Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đảm bảo công khai, minh bạch trong cơ chế tài chính cho cơ sở khám chữa bệnh

Tin tức - Ngày đăng : 11:18, 01/03/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trước thực trạng có nhiều vụ việc nổi cộm liên quan đến nguồn lực tài chính, ngân sách, trang thiết bị cho công tác khám, chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh, lần này vừa đảm bảo được tính minh bạch, công khai trong cơ chế tài chính vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Tại phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tán thành với việc bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Tuy nhiên, trước thực trạng có nhiều vụ việc nổi cộm thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc sửa đổi Luật lần này vừa đảm bảo được tính minh bạch, công khai trong cơ chế tài chính vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ đã khẩn trương tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các cơ quan thẩm tra tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 11/2021 để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); nhất trí với đề nghị của Chính phủ bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Cho ý kiến về dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị trong báo cáo đánh giá tác động có đánh giá kỹ hơn dự kiến nguồn lực để thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) này. "Nguồn lực mới là quan trọng, nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực của xã hội trong lĩnh vực này. Cùng với đó là nguồn lực tài chính, ngân sách, trang thiết bị cho công tác khám, chữa bệnh khi mà thời gian qua có rất nhiều vụ việc nổi cộm lên vấn đề này. Do đó, trong lần sửa đổi này phải đảm bảo được tính minh bạch, công khai; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, có khuôn khổ rất rõ để thực hiện", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý có hai vấn đề quan trọng nhưng cũng rất dễ nhầm lẫn.

Một là y tế dự phòng và khám, chữa bệnh. Không tán thành với việc đưa ra khái niệm dự phòng chi bằng quỹ khám bệnh, chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, y tế dự phòng là chi bằng ngân sách nhà nước; còn quỹ khám, chữa bệnh là đóng - hưởng, “ai đóng thì người đó hưởng”.

Hai là còn lẫn lộn giữa thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh. Thực phẩm chức năng là điều chỉnh bằng Luật Vệ sinh, an toàn thực phẩm, còn thuốc chữa bệnh điều chỉnh bằng Luật Dược.

 Toàn cảnh phiên họp

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ: "liên quan đến tài chính, ngân sách, trang thiết bị cho công tác khám, chữa bệnh thời gian qua cũng còn có nhiều sai sót, vi phạm nhưng dự thảo luật quy định còn rất chung. Vì vậy, cần phải nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề".

Đối với Điều 85 của Luật này là "ngân sách nhà nước chi cho công tác khám, chữa bệnh”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phải nghiên cứu để bổ sung thêm quy định việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho công tác khám, chữa bệnh phải tuân thủ pháp luật về ngân sách, pháp luật về đầu tư và các quy định của pháp luật về chi ngân sách nhà nước, để đảm bảo mọi khoản chi từ ngân sách phải tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích; cần đấu thầu thì phải đấu thầu, cần đấu giá thì phải đấu giá.

Hay đối với Điều 87 về giá dịch vụ khám, chữa bệnh cần phải nghiên cứu kỹ hơn, nhất là khái niệm chi phí chất lượng; cần phải làm rõ cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước bao gồm những loại gì trong này. Vì cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước có rất nhiều mô hình như đơn vị sự nghiệp công lập, có loại là nhà nước đảm bảo 100%, có loại tự chủ cả chi đầu tư, chi thường xuyên, có loại tự chủ một phần chi thường xuyên, có loại là công ty cổ phần hoặc hoạt động liên doanh, liên kết… cần phải làm rõ hơn.

Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề cơ chế để quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân thì ai quyết định việc này? Cơ sở khám chữa bệnh có được tự quyết định không hay là ai quyết định việc này?

Điều 89 về thiết bị y tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu để phân định giữa việc đầu tư mua sắm, quản lý, sử dụng thiết bị y tế từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn lực của các đơn vị sự nghiệp công lập để có những quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy định về quản lý, sử dụng ngân sách và nợ công.

Ngoài ra, các thiết bị y tế như chi phí vật tư, tiêu hao thuốc cho khám, chữa bệnh cũng rất lớn nên cũng cần phải nghiên cứu bổ sung quy định về việc mua sắm, quản lý, sử dụng một cách nguyên tắc và có thể giao Chính phủ quy định chi tiết việc này.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý lần sửa đổi này phải rà soát tổng thể để quy định những nội dung rất cụ thể cho việc khám, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch truyền nhiễm thuộc Nhóm A.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải ban hành Nghị quyết 12/NQ-UBTVQH15 vào ngày 30/12/2021 quy định rất nhiều nội dung cho công tác khám, chữa bệnh, trong đó có khám, chữa bệnh từ xa. Do đó cần ra soát lại để có thể có những quy định khung và có những quy định cụ thể để sau Chính phủ có thể linh hoạt hơn trong việc đối phó với những dịch bệnh rất nguy hiểm Nhóm A như COVID-19 vừa qua mà không cần phải dùng đến những nghị quyết đặc thù của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội như vừa qua.

"Luật Khám bệnh, chữa bệnh là luật rất quan trọng, liên quan đến chăm sóc sức khỏe của Nhân dân. Do đó, đòi hỏi cơ quan trình và cơ quan thẩm tra đầu tư công sức để đảm bảo chất lượng cao nhất", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

T.H