theo đúng quy định theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, góp phần tích cực thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.

Tiếp tục khắc phục những bất cập và nâng cao hiệu quả hoạt động

Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, theo báo cáo từ các địa phương, hoạt động của HĐND cấp tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong công tác chuẩn bị kỳ họp, vẫn còn tình trạng gửi tài liệu dự thảo báo cáo, nghị quyết do UBND chuẩn bị đến Thường trực và các Ban của HĐND chậm, làm ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban. Có địa phương tổ chức kỳ họp chuyên đề ban hành nghị quyết quá nhiều, có thể ảnh hưởng đến chất lượng của nghị quyết.

Hiệu quả của công tác giám sát chưa cao, trong đó giám sát chuyên đề, hoạt động tái giám sát còn ít. Việc thực hiện cam kết sau chất vấn và kết luận sau giám sát của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri của một số địa phương có lúc, có nơi còn chậm, chủ yếu là chuyển đơn; công tác tiếp công dân, đôn đốc, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn chủ yếu do đại biểu chuyên trách thực hiện.

Mối quan hệ phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội – Thường trực HĐND – UBND – UBMTTQVN các tỉnh, thành phố, có nơi, có việc chưa thật gắn kết trách nhiệm, hiệu quả chưa cao.

Phát huy những kết quả hoạt động đã đạt được trong năm 2021, bước sang năm 2022, năm bản lề thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, HĐND các cấp tiếp tục tổ chức và hoạt động theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi bổ sung theo Luật số 47/2019/QH14 và là nhiệm kỳ thứ hai thực hiện các luật liên quan tới tổ chức và hoạt động của HĐND.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, để khắc phục những bất cập trong quá trình hoạt động của HĐND các cấp trong thời gian qua và nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND trong năm 2022, HĐND các cấp cần thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục đổi mới về phương thức, cách thức tổ chức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết đảng bộ tỉnh, thành phố và pháp luật của nhà nước, HĐND triển khai có hiệu quả việc “nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026” để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

Thứ hai, HĐND các cấp chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động 5 năm, hằng năm, nhất là định hướng chương trình xây dựng Nghị quyết của HĐND trong nhiệm kỳ, trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng nghị quyết và giám sát hằng năm; đề xuất với cấp ủy các nhiệm vụ, giải pháp, góp phần quyết định vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh trong nhiệm kỳ và nhiều năm tiếp theo, khẳng định rõ nét hơn vị trí, vai trò của HĐND trong thực tiễn.

Cũng tại hội nghị, đại diện Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc trình bày tham luận tập trung vào các nội dung: nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề của HĐND cấp tỉnh; giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND cấp tỉnh trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri; kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức các phiên giải trình của Thường trực HĐND cấp tỉnh.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong bối cảnh chịu tác động lớn của đại dịch COVID-19, ngay sau cuộc bầu cử thành công, HĐND các tỉnh, thành phố đã bắt tay ngay vào thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo luật định với nhiều cố gắng, nỗ lực, đổi mới sáng tạo, linh hoạt, thích ứng với thực tiễn từng địa phương, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong mọi hoạt động để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ các tỉnh, thành phố và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, có dấu ấn nổi bật và ngày càng khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân ở địa phương, đóng góp quan trọng vào thành quả và kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của từng địa phương cũng như của cả nước trong năm 2021.

Lưu ý về một số tồn tại hạn chế trong chất lượng kỳ họp của HĐND, hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND có lúc, có nơi còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của Nhân dân, cử tri, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một số phương hướng nhiệm vụ giải pháp công tác năm 2022 của HĐND tỉnh, thành phố, cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, thấm nhuần chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhất là đối với các đại biểu mới tham gia lần đầu là đại biểu HĐND.

Thứ hai, rà soát, xây dựng hoặc hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND, chất lượng hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh, thành phố. Việc đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND phải bám sát chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố; hoạt động của HĐND phải lấy đại biểu làm trung tâm và trong mọi quyết sách liên quan đến chính quyền địa phương lấy doanh nghiệp người dân làm trung tâm, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết.

Thứ ba, kịp thời ban hành các Nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022-2023 và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp tài chính - tiền tệ trong 2 năm 2022-2023.

Thứ tư, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của HĐND như kỳ họp không giấy tờ, biểu quyết điện tử, từ xa, chuyển đổi số, giám sát bằng hình ảnh…

Thứ năm, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND với Uỷ ban nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố.

Thứ sáu, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, thường trực cấp ủy đối với tổ chức hoạt động của HĐND; chủ động tham mưu với cấp ủy trong việc kiện toàn các chức danh còn thiếu so với quy định và công tác quy hoạch đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ 2026-2031; phối hợp với Ban công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội để bồi dưỡng kiến thức, kỷ năng cho đại biểu HĐND các cấp và công chức, viên chức Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh.

Thứ bảy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm rõ nội hàm, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và giám sát hoạt động của HĐND; nghiên cứu đổi mới việc tổ chức hội nghị HĐND theo khối tỉnh, thành phố; tăng cường tổ chức hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố theo các chuyên đề; nghiên cứu ban hành Quy chế khung cho HĐND.

Thứ tám, tăng cường giao lưu học học, trao đổi kinh nghiệm giữa HĐND các tỉnh, thành phố với nhau với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tăng cường sử dụng chuyên gia, cộng tác viên trong tổ chức và hoạt động của HĐND. Đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đối với hoạt động của HĐND các cấp.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, trên cơ sở kết quả của Hội nghị lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu tiếp thu hoàn thiện báo cáo, đồng thời tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của HĐND các tỉnh, thành phố báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Thanh Hải