Cơ hội gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong tháng 3
Thị trường - Ngày đăng : 07:00, 04/03/2022
Ảnh hưởng từ chiến sự ở Ukraine
Các số liệu thống kê lịch sử cho thấy chiến tranh và căng thẳng địa chính trị phần lớn ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong ngắn hạn, khoảng 2 - 3 tuần sau khi sự kiện diễn ra. Cụ thể, S&P 500 sụt giảm trong những sự kiện như vậy trung bình khoảng 4 - 6% và thị trường sẽ sớm phục hồi và quay trở lại xu hướng tăng, ghi nhận mức tăng trưởng trung bình 2,5% trong 3 tháng sau một sự kiện và tăng trưởng trung bình 7,3% trong một năm sau một sự kiện.
Thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực với các cuộc khủng hoảng quân sự trong ngắn hạn, nhưng thường sớm phục hồi sau đó. Nguồn: VNDIRECT. |
Thị trường chứng khoán Việt Nam, cùng với thị trường chứng khoán ASEAN dường như ít bị ảnh hưởng trong những thời điểm diễn ra chiến sự và xung đột địa chính trị. Do đó, các chuyên gia cho rằng, bất kỳ sự điều chỉnh nào cũng có thể tạo ra cơ hội tích lũy cổ phiếu tốt.
Về tiền tệ, chỉ số đồng USD chủ yếu giảm trong thời kỳ khủng hoảng, điều này có nghĩa là các đồng tiền khác có xu hướng tăng giá. Dựa trên tình trạng nhập siêu và dự trữ ngoại hối vững chắc, các chuyên gia của VNDIRECT cho rằng: "VND có thể mạnh lên trong ngắn hạn".
FED bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ
Theo khảo sát của CME Group, thị trường kỳ vọng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể nâng lãi suất điều hành ít nhất 125 điểm cơ bản vào năm 2022, bắt đầu từ tháng 3 này.
Phát biểu trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 2/3, Chủ tịch FED Jerome Powell, cho hay, FED đã sẵn sàng nâng lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng này nhằm hạ nhiệt lạm phát.
“Cuộc chiến Nga – Ukraine làm gia tăng bất ổn kinh tế song không thể khiến Fed rời khỏi lộ trình tăng lãi suất của mình”, ông Powell nhấn mạnh.
FED dự kiến sẽ tăng lãi suất ở mức 0,25% trong phiên họp tháng 3 tới, song sẵn sàng tăng lãi suất với mức độ mạnh hơn, tần suất thường xuyên hơn nếu lạm phát không giảm.
Theo thống kê, thị trường chứng khoán Mỹ, đại diện bởi chỉ số S&P 500, vẫn tăng trưởng trong phần lớn các chu kỳ tăng lãi suất của FED, với lợi tức trung bình hàng năm khoảng 4,4%.
Các ngành thường có diễn biến tích cực sau đợt tăng lãi suất đầu tiên của FED bao gồm truyền thông, năng lượng, bất động sản, tiện ích và vật liệu. Ngược lại, các ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng tiêu dùng không thiết yếu, chăm sóc sức khỏe và công nghệ hoạt động kém hơn so với thị trường chung trong ba tháng sau đợt tăng lãi suất đầu tiên của FED.
Mặt khác, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) có thể tiếp tục bị hút ròng trong nửa đầu năm 2022 do ảnh hưởng của “taper tantrum” - cụm từ mà các quan chức FED và nhiều người khác sử dụng để miêu tả kế hoạch "rút chân ga" khỏi "cỗ máy kích thích kinh tế" bằng cách giảm lượng trái phiếu mà FED mua vào một cách từ từ và trong quãng thời gian dài.
Tuy nhiên, khối ngoại liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 năm trở lại đây nên tác động của việc khối ngoại bán ròng sẽ ở mức vừa phải do thị trường đã có sự chuẩn bị từ trước.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được hỗ trợ bởi Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ, vì Việt Nam vẫn là lựa chọn hàng đầu đối với nhiều nhà sản xuất trên thế giới khi theo đuổi chiến lược “Trung Quốc + 1”. Thêm nữa, dòng vốn trong nước đang đổ mạnh vào thị trường chứng khoán.
“Do đó, chúng tôi tin rằng việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ khó có thể gây ra sự điều chỉnh "đáng kể" trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2022”, VNDIRECT cho biết.
Cơ hội cho tháng 3
Nhóm chuyên gia đưa ra 3 cơ hội trọng tháng 3 đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đầu tiên, Việt Nam đẩy nhanh tốc độ mở cửa trở lại ngành hàng không và du lịch. Theo Cục Hàng không Việt Nam, kể từ ngày 15/2/2022, Việt Nam chính thức dỡ bỏ những hạn chế về tần suất các chuyến bay quốc tế thường lệ. Ngày 16/2/2022, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam liên quan tới việc mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch quốc tế và dỡ bỏ mọi hạn chế đi lại kể từ ngày 15/3.
Kể từ quý II/2022, Việt Nam mở cửa hoàn toàn với du lịch quốc tế. Đây sẽ trở thành động lực cho sự phục hồi mạnh mẽ hơn của ngành Dịch vụ nói riêng và tổng thể nền kinh tế nói chung. Ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 65 triệu khách du lịch vào năm 2022, trong đó du khách quốc tế là 5 triệu (từ mức gần bằng 0 trong năm 2021) và du khách nội địa là 60 triệu (tăng 50% so với cùng kỳ). Theo Tổng cục Du lịch, tổng nguồn thu từ du khách năm 2022 ước tính đạt 400.000 tỷ đồng (+122,2% so với cùng kỳ).
Thứ hai, đón đầu xu hướng tăng trưởng lợi nhuận và mùa họp đại hội cổ đông thường niên. Tính tới ngày 22/2/2022, 1.049 công ty niêm yết, chiếm 60,8% tổng số cổ phiếu niêm yết và 93,0% vốn hóa thị trường, đã công bố kết quả hoạt động kinh doanh quý IV/2021. Tại thời điểm này, tổng lợi nhuận ròng trong kỳ của các công ty niêm yết ghi nhận tăng trưởng 17,2% so với cùng kỳ.
Năm 2021, lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết trên 3 sàn chứng khoán tăng 41,9% so với năm trước. Riêng trên sàn HOSE, lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết tăng 38,7% .
Tăng trưởng lợi nhuận giai đoạn 2022 - 2023 bệ phóng vững chắc cho VN-INDEX. Nguồn: VNDIRECT. |
“Trong năm 2022, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng EPS của các công ty niêm yết trên HOSE sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao 23%. Một số ngành dự kiến có sự cải thiện mạnh mẽ về tăng trưởng lợi nhuận, bao gồm hàng hóa công nghiệp và dịch vụ, bán lẻ và bất động sản trong khi tăng trưởng lợi nhuận của dầu khí, tiện ích công cộng và công nghệ”, nhóm chuyên gia VNDIRECT cho biết.
Cuối cùng, là cơ hội Định giá hấp dẫn với tầm nhìn dài hạn. Theo dữ liệu của Bloomberg, tại thời điểm ngày 22/2/2022, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 12 tháng là 17,1 lần, tương đương với P/E trung bình một năm là 17,2 lần. Duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận năm tài chính 2022/2023 ở mức 23%/19% nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của các lĩnh vực định hướng xuất khẩu và sự phục hồi trở lại của dầu khí và bất động sản. Do đó, theo quan điểm của VNDIRECT: "định giá thị trường vẫn ở mức hấp dẫn với P/E dự phóng 2022 và 2023 lần lượt được ước tính là 13,9 lần và 11,8 lần (thấp hơn P/E trung bình 3 năm gần nhất là 16,2 lần)".
Dưới góc nhìn kỹ thuật, nhóm chuyên gia kỳ vọng VN-INDEX có thể giao dịch trong khoảng 1.460 - 1.560 điểm trong tháng 3/2022.
“Chúng tôi cho rằng thị trường chứng khoán điều chỉnh là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu cho mục tiêu nắm giữ trung hạn trong vòng 3-12 tháng tới. Các yếu tố xúc tác tăng trưởng bao gồm sự phục hồi mạnh mẽ hơn của hàng không và du lịch và tốc độ tăng trưởng cao hơn kỳ vọng trong quý I/2022 của các công ty niêm yết. Những rủi ro đi xuống tiềm ẩn đối với thị trường bao gồm FED cắt giảm chính sách lãi suất mạnh hơn dự kiến và căng thẳng Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn”, VNDIRECT nhấn mạnh.