Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài
Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 10:10, 28/02/2022
Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài - Nguồn: Internet |
Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công bố, tính từ đầu năm đến ngày 20/2/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 183 dự án đăng ký mới, với 631,8 triệu USD, tăng 45,2% về số dự án và giảm 80,9% về số vốn.
Việc vốn đầu tư đăng ký mới 2 tháng đầu năm 2022 giảm mạnh so với cùng kỳ là do trong 2 tháng đầu năm 2021 có nhiều dự án quy mô vốn lớn trên 100 triệu USD. Riêng các dự án này đã chiếm tới 69,2% tổng vốn đăng ký mới của 2 tháng năm 2021, đặc biệt trong đó có dự án nhiệt điện Ô Môn II có vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong hai tháng đầu năm nay, chỉ có 1 dự án có vốn đầu tư lớn có vốn 136,4 triệu USD. Còn lại các dự án đầu tư quy mô lớn đều thuộc về các dự án tăng vốn, đó là: dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD; dự án Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD tại Thái Nguyên. Ngoài ra, còn có dự án Nhà máy Chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Hồng Kông), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 306 triệu USD tại Bắc Ninh.
Về góp vốn, mua cổ phần, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong hai tháng đầu năm, có 400 lượt đầu tư theo hình thức này của các nhà đầu tư nước ngoài, giảm 10,1% so với cùng kỳ, nhưng giá trị vốn góp lại đạt 769,6 triệu USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ.
Có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó: Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 1,7 tỷ USD, chiếm 34,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 59,3% so với cùng kỳ 2021; Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 1,4 tỷ USD, chiếm 28,2% tổng vốn đầu tư, giảm 12% so với cùng kỳ; Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 538 triệu USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư, giảm 29,3% so với cùng kỳ; Tiếp theo là Hồng Kông, Nhật Bản, Thái Lan…
Trước đây, xếp số 1 trong đầu tư vào Việt Nam luôn là nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Từ năm 2020 đến nay, Singapore đã vượt mặt 2 quốc gia trên, giành ngôi quán quân, với tổng vốn đăng ký gần 9 tỉ USD trong đó có 1 tỉ USD đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tăng gấp đôi so với con số 4,5 tỉ USD của năm 2019. Một điểm tích cực khác, đó là vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài trong hai tháng ước đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng tăng 0,4 điểm % so với tháng 1/2022.
Đánh giá về kết quả này, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, điểm nhấn là vốn điều chỉnh và vốn đầu tư đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Vốn đầu tư đăng ký mới tuy giảm mạnh do không có nhiều dự án quy mô lớn song số lượng dự án đầu tư mới lại tăng (45,2%). Và điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào kết quả phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ, cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.
Tính lũy kế đến ngày 20/2/2022, cả nước có 34.700 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 418,8 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 254,3 tỷ USD, bằng 60,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Trong báo cáo vừa công bố, các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam cho biết, dù phải đối mặt với một số thách thức do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Việt Nam tiếp tục ghi nhận tín hiệu khả quan trong đầu tư nước ngoài.
Trong thời gian qua, Việt Nam không ngừng đưa ra các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi hoạt động kinh doanh, chính phủ đưa ra một số gói hỗ trợ, như giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp có doanh thu dưới 8,8 triệu USD vào năm 2021. Các biện pháp hỗ trợ khác được ban hành dưới hình thức giảm tiền thuê nhà, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các khoản trả một lần. Nhờ chi phí lao động cạnh tranh, các chính sách ưu đãi về thuế và đầu tư, cùng với vị trí địa lý chiến lược, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến cho nhu cầu sản xuất và lắp ráp của các công ty đa quốc gia.
Đồng thời, trong năm 2022, Việt Nam dự kiến đưa tăng trưởng phục hồi về mức trước thời điểm đại dịch COVID-19. Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò là một trung tâm sản xuất chi phí thấp nhờ sự mở rộng hơn nữa của các ngành công nghiệp chính hiện có.