Sáp nhập Công ty Tài chính Cao su, Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR) kế thừa nhiều khoản nợ xấu
Pháp luật - Nghiệp vụ - Ngày đăng : 08:54, 01/03/2022
Theo hồ sơ vụ việc, năm 2010-2011, Công ty Tài chính Cao su và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng thương mại Phú Điền ký kết hợp đồng tín dụng. Theo đó, Công ty Tài chính Cao su cho Công ty Phú Điền vay ngắn hạn số tiền 50,4 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh. Tài sản bảo đảm cho các khoản nợ này là nhiều bất động sản rải rác ở Hà Nội như quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất ở phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội; khu đất tại xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội; đất tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Tây cũ; đất tại thôn Cao Hạ, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội…; tài sản hình thành trong tương lai của bên thứ 3 gồm căn hộ chung cư thuộc dự án Trung tâm thương mại Văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp số 93 Lò Đúc (Hà Nội).
Sau này, Tập đoàn Cao su sáp nhập Công ty Tài chính Cao su và kế thừa toàn bộ nghĩa vụ, quyền lợi của Công ty Tài chính Cao su. Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Phú Điền trả được 37,7 tỷ đồng nợ gốc và 9,9 tỷ đồng nợ lãi. Từ năm 2012 đến nay, khoản vay trở thành quá hạn. Do Công ty Phú Điền vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên Tập đoàn Cao su Việt Nam khởi kiện đề nghị Tòa án buộc Công ty Phú Điền thanh toán nợ hơn 61,7 tỷ đồng trong đó nợ gốc là hơn 12,6 tỷ đồng.
Quá trình tố tụng, Công ty Phú Điền vắng mặt không rõ lý do. Một số chủ tài sản cho biết họ tự nguyện thế chấp tài sản và đề nghị tòa án giải quyết theo đúng quy định pháp luật.
Tòa án cho rằng, việc thỏa thuận lãi trong hạn, lãi quá hạn trong các hợp đồng tín dụng là đúng pháp luật và phù hợp với quy định pháp luật nên yêu cầu của Tập đoàn Cao su được chấp nhận.
Về thế chấp, các hợp đồng thế chấp là hoàn toàn tự nguyện không trái các quy định của pháp luật và đã được đăng ký giao dịch bảo đảm, được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đai Hà Nội xác nhận thế chấp. Do đó, Tòa án xác định các hợp đồng này có giá trị pháp lý. Việc Tập đoàn Cao su Việt đề nghị có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền xử lý các tài sản bảo đảm trong trường hợp Công ty Phú Điền không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ là có căn cứ nên được chấp nhận.
Với các tài sản đảm bảo, phía bị đơn và những người liên quan không đưa ra yêu cầu phản tố, không có yêu cầu độc lập nên tòa án không xem xét. Tòa án dành quyền cho các đương sự khởi kiện bằng một vụ án khác theo quy định pháp luật.
Tòa buộc Công ty Phú Điền thanh toán cho Tập đoàn Cao su hơn 61,7 tỷ đồng. Trường hợp Công ty không trả được nợ, Tập đoàn Cao su có quyền xử lý, phát mại các tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.
Trước đó, Tập đoàn Cao su cũng từng khởi kiện một cá nhân ở tỉnh Bình Phước. Năm 2009, vợ chồng ông Nguyễn Văn V. có vay tiền của Công ty Tài chính cao su theo 2 hợp đồng tín dụng, tổng số nợ gốc là 11 tỷ đồng, thế chấp 3 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (lần lượt có diện tích 13.987 m2; 6.908 m2; 10.571 m2).
Tòa án tuyên buộc vợ chồng ông V. phải trả 27,7 tỷ đồng nợ gốc và lãi. Trường hợp bị đơn không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ, Tập đoàn Cao su được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền xử lý các tài sản bảo đảm.
Được biết, Tập đoàn Cao su có vốn điều lệ 40.000 tỷ đồng với ngành nghề chính là trồng, khai thác, chế biến cao su, chế biến gỗ, đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021, tại ngày 31/12/2021, Tập đoàn có tổng cộng tài sản là 79.023 tỷ đồng, bao gồm tài sản ngắn hạn là 22.843 tỷ đồng, trong đó các khoản phải thu ngắn hạn là 2.824 tỷ đồng, hàng tồn kho 3.573 tỷ đồng. Tài sản dài hạn là 56.179 tỷ đồng, các khoản phải thu dài hạn là 702 tỷ đồng.