Hệ thống SWIFT là gì? Có vai trò thế nào đối với hoạt động thanh toán?

Công nghệ - Ngày đăng : 15:21, 28/02/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Mỹ, Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Italy, Anh và Canada đã nhất trí loại một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Vậy SWIFT là gì? Có vai trò thế nào đối với hoạt động thanh toán liên ngân hàng toàn cầu?

Hậu quả của việc bị ngắt kết nối với SWIFT là lớn, nhưng không chỉ Nga phải hứng chịu. Ảnh minh họa

Ngày 26-2, Mỹ và các đồng minh quyết định loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT nhằm đáp trả 'chiến dịch quân sự đặc biệt' của Matxcơva ở Ukraine. Đây là một trong hàng loạt các biện pháp trừng phạt chưa từng có mà Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga.

SWIFT là gì?

SWIFT là viết tắt của Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication (tạm dịch là Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu), được thành lập năm 1973 thay thế telex.

SWIFT có trụ sở tại Bỉ và được điều hành bởi một hội đồng bao gồm 25 người, trong đó có Eddie Astanin, Chủ tịch hội đồng quản trị Trung tâm lưu ký thanh toán quốc gia Nga. SWIFT tự coi mình là một “cơ quan trung lập”, được thành lập theo luật pháp Bỉ và phải tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu.

SWIFT hiện được hơn 11.000 tổ chức tài chính sử dụng để gửi tin nhắn và thực hiện các giao dịch thanh toán an toàn. Chỉ riêng trong năm 2020, đã có khoảng 38 triệu giao dịch được thực hiện mỗi ngày thông qua nền tảng SWIFT, trị giá lên hàng nghìn tỷ USD. 

SWIFT định tuyến các tin nhắn chuyển tiền từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, cho phép họ biết cuối cùng tiền sẽ đến nơi nào. Tiền di chuyển từ tài khoản này sang tài khoản khác thường đi qua nhiều ngân hàng trước khi đến đích cuối cùng, đặc biệt nếu liên quan đến ngoại tệ. Nói tóm lại, SWIFT giúp thương mại quốc tế, thanh toán xuyên biên giới và chuyển tiền quốc tế trở nên dễ dàng hơn.

Việc loại bỏ Nga khỏi SWIFT sẽ khiến các tổ chức tài chính gần như không thể gửi tiền vào hoặc ra khỏi nước này, gây ra cú sốc cho các công ty Nga và khách hàng nước ngoài của các công ty này - đặc biệt là những nhà nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt bằng đồng USD.

Theo Hiệp hội SWIFT quốc gia Nga, khoảng 300 ngân hàng và tổ chức của nước này sử dụng SWIFT, hơn một nửa tổ chức tín dụng tham gia hệ thống này biến Nga thành nước đứng thứ 2 sau Mỹ về số lượng người dùng.

Các chuyên gia so sánh việc Nga bị loại khỏi SWIFT cũng giống như bị cắt Internet. "SWIFT không chuyển tiền mà chuyển thông tin về tiền. Thật ra nó như một mạng xã hội nhắn tin, một Twitter cho các ngân hàng", bà Alexandra Vacroux, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nga và Á-Âu của Đại học Harvard, mô tả.

SWIFT ghi nhận trung bình 42 triệu tin nhắn mỗi ngày trong năm 2021 và đến 82 triệu tin nhắn trong tháng 2-2022. Các tin nhắn này là về giao dịch chứng khoán, thương mại...

Nga bị loại khỏi SWIFT, hậu quả thế nào?

Bà Alexandra Vacroux, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nga và Á - Âu của Đại học Harvard, nhận định: "Nga phụ thuộc rất nhiều vào SWIFT. Việc loại Nga khỏi SWIFT sẽ ngừng tất cả các giao dịch quốc tế, gây biến động tiền tệ và thất thoát dòng vốn lớn". Ngoài ra, theo báo USA Today, Nga sẽ gặp khó khăn, nếu bị loại khỏi SWIFT, khi thực hiện các giao dịch quốc tế, bao gồm thu lợi nhuận từ dầu và khí đốt, vốn chiếm hơn 40% doanh thu của Nga

Tuy nhiên, Mỹ và Đức cũng sẽ thiệt hại nhiều nhất nếu Nga bị loại khỏi SWIFT, do các ngân hàng của họ sử dụng SWIFT để liên lạc với các nhà băng Nga nhiều nhất. "Nếu Nga bị loại khỏi SWIFT, chúng tôi không nhận được ngoại tệ. Nhưng người mua, điển hình là các nước châu Âu, cũng sẽ không nhận được hàng hóa của chúng tôi, như dầu mỏ, khí đốt, kim loại và nhiều linh kiện quan trọng khác", Nikolai Zhuravlev, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện Nga) cho biết.

Nga sẽ có giải pháp thay thế SWIFT?

Năm 2012, SWIFT đã loại các ngân hàng Iran ra khỏi hệ thống sau khi bị Liên minh châu Âu trừng phạt vì chương trình hạt nhân của nước này. Theo học giả Maria Shagina từ Viện Các vấn đề quốc tế Phần Lan, Iran đã mất gần một nửa doanh thu xuất khẩu dầu và 30% giá trị thương mại quốc tế sau động thái này.

Từ năm 2014, sau cuộc khủng hoảng Crimea, Nga đã từng bước thực hiện các biện pháp có khả năng làm giảm tác động của việc bị loại khỏi hệ thống SWIFT. Theo đó, Nga đã thiết lập hệ thống thanh toán riêng của mình có tên là SPFS. Theo ngân hàng trung ương Nga, SPFS hiện có khoảng 400 thành viên. 20% giao dịch chuyển tiền trong nước hiện được thực hiện thông qua SPFS. Tuy nhiên, dung lượng cho nội dung tin nhắn chuyển tiền bị hạn chế và giao dịch qua SPFS chỉ được thực hiện trong ngày làm việc trong tuần.

Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới mới ra đời của Trung Quốc có tên là CIPS (Cross-Border Interbank Payment System) cũng có thể là một giải pháp thay thế khi Nga bị loại khỏi SWIFT. Ngoài ra, Nga cũng có thể phải sử dụng đến tiền ảo. Tuy nhiên, những lựa chọn nói trên không phải là một sự thay thế hoàn hảo cho SWIFT và không chỉ hệ thống ngân hàng và các công ty của Nga sẽ phải hứng chịu hậu quả từ việc Nga bị rút khỏi SWIFT.

(Tổng hợp)

M.H