Mối quan hệ giữa xuất, nhập khẩu và tỷ giá hối đoái ở Việt Nam giai đoạn 1995-2020

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 16:55, 26/02/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bằng phương pháp thu thập dữ liệu được công bố, thông kê, phân tích, liên hệ, so sánh... để đánh giá về định tính, sử dụng phương pháp kinh tế lượng để đánh giá về định lượng, bài viết phân tích, đánh giá mối quan hệ tác động của hoạt động xuất nhập khẩu đến tỷ giá ở Việt Nam trong giai đoạn 1995-2020.

Tóm tắt: Xuất, nhập khẩu và tỷ giá hối đoái có quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau. Hoạt động xuất nhập khẩu phát sinh quan hệ cung cầu ngoại tệ làm biến động tăng giảm tỷ giá. Ngược lại, khi cần quản lý điều hành, Nhà nước dùng chính sách tỷ giá để định hướng hoạt động xuất nhập khẩu phát triển theo những mục tiêu đã định. Bằng phương pháp thu thập dữ liệu được công bố, thông kê, phân tích, liên hệ, so sánh... để đánh giá về định tính, sử dụng phương pháp kinh tế lượng để đánh giá về định lượng, bài viết phân tích, đánh giá mối quan hệ tác động của hoạt động xuất nhập khẩu đến tỷ giá ở Việt Nam trong giai đoạn 1995-2020. Kết quả nghiên cứu theo phương pháp định lượng cho thấy, hoạt động xuất, nhập khẩu đã tác động rất lớn đến tỷ giá hối đoái trong giai đoạn vừa qua. 

THE IMPACT OF EXPORTS AND IMPORTS ON EXCHANGE RATES IN 1995-2020 PERIOD IN VIETNAM

Abstract: Export, import and exchange rates are closely related and interact with each other. Import-export activities generate demand of foreign currencies, causing fluctuations in exchange rates. On the contrary, when it is needed, the State uses exchange rate policy to orient import and export activities to develop according to the set goals. By collecting published data, statistics, analysis, contact, comparison... and qualitative assessment, using econometric methods to evaluate quantitatively, the article analyzes and evaluates the relationship of import and export activities on the exchange rate in 1995-2020 period in Vietnam. The quantitative research results show that import and export activities have had a great impact on the exchange rate in the period.

1. Tổng quan về mối quan hệ giữa hoạt động xuất, nhập khẩu và tỷ giá

Xuất khẩu, còn gọi là xuất cảng là việc các doanh nghiệp Việt Nam bán hàng hóa và dịch vụ cho các doanh nghiệp nước ngoài theo các hợp đồng mua bán hàng hóa, bao gồm cả hoạt động tạm xuất tái nhập và chuyển khẩu hàng hóa. Mục đích của xuất khẩu là thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước phát triển, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ổn định và từng bước nâng cao mức sống của nhân dân. Đồng thời, thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển hướng theo chuyên môn hóa trong phân công lao động quốc tế, khuyến khích các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu ngoại tệ, tạo điều kiện để nhập khẩu.

Nhập khẩu, còn gọi là nhập cảng là việc các doanh nghiệp Việt Nam mua hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp nước ngoài theo các hợp đồng mua bán hàng hóa bao gồm cả hoạt động tạm nhập tái xuất và chuyển khẩu hàng hóa. Mục đích của  hoạt động nhập khẩu là để mua các loại hàng hóa vật tư, thiết bị kỹ thuật và dịch vụ từ nước ngoài nhằm phục vụ cho quá trình tái sản xuất mở rộng, nâng cao năng suất lao động và giải quyết sự khan hiếm hàng hoá, vật tư trên thị trường nội địa.

Tỷ giá hối đoái là một chỉ số đo lường giá trị của hai loại tiền tệ, tỷ giá hối đoái phản ảnh giá trị của 1 đơn vị đồng tiền này khi trao đổi 1 đơn vị đồng tiền khác. Tỷ giá hối đoái là mức giá tại một thời điểm đồng tiền của một quốc gia hay khu vực có thể được chuyển đổi sang đồng tiền của quốc gia hay khu vực khác. Theo đó, tỷ giá được tính bằng số đơn vị nội tệ trên một đơn vị ngoại tệ. Khi tỷ giá giảm đồng nghĩa với việc đồng nội tệ lên giá và ngoại tệ giảm giá, ngược lại tỷ giá tăng thì đồng nội tệ giảm còn ngoại tệ sẽ lên giá. Ngân hàng Nhà nước sử dụng công cụ tỷ giá để điều tiết các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như: Cán cân thương mại (xuất nhập khẩu), lạm phát, ổn định giá vàng, ổn định lãi suất thị trường. . .

 Trong rổ ngoại tệ của Việt Nam giao dịch trên thị trường ngoại hối và ngoại thương thì USD là đồng ngoại tệ chiếm tỷ trọng lớn nhất, được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chọn là loại ngoại tệ trung tâm trong quản lý điều hành chính sách tỷ giá. Tỷ giá được đề cập đến trong bài viết này là tỷ giá giữa đồng USD và VND, là tỷ giá ngoại tệ bình quân hàng năm được trao đổi trên thị trường của các ngân hàng thương mại, trên cơ sở tham chiếu tỷ giá trung tâm bình quân hàng năm do NHNN công bố.

Mối quan hệ giữa xuất, nhập khẩu và tỷ giá hối đoái

Hoạt động xuất khẩu mang về ngoại tệ cho quốc gia, làm gia tăng nguồn cung ngoại tệ một cách dồi dào, do đó làm giảm tỷ giá hối đoái. Khi tỷ giá hối đoái thấp, tức giá trị đồng nội tệ cao sẽ làm cho giá cả hàng hóa của Việt Nam ở nước ngoài tăng lên, đắt hơn so với hàng hóa của nước khác, làm giảm tính cạnh tranh, hạn chế lượng tiêu thụ, từ đó hạn chế sự phát triển của hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, khi tỷ giá hối đoái cao, tức giá trị đồng nội tệ thấp sẽ làm cho giá cả hàng hóa của Việt Nam ở nước ngoài thấp, rẻ hơn so với hàng hóa của nước khác, làm tăng tính cạnh tranh, tiêu thụ nhanh hàng hóa, từ đó tạo điều kiện để mở rộng phát triển hoạt động xuất khẩu. Đây là một trong những lý do khiến các nước phá giá đồng nội tệ để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, việc phá giá đồng nội tệ dẫn đến nhiều hệ lụy và bị ràng buộc bởi nhiều điều kiện khác nên chính phủ các nước không thể thực hiện việc phá giá đồng nội tệ một cách dễ dàng.

Hoạt động nhập khẩu là việc chi ngoại tệ ra nước ngoài để mua hàng hóa và dịch vụ về trong nước, khi gia tăng nhập khẩu sẽ làm gia tăng cầu ngoại tệ, do đó có tác động làm gia tăng tỷ giá hối đoái. Khi tỷ giá hối đoái cao, làm cho giá cả hàng hóa dịch vụ nhập khẩu trong nước đắt đỏ hơn so với hàng hóa trong nước, làm giảm tính cạnh tranh, hạn chế lượng tiêu thụ, từ đó hạn chế sự phát triển của hoạt động nhập khẩu, đồng thời tạo điều kiện để thúc đẩy sản xuất trong nước. Ngược lại, khi tỷ giá hối đoái thấp, hàng hóa nhập khẩu có giá bán rẻ hơn hàng hóa trong nước, tăng khả năng cạnh tranh, có lợi cho nhà nhập khẩu, nhưng làm hạn chế phát triển sản xuất trong nước. Vì vậy, chính phủ các nước thường dùng chính sách nâng cao tỷ giá, tức phá giá đồng nội tệ để hạn chế hàng nhập khẩu nhằm khuyến khích phát triển sản xuất trong nước.

 

2. Hoạt động xuất nhập khẩu và tỷ giá hối đoái ở Việt Nam giai đoạn 1995-2020

Diễn biến hoạt động xuất khẩu

Trong thời kỳ bao cấp, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam bị giới hạn ở thị trường Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, mặt hàng xuất khẩu còn nghèo nàn, chủ yếu là dầu thô; khoáng sản; nguyên vật liệu; sản phẩm nông lâm ngư nghiệp, thủy sản ở dạng thô; hàng tiểu thủ công nghiệp... Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới quản lý kinh tế, hoạt động xuất khẩu được mở rộng ra khắp các nước trên thế giới và trong khu vực, nhất là các nước phát triển và các nước đang phát triển. Mặt hàng xuất khẩu phát triển ngày càng phong phú và đa dạng, bao gồm cả máy móc thiết bị; hàng điện tử; hàng gia công lắp ráp và hàng tiêu dùng thiết yếu khác. Sản phẩm xuất khẩu là thành phẩm, sản phẩm đã qua chế biến ngày càng chiếm tỷ trọng cao. Nhờ vậy, doanh số xuất khẩu của nước ta gia tăng nhanh chóng, nhất là từ năm 1995 đến nay. Doanh số xuất khẩu thời kỳ 1995-2020 thể hiện ở Bảng 1.

Bảng 1: Xuất nhập khẩu và tỷ giá hối đoái của Việt Nam giai đoạn 1995-2020

Nguồn: Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước và tính toán của tác giả

Diễn biến hoạt động nhập khẩu

Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã không ngừng mở rộng và phát triển hoạt động nhập khẩu, nhất là việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, dây chuyền sản xuất theo công nghệ mới, phương tiện vận tải, phụ tùng thay thế... nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, nhập khẩu một số mặt hàng như nguyên nhiên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất, gia công hàng xuất khẩu và một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong khi nguồn cung trong nước chưa đáp ứng được đầy đủ. Doanh số nhập khẩu giai đoạn 1995-2020 thể hiện ở Bảng 1.

Diễn biến tỷ giá hối đoái

+ Giai đoạn từ năm 1993-1999: Thực hiện chính sách tỷ giá theo quan điểm “giữ và nâng giá đồng Việt Nam”, tỷ giá danh nghĩa (USD/VND) liên tục bị ép ở mức thấp tương đối so với tỷ giá thực tế. Trong khi tỷ giá thực tế liên tục tăng cao thì tỷ giá danh nghĩa hầu như ít biến động (Đồ thị 1). Hệ quả của chính sách tỷ giá trên là nhập siêu tăng liên tục diễn ra từ năm 1995-1999 (Bảng 1)

Đồ thị 1: Tỷ giá danh nghĩa và tỷ giá thực (USD/VND) giai đoạn 1993-1999

Nguồn: Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước

+ Giai đoạn từ năm 2000-2006: Giai đoạn này, áp dụng cơ chế tỷ giá neo cố định, tỷ giá bình quân liên ngân hàng mà NHNN công bố được giữ xoay quanh từ mức 14.000 VND/USD lên mức 16.000 VND/USD. Năm 2005, NHNN công bố Pháp lệnh Ngoại hối và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chính thức công nhận Việt Nam thực hiện hoàn toàn việc tự do hóa các giao dịch vãng lai. Năm 2006, thị trường ngoại hối của Việt Nam bắt đầu chịu áp lực thực sự của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Lượng ngoại tệ đổ vào Việt Nam bắt đầu tăng mạnh. Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF đã cảnh báo NHNN cần tăng cường sự linh hoạt của tỷ giá trong bối cảnh nguồn vốn đổ vào Việt Nam ngày càng lớn.

+ Giai đoạn từ năm 2007-2011: Đây là giai đoạn mà tỷ giá USD/VND có nhiều biến động mạnh. Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tự do hóa tài khoản vốn được nới rộng dẫn đến các dòng vốn vào Việt Nam gia tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến sự biến động của tỷ giá. Bắt đầu từ tháng 4/2008, lượng vốn vay bằng USD, cán cân thanh toán do thâm hụt thương mại cao và sự sụt giảm mạnh của tổng dự trữ ngoại hối đã tạo nên lực cầu mạnh về USD. NHNN liên tục bán ngoại tệ ra để can thiệp khi thị trường xuất hiện tỷ giá chính thức và tỷ giá chợ đen với khoảng cách chênh lệch lớn trong một thời gian dài. Cuối năm 2011, NHNN đã sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát và ổn định thị trường.

+ Giai đoạn từ năm 2012-2020: Giai đoạn này, tỷ giá USD/VND đã ổn định hơn, chính sách điều hành tỷ giá của NHNN phù hợp với diễn biến thị trường. Các giải pháp tiền tệ của NHNN đã tạo cho thị trường ngoại tệ có những chuyển biến tích cực, thị trường tự do thu hẹp hoạt động. Chênh lệch giữa tỷ giá liên ngân hàng và tỷ giá niêm yết của ngân hàng thương mại (NHTM) ở mức độ nhỏ, chênh lệch 100 – 300 VND/USD. Từ đó giảm dần tâm lý găm giữ ngoại tệ của tổ chức, cá nhân. NHNN đã mở rộng biên độ tỷ giá lên +3% năm 2015. Ngày 31/12/2015, NHNN đã ban hành Quyết định số 2730/QĐ-NHNN về việc công bố tỷ giá trung tâm của USD/VND, tỷ giá tính chéo của VND với một số ngoại tệ khác. Cơ chế điều hành tỷ giá của NHNN phù hợp với các điều kiện của Việt Nam, đề cao tính linh hoạt và chủ động hơn với các biến động của thị trường.

Nhìn chung, chính sách điều hành tỷ giá của Việt Nam có những đặc điểm chính như: [i] Có xu hướng cố định, giữ giá trị tiền VND và neo vào USD là chủ yếu; [ii] Việc neo tỷ giá VND vào USD đã ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, đầu tư với các đối tác khác Mỹ; [iii] Tỷ giá trung tâm của USD/VND do NHNN công bố hằng ngày không phải lúc nào cũng phản ánh đúng thực chất cung cầu của thị trường, nhất là những thời điểm xảy ra tình trạng dư thừa hay căng thẳng ngoại tệ. [iv] Cơ chế điều hành tỷ giá thiếu linh hoạt ở giai đoạn trước năm 2011, tác động rất lớn đến nền kinh tế, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu.

Mối quan hệ giữa xuất nhập khẩu với tỷ giá giai đoạn 1995-2020

Qua Bảng 1 cho thấy, về xuất khẩu, năm 2020 tăng hơn 51,6 lần so với năm 1995, tăng bình quân hàng năm là 20,64 %. Về nhập khẩu, năm 2020 tăng hơn 32,1 lần so với năm 1995, tăng bình quân hàng năm là 12,84 %. Như vậy, tốc độ tăng hàng năm của xuất khẩu cao gấp 1,6 lần của nhập khẩu. Qua đó, từ năm 1995 Việt Nam nhập siêu là 50% đến năm 2012 đã xuất siêu 3%, từ năm 2012 đến 2020 đều xuất siêu hàng năm khoảng 1% đến 7 %  (riêng năm 2015 nhập siêu là 2%).

Về tỷ giá, trong giai đoạn 2011-2020, nhờ áp dụng chặt chẽ các biện pháp quản lý ngoại tệ và điều hành tỷ giá một cách thận trọng, có xu hướng cố định, giữ giá trị tiền VND và neo vào USD là chủ yếu nên tỷ giá ít biến động. Tỷ giá năm 2020 tăng gần 2,1 lần so với năm 1995, tăng bình quân qua các năm khoảng 8%. Đặc biệt có những năm tăng đột biến như năm 1998 tăng 13,56%, năm 2010 tăng 9%, năm 2011 tăng 10,19%, nguyên nhân chủ yếu là do lạm phát tăng cao. Nếu loại trừ những năm tăng đột biến thì trong cả giai đoạn 1995-2020 tỷ giá tăng hàng năm trong khoảng từ 0% đến 3%. Như vậy, trong giai đoạn 1995-2020, tỷ giá có xu hướng biến động tăng thuận chiều với xuất nhập khẩu, nhưng tương đối ổn định hơn. Trong một thời gian dài, từ năm 1995-2012 thực hiện chính sách ổn định tỷ giá, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn ở trong tình trạng nhập siêu. Tất nhiên, sự biến động tỷ giá và tình trạng nhập siêu còn do nhiều nguyên nhân khác.

3. Nghiên cứu mối quan hệ tác động của xuất, nhập khẩu đến tỷ giá giai đoạn 1995-2020

Phương pháp nghiên cứu

Xác định mối tương quan, tác động của xuất nhập khẩu đến tỷ giá giai đoạn 2000-2020 bằng mô hình kinh tế lượng.

Sử dụng dữ liệu nghiên cứu ở Bảng 1, sử dụng phương pháp kinh tế lượng, phân tích hồi quy với phần mềm Eviews.

Tác động của xuất, nhập khẩu đến tỷ giá  là 1 hàm số với hai biến số có dạng như sau:

Y =  f (x1, x2) = ax1 + bx2  + k

Trong đó : Y là tỷ giá ; x1 là xuất khẩu; x2 nhập khẩu; k là một hằng số.

Đồ thị biểu hiện mối quan hệ giữa tỷ giá với xuất, nhập khẩu

Đồ thị 2: Mối quan hệ giữa tỷ giá và xuất khẩu

Nguồn số liệu: Bảng 1

 

Đồ thị 2 cho thấy, nếu các điều kiện khác không đổi, khi xuất khẩu tác động riêng lẻ đến tỷ giá, thì tỷ giá có mối tương quan đồng biến với xuất khẩu.

Đồ thị 3: Mối quan hệ giữa tỷ giá và nhập khẩu

Nguồn số liệu: Bảng 1

 

Đồ thị 3 cho thấy, nếu các điều kiện khác không đổi, khi nhập khẩu tác động riêng lẻ đến tỷ giá, thì tỷ giá có mối tương quan đồng biến với nhập khẩu.

Mô hình phân tích hồi quy và các kết quả chủ yếu

Phân tích mối tương quan giữa 3 biến tỷ giá, xuất khẩu, nhập khẩu qua phương trình hồi quy bằng 3 trường hợp, nhằm đánh giá mối quan hệ tác động của xuất khẩu và nhập khẩu đến tỷ giá. Sử dụng số liệu ở Bảng 1, dùng phần mềm Eviews cho kết quả theo Bảng 2 sau đây:

Trường hợp 1: Nếu các điều kiện khác không đổi, xét ảnh hưởng của xuất khẩu đến tỷ giá, Eviews cho ta phương trình hồi quy sau:

Y = 0,040697 * xuat +  13904,59 (R2= 0,838549; S.E.R = 1603,017)

Mô hình trên thể hiện mối quan hệ đồng biến giữa tỷ giá và xuất khẩu. Cụ thể là, khi các điều kiện khác không đổi, nếu xuất khẩu bằng không thì tỷ giá bằng 13.904,59 VND/USD,  nếu xuất khẩu tăng thêm 1 triệu USD thì tỷ giá tăng thêm 0,040697 VND/USD.

Với R2 = 0,838549 (R2>0,5) cho thấy mức độ phù hợp của mô hình là rất lớn.

Trường hợp 2: Nếu các các điều kiện khác không đổi, xét ảnh hưởng của nhập khẩu đến tỷ giá, Eviews cho ta phương trình hồi quy sau:

Y = 0,043551 *nhap + 13548,70 ( R2= 0,859192 ;  S.E.R = 1497,033)

Mô hình trên thể hiện mối quan hệ đồng biến giữa nhập khẩu và tỷ giá. Cụ thể là, khi nhập khẩu  bằng không thì tỷ giá bằng 13.548,70 VND/USD, nếu nhập khẩu tăng thêm 1 triệu USD thì tỷ giá tăng thêm 0,043551 VND/USD.

Với R2 = 0,859192 (R2>0,5) cho thấy mức độ phù hợp của mô hình là rất lớn.

Trường hợp 3: Xét tác động đồng thời của xuất khẩu và nhập khẩu đến tỷ giá, Eviews cho ta phương trình hồi quy sau:

   Y= - 0,077039 * xuat + 0,124788 * nhap + 12983,77 (R2= 0,874511 ; S.E.R =1443,653)

   Mô hình trên thể hiện mối quan hệ nghịch biến giữa xuất khẩu và tỷ giá, quan hệ đồng biến giữa nhập khẩu và tỷ giá. Cụ thể là, khi các điều kiện khác không đổi, nếu xuất khẩu và nhập khẩu bằng không thì tỷ giá bằng 12.983,77 VND/USD.

Nếu nhập khẩu bằng 0, khi xuất khẩu tăng thêm 1 triệu USD thì tỷ giá giảm đi – 0,077039 VND/USD.

Nếu xuất khẩu bằng 0, khi nhập khẩu tăng 1 triệu USD thì tỷ giá tăng thêm 0,124788   VND/USD.

Khi đồng thời xuất khẩu tăng 1 triệu USD và nhập khẩu tăng 1 triệu USD thì tỷ giá tăng thêm  0,047749 VND/USD (0,124788-0,077039).

Với R2 = 0,874511 (R2 > 0,5) cho thấy mức độ phù hợp của mô hình là rất lớn. Điều này là phù hợp với lý thuyết và thực tiễn diễn biến tình hình tỷ giá, xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 1995-2020. Khi tăng xuất khẩu, mang ngoại tệ về cho đất nước làm tăng cung ngoại tệ trên thị trường ngoại hối nên tỷ giá giảm. Khi tăng nhập khẩu làm tăng cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối nên tỷ giá tăng lên.

Bảng 2: Mối tương quan giữa 3 biến tỷ giá, xuất khẩu,  nhập khẩu

Nguồn số liệu: Bảng 1

Kết quả và nhận xét chung

Qua phân tích phương trình hồi quy bằng phần mềm Eviews về tác động của xuất khẩu và nhập khẩu đến tỷ giá hối đoái trong giai đoạn 1995-2020 ở Việt Nam với 3 trường hợp trên cho thấy, trong trường hợp tác động riêng lẻ thì xuất, nhập khẩu có biến động cùng chiều với tỷ giá. Trong trường hợp tác động đồng thời thì, xuất khẩu biến động ngược chiều với tỷ giá, nhập khẩu biến động cùng chiều với tỷ giá. Với mô hình có mức độ phù hợp rất lớn cho thấy, tác động của xuất nhập khẩu đến tỷ giá trong giai đoạn vừa qua là rất lớn.

4. Kết luận và khuyến nghị

Qua phân tích, xem xét, đánh giá mối quan hệ giữa tỷ giá với xuất, nhập khẩu bằng phương pháp định tính và định lượng trong thời kỳ 1995-2020 cho thấy, tác động của xuất nhập khẩu đến tỷ giá trong giai đoạn này là rất lớn. Tuy vậy, mối quan hệ tác động đó chỉ mang tính tương đối, vì tỷ giá hối đoái còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác như: đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI),  đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư ra nước ngoài; dịch vụ kiều hối; tỷ lệ lạm phát; mức chênh lệch lãi suất giữa các nước; hoạt động đầu cơ ngoại tệ. Ngoài ra còn có các yếu tố tác động khác như: yếu tố tâm lý, các chính sách liên quan tới quản lý ngoại hối, các rủi ro như dịch bệnh, thiên tai...

Để chủ động quản lý tốt hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ và ổn định tỷ giá hối đoái, đồng thời thực hiện tốt chính sách tỷ giá để thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, ổn định các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, trong thời gian đến, thiết nghĩ Nhà nước cần áp dụng một số giải pháp sau đây:

- Phát triển sản xuất hàng xuất khẩu theo hướng: tăng tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu qua chế biến, giảm tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu thô nhằm tăng giá trị xuất khẩu, tăng nguồn thu ngoại tệ xuất khẩu, từ đó góp phần bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Hiện nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm thô chưa qua chế biến như: dầu thô, cao su, gạo, thủy hải sản và nhiều loại nông sản thực phẩm khác, vì vậy giá trị xuất khẩu thấp và khó cạnh tranh trên thị trường thế giới. Phần lớn sản phẩm xuất khẩu của nước ta đã đạt, hoặc gần đạt đến sản lượng tiềm năng nên dù nhu cầu thế giới có tăng thì chúng ta vẫn không thể gia tăng sản lượng được. Do đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư để sản xuất hàng xuất khẩu đã qua chế biến, từng bước nâng cao tỷ trọng hàng xuất khẩu đã qua chế biến trong tổng lượng hàng xuất khẩu, nhằm tăng giá trị hàng hóa và kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngoại tệ, góp phần bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại tệ.

- Thực hiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất trong nước để thay thế hàng nhập khẩu, nhất là nguyên vật liệu, linh kiện để sản xuất hàng xuất khẩu và các mặt hàng cho tiêu dùng trong nước.

Hiện nay, để sản xuất nhiều sản phẩm xuất khẩu và một số mặt hàng tiêu thụ trong nước, phải nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện như: ô tô, máy móc thiết bị chuyên dùng, da giầy, may mặc, điện thoại di động, hàng điện tử gia dụng...

Nhiều loại hàng hóa nói trên có hàm lượng giá trị nhập khẩu chiếm đến 70% giá trị sản phẩm. Vì vậy, cần thực hiện chính sách khuyến khích sản xuất nguyên vật liệu, phụ liệu, phát triển công nghiệp phụ trợ để từng bước thay thế hàng nhập khẩu, giảm hàm lượng đầu vào từ nhập khẩu trong giá trị hàng xuất khẩu, từng bước giảm dần tình trạng phụ thuộc vào các nguồn nhập khẩu, tăng khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực và trên thế giới. Đồng thời, gia tăng mức độ tham gia cung cấp thương mại dịch vụ toàn cầu của Việt Nam. Từ đó, giảm nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu, góp phần bình ổn thị trường ngoại hối, ổn định tỷ giá hối đoái.

- Thực hiện chính sách tỷ giá ổn định, linh hoạt, nghiên cứu, xem xét nới rộng biên độ của tỷ giá trung tâm, thu hẹp khoảng cách giữa tỷ giá thực và tỷ giá danh nghĩa, hạn chế hoạt động của thị trường ngoại hối “chợ đen”.

Trong điều kiện thị trường hàng hóa thế giới và thị trường ngoại hối có nhiều biến động như hiện nay, nếu phá giá VND sẽ không có lợi cho xuất khẩu mà có nguy cơ tạo ra nhập khẩu lạm phát, vì phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị nhập khẩu lên đến 70%. Hơn nữa, nhiều mặt hàng sản xuất để tiêu thụ trong nước cũng phải nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện từ nước ngoài. Do đó, cần tiếp tục thực hiện chính sách tỷ giá ổn định linh hoạt, thực hiện theo chế độ tỷ giá trung tâm của NHNN như hiện nay. Tuy vậy, nên nghiên cứu tăng biên độ tỷ giá danh nghĩa giao dịch so với tỷ giá trung tâm từ (có thể là +3% lên +5%), nhằm giúp các ngân hàng thương mại, các đơn vị kinh doanh ngoại tệ định giá ngoại tệ giao dịch tương đối sát với tỷ giá ngoại tệ thực của thị trường hơn, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa tỷ giá thực và tỷ giá danh nghĩa, hạn chế hoạt động của thị trường ngoại hối “chợ đen”.

- Phối hợp thực hiện chặt chẽ giữa chính sách tỷ giá và chính sách lãi suất nhằm ổn định thị trường ngoại hối, có lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại tệ.

Lãi suất thị trường VND và tỷ giá hối đoái có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Đối với người sở hữu ngoại tệ, khi lãi suất VND  cao hơn tỷ lệ tăng tỷ giá hối đoái, người dân và doanh nghiệp sẽ bán ngoại tệ để giữ tiền VND, làm cho cung ngoại tệ phong phú hơn, giúp thị trường ngoại hối ổn định hơn, có lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Ngược lại, nếu tỷ lệ tăng tỷ giá cao hơn lãi suất VND thì người sở hữu ngoại tệ sẽ găm giữ và đầu cơ ngoại tệ, làm cho nguồn cung ngoại tệ khan hiếm hơn, khiến thị trường ngoại hối biến động khó lường, gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Vì vậy, NHNN cần quản lý điều hành chính sách tỷ giá và chính sách lãi suất, cùng với các chính sách tiền tệ khác một cách đồng bộ, linh hoạt để ổn định thị trường ngoại hối, có lợi cho xuất nhập khẩu và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Đức Độ:  “An ninh tài chính và biến động của lạm phát, lãi suất, tỷ giá tiền tệ tại Việt Nam”, http://tapchitaichinh.vn, 23/09/2017, Tạp chí Tài chính số 9/2017 (Tr 12- Tr14)

2. Hoàng Đình Minh: “Ảnh hưởng của tỷ giá đến xuất, nhập khẩu tại Việt Nam” http://tapchitaichinh.vn, ngày  18/04/2013 (Tạp chí Tài chính số 4/2013)

3. Nguyễn Thị Ái Linh, Hoàng Thị Kim: “Tác động của tỷ giá đến cán cân thương mại: Kinh nghiệm từ Trung quốc và gợi ý cho Việt Nam”, http://tapchitaichinh.vn, ngày 26/04/2016

4. Tô Trung Thành: “Biến động tỷ giá ở Việt Nam và các nhân tố đặc thù”, Tạp chí kinh tế và dự báo, số 6/2013 (Tr 20-Tr 23)

5. Trần Thị Thu Trâm: “Tác động của tỷ giá hối đoái đến cán cân thương mại song phương giữa Việt Nam và EU”, http://tapchicongthuong.vn, ngày 24/04/2017

6. Elif Guneren Genc, Oksan Kibritci Artar: “The effect of exchange rates on exports and imports of emerging countries”, http://www.enjuornal.org. European Scientific Journal, May 2014 edition vol.10, No.13

7. Joseph Dery Nyeadi, Oswald ATIGA, Charles Amoyea Atogenzoya: “The Impact of Exchange Rate Movement on Export: Empirical Evidence from Ghana”, https://www.researchgate.net, International Journal of Academic Research in Accounting, Finance and Management Sciences Vol. 4, No.3, July 2014, pp. 41–48

8. Jatica Duasa: “Exchange rate shock Malaysian prices of imports and exports: An empirical analysis”, https://www.sesric.org, Journal of economics Cooperation and development, 30,3 (2009), pp. 99-114

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 13 năm 2021

 

Ths. Nguyễn Thanh Cai